Trường đại học từng thu sai 37 tỷ đồng lại vướng loạt sai phạm
(Dân trí) - Thời điểm thanh tra, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương phát hiện trường Đại học Thủ Dầu Một còn nhiều hạn chế, thiếu sót liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, quản lý biên chế viên chức...
Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương đã ban hành Kết luận thanh tra số 08/KL-ĐTTTr về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tổ chức bộ máy, quản lý biên chế viên chức... tại Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Thời gian thanh tra từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2023.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương, đơn vị thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tổ chức bộ máy của đơn vị; quản lý biên chế viên chức, số lượng người làm việc trong đơn vị; xây dựng đề án vị trí việc làm và việc ký, sử dụng hợp đồng lao động làm việc trong đơn vị.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trong đơn vị; công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo, quản lý; công tác thi đua, khen thưởng của Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Kết luận thanh tra nêu rõ, về tổ chức bộ máy, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng trường ban hành Quyết định thành lập, giải thể, sáp nhập các đơn vị thuộc và trực thuộc trường chưa phù hợp với thẩm quyền quy định. Đồng thời, đơn vị không thực hiện đầy đủ quy trình thực hiện việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức thuộc và trực thuộc trường.
Về quản lý biên chế viên chức, từ năm 2021-2023, trường đã thu hút 11 trường hợp, bao gồm 9 tiến sĩ và 2 tiến sĩ - giảng viên chính. Đến nay, có 1 trường hợp thôi việc nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo quy định.
Sau đó, nhà trường đã ban hành quyết định bồi thường kinh phí thu hút và cá nhân đã nộp đủ số tiền phải đền bù. Tuy nhiên, trường không thực hiện các trình tự, thủ tục về bồi thường theo hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Về hợp đồng làm việc, đối với viên chức đã qua tuyển dụng, thang bảng lương, Trường Đại học Thủ Dầu Một cũng làm không đúng với quy định...
Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương cũng kết luận vấn đề đền bù chi phí đào tạo, từ năm 2021 - 2023 tại trường. Theo đó, có 9 trường hợp đi học phải đền bù chi phí đào tạo, trong đó có 4 trường hợp đi học theo Đề án 911 do Bộ Giáo dục và Đào (GD&ĐT) tạo cấp kinh phí; 5 trường hợp do trường ban hành quyết định cử đi đào tạo và cấp kinh phí.
Đối với 4 trường hợp do Bộ cấp kinh phí, trường đã làm thủ tục báo cáo Bộ GD&ĐT và thực hiện việc thu hồi theo yêu cầu của Bộ. Mới chỉ có 1 trường hợp đã đền bù một phần kinh phí đào tạo, 3 trường hợp còn lại chưa bồi hoàn.
Đối với 5 trường hợp do trường cử đi học, trường cũng đã ban hành quyết định bồi thường kinh phí đào tạo và tất cả 5 người đã hoàn thành việc bồi hoàn. Tuy nhiên, việc thực hiện bồi hoàn chi phí đào tạo đối với 5 trường hợp này không thành lập Hội đồng để xét đền bù là chưa đúng với quy định.
Việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo, quản lý, trong thời kỳ thanh tra cũng không đúng với quy định...
Từ những kết luận nêu trên, Chánh thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương đề nghị Trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc để xảy ra những tồn tại, hạn chế như đã nêu trên...
Thu sai hơn 37 tỷ đồng, Đại học Thủ Dầu Một nộp lại ngân sách
Trước đó, kiểm toán nhà nước đã tiến hành kiểm toán tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, giai đoạn 2015-2021, phát hiện Trường Đại học Thủ Dầu Một thu sai quy định trong hai năm học 2020-2021 và 2021-2022, số tiền hơn 37 tỷ đồng.
Ngay sau khi kiểm toán nhà nước công bố kết luận, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Trường Đại học Thủ Dầu Một hoàn trả cho sinh viên (trường hợp không hoàn trả được thì nộp ngân sách) số học phí đã thu vượt mức quy định.
Sau đó, trường này đã nộp toàn bộ số tiền thu sai quy định vào ngân sách nhà nước.
Lý do không trả lại sinh viên số tiền thu sai mà nộp vào ngân sách là do thời điểm đó, trường chưa tự chủ, ngân sách còn trợ cấp nên khi có kết luận kiểm toán thì trường nộp lại ngân sách, vị lãnh đạo trường này chia sẻ.