Trợ giá cho SGK điện tử để tạo sự bình đẳng

“Với những trẻ em nghèo, tôi nghĩ cần có chính sách phù hợp. Chúng ta cần nâng đỡ những người đi sau chứ không nên cản đường của người đi trước”.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nói như vậy khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề sách giáo khoa (SGK) điện tử đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. 

Cần truyền thông có định hướng cho SGK điện tử

Nhiều nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản…đều đã thí điểm và sử dụng SGK điện tử, đặc biệt là Hàn Quốc đã có hẳn một đề án quốc gia với mục tiêu là năm 2015 hoàn toàn sử dụng thiết bị mới này trong nhà trường. Ông đánh giá thế nào về xu hướng SGK điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam?

Cũng giống như internet, SGK điện tử là xu thế không thể cưỡng lại. Đón bắt xu thế này cũng giống như đón bắt con tàu đi đến tương lai, thà làm vị khách đến sau còn hơn làm vị khách bị bỏ lại bên đường. Tất nhiên, những vị khách lên tàu trước, như Hàn Quốc chẳng hạn, bao giờ cũng có lợi thế hơn nhiều: trên con tàu họ chọn được chỗ tốt hơn; trong giáo dục họ cải cách được nhanh hơn.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (ảnh tư liệu)
TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (ảnh tư liệu)

Trong công nghệ thông tin và truyền thông, Việt Nam không phải là một đất nước nhỡ tàu. Chúng ta tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới rất nhanh. Hiện nay đã có hơn 30 triệu người Việt sử dụng internet, số điện thoại di động đang được sử dụng nhiều hơn cả số dân.

Trẻ em Việt Nam tiếp cận với internet, với công nghệ điện tử và công nghệ số cũng hết sức dễ dàng, nhanh chóng. Chúng tiếp thu công nghệ có khi còn nhanh hơn cả người lớn. Chỉ cần đưa cho chúng thiết bị có ứng dụng trò chơi, không cần phải hướng dẫn, chúng có thể tự cầm máy và bắt đầu vào cuộc ngay. 

Như vậy có thể thấy, Việt Nam đã hoàn toàn sẵn sàng cho SGK điện tử. Và xu thế này là điều tất yếu. Tất nhiên, sách giáo khoa điện tử sẽ đắt hơn. Và đây có thể là một vấn đề không nhỏ, đặc biệt là đối với những trẻ em nghèo. Tuy nhiên, với những trẻ em nghèo, tôi nghĩ cần có chính sách phù hợp. Chúng ta cần nâng đỡ những người đi sau chứ không nên cản đường của người đi trước. Không nên bắt những người muốn vươn lên phải đứng lại chờ những người đi bộ ở phía sau.

SGK điện tử Classbook chính thức ra mắt vào tháng 6/2013.
SGK điện tử Classbook chính thức ra mắt vào tháng 6/2013.

Ngoài việc truyền thông có định hướng, ông tư vấn thế nào để cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân?

Đây quả thực là một phép cân đối khó khăn. Tuy nhiên, nếu SGK điện tử là cần thiết cho sự phát triển, thì Nhà nước nên có chính sách cho thiết bị mới này. Chính sách ở đây có thể là việc trợ giá cho đầu vào (cho quá trình sản xuất) hoặc cho đầu ra (để bán được sản phẩm mà không bị lỗ). Lợi ích của Nhà nước là sự phát triển của đất nước, là nguồn nhân lực có chất lượng hơn.

Tiền lấy từ nguồn nào? - Nên bỏ bớt khai trương, lễ lạt…

Chính sách trợ giá thì cũng nhiều người đã bàn, nhưng chúng ta sẽ lấy tiền từ nguồn nào để trợ giá?

Tiền lấy đâu ra là câu hỏi muôn thủa và là câu hỏi không dễ trả lời. Đây không còn là câu chuyện của riêng Bộ Giáo dục, mà đã là câu chuyện của cả Chính phủ và Quốc hội. Chi tiền ngân sách trước hết là vấn đề xác lập ưu tiên. Nếu giáo dục là ưu tiên hàng đầu thì cần cắt bớt ở những khoản chi thuộc hàng ưu tiên thứ 2, thứ 3.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cắt bớt những khoản chi rõ ràng là không cấp thiết như xây thêm trụ sở, tổ chức hội họp, đi nghiên cứu nước ngoài, lễ khai trương, khởi công, báo công… 

Mọi chính sách đều có hai mặt, chính sách áp dụng SGK điện tử cũng vậy. Nếu chính sách này được triển khai, miếng cơm, manh áo của những người làm ghề sản xuất giấy, sản xuất vở… sẽ bị ảnh hưởng. Cần có thời gian và sự hỗ trợ cho những người này chuyển đổi nghề nghiệp.

Dư luận từ trước đến nay vốn cảm tính và không mấy thiện cảm với NXB Giáo Dục vì độc quyền SGK. Khi sách giáo khoa điện tử mang danh NXB Giáo dục ra đời, nó cũng đã bị đánh đồng theo định kiến ấy. Trong khi đó, một số chuyên gia công nghệ thì ghi nhận và đánh giá cao sự tiên phong này bởi những đơn vị đi đầu thường gặp rất nhiều rủi ro. Vậy, việc NXB Giáo dục không ngại rủi ro để mang sản phẩm đến với xã hội có làm cho những định kiến về sự độc quyền ấy giảm đi không, thưa ông?

Định kiến là thứ khó có thể loại bỏ trong một sáng, một chiều. Tuy nhiên, có nhiều loại độc quyền, bao gồm độc quyền tự nhiên và độc quyền nhân tạo. Độc quyền tự nhiên thì xã hội có thể hiểu và chấp nhận được. EDC có lợi thế là người đi đầu trong lĩnh vực sách giáo khoa điện tử và hiện chưa có doanh nghiệp nào đưa ra sản phẩm cạnh tranh khác tốt hơn, như vậy đây được gọi là độc quyền tự nhiên và điều này có thể được thấu hiểu.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, sự độc quyền sách giáo khoa của NXB Giáo dục lại là sự độc quyền nhân tạo do pháp luật đưa lại, cho nên người ta không mấy thiện cảm với NXB Giáo dục. Nhưng nếu chỉ vì thế mà SGK điện tử cũng bị “ghét” lây thì cũng oan cho nó.

Xin cảm ơn ông về những trao đổi thú vị này.

Sách giáo khoa điện tử Classbook.
Sách giáo khoa điện tử Classbook.
 
Người dùng thử nghiệm các tính năng của Classbook
Người dùng thử nghiệm các tính năng của Classbook
 
Classbook trên tay các em học sinh.
Classbook trên tay các em học sinh.