Gia Lai

Trèo đèo lội suối vận động học sinh đi học nhưng cô giáo vẫn phải nghỉ việc

(Dân trí) - Suốt 3 năm bám trường với những lúc bị bọ chét cắn khi trèo đèo lội suối đi vận động học sinh, thức thâu đêm lúc học sinh đau ốm, gãy tay vì đường trơn trượt… đồng lương thì “bọt bèo”. Nhưng khi hết hạn hợp đồng, Ý đành phải chia tay nghề giáo….

Vì trò nghèo nên chịu gian khổ

Tháng 8/2012, cô giáo Lê Thị Mỹ Ý (SN 1991, trú thị trấn Kbang, Kbang, Gia Lai) tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Tin học, Trường ĐH Phú Yên. 1 tháng sau, Ý được vào dạy hợp đồng tại Trường PTDTBT Tiểu học Đăk Rong. Đây cũng là năm đầu tiên môn Tin học được triển khai dạy tại trường cho các em học sinh từ lớp 3- lớp 5.

Việc truyền dạy kiến thức công nghệ thông tin đến với các em học sinh tiểu học chưa biết máy tính là gì đã là khó khăn, nhưng các em ở đây lại là học sinh dân tộc thiểu số, nhiều em vẫn chưa thông thạo được tiếng phổ thông khiến khó khăn còn nhiều hơn gấp bội. Những bất đồng về ngôn ngữ lúc đầu khiến cả cô và trò đều thấy nản lòng, và gặp nhiều trở ngại trong việc truyền đạt và tiếp thu...

Nhưng vốn sinh ra trong gia đình khó khăn, lại đông con nên từ nhỏ Ý cũng đã sống cuộc sống nhiều vất vả. Vì vậy, trong Ý luôn có sự đồng cảm và thương yêu học trò. Ý hạ quyết tâm phải giúp các em sử dụng được máy tính một cách thành thạo, như vậy các em cũng sẽ thích đến trường hơn; bằng cách phải gần gũi các em, tâm sự, trò chuyện thường xuyên với các em. Và một điều kiện thuận lợi của Ý đó là do nhà cách trường hơn 50km, đường đi lại khó khăn nên Ý phải ở lại trường từ đầu tuần đến cuối tuần; còn các em học sinh thì được nhà trường nuôi theo hình thức nội trú. Vậy nên, ngoài thời gian trên lớp học, cô trò có rất nhiều thời gian để tiếp xúc, gần gũi với nhau.

Không chỉ vậy, mỗi tuần, Ý cùng các giáo viên khác vào làng vận động, đưa học sinh trở lại trường. Vào mùa mưa, đường rừng trơn trượt, những ghềnh nước dâng cao trong khi phụ huynh lại phó mặc mọi chuyện cho giáo viên; Ý lại cùng các giáo viên khác dùng xe máy chở các em học sinh về trường, khi qua ghềnh nước thì cõng các em trên lưng…

 

Trèo đèo lội suối vận động học sinh đi học nhưng cô giáo vẫn phải nghỉ việc - 1

Cô giáo Ý vào làng vận động học sinh, cõng các em qua ghềnh nước

Học sinh còn nhỏ, lại xa cha mẹ, cả tuần ở trường nên mọi việc từ tắm, giặt, ăn uống… của các em đều do giáo viên và cấp dưỡng của trường lo. Vì còn độc thân, nên nhiều hôm Ý còn “ôm” luôn việc giặt quần áo cho một số học sinh lớp nhỏ: “Có em chí rận nhiều, khi thay quần áo thì nó bám đầy vào quần áo, em vừa thấy nổi da gà vừa thấy thương các em hơn”. Rồi có những hôm 1 số em đau ốm, nhà xa, đường đi lại khó khăn, cha mẹ lại lên rẫy nên các em được đưa về khu nhà Ý đang ở. Mỗi lần như vậy, Ý và một số giáo viên phải thức thâu đêm để canh học trò: “Có lúc nửa đêm có em lên cơn sốt cao, tụi em lại bồng bế chở các em tới trạm Y tế nên mỗi lần như vậy là phải thức canh cả đêm…”.

Những hành động của cô giáo Ý đã làm cho khoảng cách của cô trò càng trở nên gần gũi như tình thân nên việc truyền đạt kiến thức của cô đến các em đã dễ dàng hơn rất nhiều. Từ chỗ không muốn làm quen với chiếc máy tính vì quá khó, các em đã dễ dàng sử dụng máy tính với các thao tác cơ bản, biết sử dụng word để đánh văn bản… “Hồi đầu dạy khổ lắm, em nói khan cả cổ, phải tới tận bàn chỉ cho từng học sinh từng chút một”, Ý nhớ lại.

 

Trèo đèo lội suối vận động học sinh đi học nhưng cô giáo vẫn phải nghỉ việc - 2

Sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên Ý rất giản dị, hòa đồng cùng học sinh

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đó với cô giáo trẻ là những hôm cuối tuần vào làng vận động học sinh: “Có hôm em và các giáo viên khác phải lên tận nhà đầm (chòi trên rẫy-PV) đưa học sinh về. Có lúc phải rình mò, ẩn nấp để “chộp” học sinh vì các em thấy giáo viên là chạy. Vì vậy, tụi em toàn phải đi vào buổi tối nên có hôm về đến trường là đã 0h rồi”, Ý nhớ lại. Với Ý, việc vận động học sinh tuy có mệt nhưng em thấy vui và ý nghĩa: “Mệt nhưng mà vui vì rất ý nghĩa chị ạ, em chỉ ngán nhất là mỗi lần vào làng vận động do địa bàn là rừng núi nên bị bọ chét và vắt nó cắn gãi rộp hết cả da”.

