Triệu người tra cứu điểm, server Bộ chỉ tải được 60.000 lượt cùng lúc

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí chiều ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Hệ thống server của Bộ chỉ chịu tải được khoảng 60.000 lượt truy cập cùng lúc. Nhưng chiều qua số người truy cập lên quá cao, vượt quá năng lực truyền tải thì các hệ thống server không đáp ứng được…”

QUÝ ĐỘC GIẢ CÓ THỂ TRA CỨU ĐIỂM THI THPT QUỐC GIA TẠI ĐÂY

 
Do thí sinh quá hồi hộp xem điểm thi nên các địa chỉ tra cứu điểm bị tê liệt 2h đồng hồ

Do thí sinh quá hồi hộp xem điểm thi nên các địa chỉ tra cứu điểm bị tê liệt 2h đồng hồ (ảnh minh họa)

 

Ngày 22/7, Bộ GD-ĐT đã ra công văn đúng 14h30 chiều bộ công bố điểm thi THPT quốc gia 2015. Chính vì lẽ đó, hàng triệu thí sinh và phụ huynh hồi hộp chờ đợi đến đúng giờ đó truy cập vào đúng địa chỉ web mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Tuy nhiên, hàng loạt các địa chỉ mà Bộ cung cấp đã bị tê liệt không truy cập được, liên tục báo lỗi đến 2 tiếng đồng hồ gây náo loạn.

Trao đổi với báo chí vào chiều ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Hệ thống server đặt cơ sở dữ liệu của bộ đáp ứng khoảng 60.000 lượt truy cập nhưng số người truy cập lên quá cao, vượt quá năng lực truyền tải nên các hệ thống server không đáp ứng được. Sau đó kỹ thuật reset lại hệ thống lại chạy bình thường.

Vì sao có tới hơn 1 triệu thí sinh dự thi THPT quốc gia mà bộ lại xây dựng server chỉ có 60.000 lượt truy cập?
 
Thứ trưởng Ga cho rằng: “Bộ chuẩn bị cho hệ thống quá lớn mà sử dụng trong vài tiếng đồng hồ thì không cần thiết. Bộ phải đi thuê cơ sở hạ tầng, Bộ không thể mỗi năm tuyển sinh một lần mà trang bị tất cả các server để truy cập trong thời gian ngắn, rất lãng phí.

 

Ngày 21-7, Bộ GD-ĐT mới tổng hợp đầy đủ và rà soát, xử lý được cơ sở dữ liệu điểm và công bố ngay cho thí sinh. Với số lượng hơn 1 triệu thí sinh nên bộ đã tính tới với một cơ sở dữ liệu khổng lồ như vậy, nếu chỉ có một đường truyền duy nhất thì sẽ không thể truyền tải nổi cho hàng triệu thí sinh truy cập vào hệ thống.
 
Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã chia nhỏ dữ liệu điểm thi cho 8 cụm thi gồm: ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Vinh, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Cần Thơ nơi có cơ sở hạ tầng tốt công bố điểm thi để thí sinh tra tải.
 
Vì sao Bộ không để cho các cụm thi công bố điểm?
 
Thứ trưởng Ga cho hay, kỳ thi năm nay khác với mọi năm, năm trước thí sinh đăng ký thi vào trường và trường nào công bố điểm của thí sinh trường đấy. Năm nay không phải thí sinh của trường nên bộ muốn tập hợp lại để công bố cùng lúc.
 
Thứ trưởng Ga cho biết, rút kinh nghiệm năm nay, năm sau, Bộ sẽ mở rộng các cụm thi công bố điểm thi để thí sinh truy cập tốt hơn.
 
Website tra cứu điểm của Bộ tê liệt, máy chủ cụm thi cũng "ngắc ngoải" giờ cao điểm
 
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã chia nhỏ dữ liệu để công bố điểm thi cho thí sinh nhưng chiều qua 22/7, nhiều cụm thi vẫn tắc nghẽn.
Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sau khi nhận được thông báo của Bộ GD-ĐT về cho phép công bố điểm thi, trường đã huy động toàn bộ máy chủ, dùng hết tài nguyên máy tính để hỗ trợ phục vụ cho công việc này.
 
Hệ thống của trường có thể đáp ứng được tới 100.000 truy cập nhưng vẫn bị “treo” do quá nóng ruột nên thí sinh và phụ huynh không để ý những đối tượng nào được tra cứu theo cụm mà vẫn vào tất cả các trang tra cứu mà họ biết.

Những cụm thi khác cũng xảy ra hiện tượng như vậy, do lượng thí sinh truy cập cùng một lúc nên gây quá tải. Ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng ĐH Vinh cho biết có thời điểm cổng thông tin tra cứu điểm thi không hoạt động được do có 100.000 người cùng đăng ký truy cập. Trường đã tập trung lực lượng để tiến hành khắc phục.

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đều cho rằng nếu như Bộ giao nhiệm vụ công bố điểm thi cho các cụm thi, thì việc tra cứu điểm của thí sinh sẽ không bị quá tải như vừa qua.

Hồng Hạnh

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)