Không chỉ vậy, đường đi vào làng, vào trường có những chỗ lầy lội, trơn trượt nên chuyện té xe xảy ra rất thường xuyên: “Năm ngoái em ngồi xe một thầy giáo chạy xe về, do trời tối, lại mưa không thấy đường nên thầy đồng nghiệp đã không thấy 1 cây lớn bị đổ ra đường nên đã tông xe vào cây. Cả em và thầy phải nhập viện, cả 2 tay em bị gãy nên không làm được gì cả tháng trời, lại khổ ba má chăm nuôi”, Ý nhớ lại…

 

Trèo đèo lội suối vận động học sinh đi học nhưng cô giáo vẫn phải nghỉ việc - 3

Cô trò thân thiết như người một nhà

Phải bỏ nghề vì hết hợp đồng

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng lương hợp đồng của Ý cũng chỉ được 2.940.000 đồng/tháng, và sau đó được tăng lên 3.220.000 đồng. Với số tiền này, Ý đã phải rất tằn tiện chi tiêu hàng tháng mới đủ: “Em không dám ăn riêng, mà phải ăn chung với các cô giáo với mỗi tháng nộp 500-600 nghìn đồng, rồi có lúc đau ốm thì cha mẹ lại phải phụ vào. Làm không giúp được cha mẹ còn có lúc phải lấy thêm của cha mẹ nên em buồn lắm, vì ba em đã gần 70 tuổi nhưng vẫn còn phải đi làm thuê”, Ý buồn nói.

Còn rất nhiều khó khăn, nhiều sự tủi hổ khác mà Ý đã từng trải suốt 3 năm dạy hợp đồng trong trường. Nhưng với Ý trên hết đó là niềm vui được làm giáo viên, được truyền dạy kiến thức cho các em học sinh nghèo: “Em rất yêu nghề giáo, mỗi lần nhìn cuộc sống cực khổ của gia đình học sinh, em thầm nguyện sẽ giúp đỡ các em để các em, để nhận thức của các em thay đổi…”, Ý chia sẻ.

Vậy nhưng, điều nguyện của Ý đã không trọn vẹn khi trường có giáo viên biên chế môn Tin học về, Ý bỗng dưng mất việc: “Tất cả những khó khăn ban đầu em đều làm hết, khi các em học sinh đã biết sử dụng máy tính, tất cả đều đã đi vào quỹ đạo thì người khác về thay em”, Ý vừa nói vừa rơi nước mắt. Và chính thức từ tháng 3/2015, sau gần 3 năm giảng dạy ở Trường TH Đăk Rong, Ý đành phải xách đồ ra đi vì hết hạn hợp đồng. Ước mơ gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” cô giáo trẻ đã bị rơi xuống vực, Ý lang thang xin đi dạy khắp nơi nhưng đều thất bại nên đành đi về xin việc khác làm.

 

Trèo đèo lội suối vận động học sinh đi học nhưng cô giáo vẫn phải nghỉ việc - 4

Sau 3 năm bám trường đi dạy, cô Ý (áo trắng, bên trái) đã mất nghề vì hết hạn hợp đồng

“Hồi em dạy trong trường, lương thấp, mỗi lần bạn bè mời đám cưới… là em phải xin tiền ba má, trong khi ba má cũng nghèo nên nhiều lúc em thấy thương ba má lắm. Giờ em làm thuê lương cao hơn đi làm giáo viên, lại ở gần nhà mà ở trung tâm thị trấn nhưng em vẫn không thích. Vì em rất yêu nghề giáo, nhiều lúc em ngủ mà nằm mơ thấy mình đang được đứng trên bục giảng chị ạ, có lẽ là vì em quá thương học trò nơi đây…”, những giọt nước mắt của cô giáo bỗng không kìm lại được.

3 năm không phải là quá dài, nhưng những hy sinh thầm lặng của cô giáo trẻ giành cho những học sinh Bahnar nghèo thân thương rất nhiều. Bởi với Ý, được gắn bó, giảng dạy với các em học sinh mới là trên hết. Vậy mà, một ngày cô giáo Ý đã phải một mình dọn dẹp đồ đạc, một mình chạy xe hơn 50km đường rừng chở đồ về nhà, nước mắt Ý ướt nhèm trên khuôn mặt suốt quãng đường, bởi “hành lý” nặng trịch trên vai Ý là những tủi hổ mất việc vì hết hợp đồng, những nỗi buồn vì phải xa học trò...

Thầy Phạm Quốc Tuấn- Hiệu trưởng Trường TH Đăk Rong cho biết, trong thời gian giảng dạy tại trường, cô Ý luôn hoàn thành nhiệm vụ, tính tình hòa nhã. Tuy nhiên, về việc nhân sự thì thầy Tuấn chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận từ cấp trên chứ không có quyền quyết định, chỉ khi nào trường thiếu giáo viên thì mới thuê hợp đồng.

Thiên Thư