Trên 30% trường học chưa có cán bộ y tế chuyên trách

(Dân trí) - Thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu kinh phí, cơ sở vật chất còn thấp kém… là những khó khăn mà lĩnh vực công tác y tế trường học đang gặp phải.

Các vấn đề trên được Vụ Công tác học sinh-sinh viên (Bộ GD-ĐT) đưa ra tại hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện công tác y tế trường học diễn ra hôm nay 3/12 tại Cần Thơ.

 

Theo Vụ Công tác HS-SV, thời gian qua thực trạng công tác y tế trường học (YTTH) còn nhiều bất cập và yếu kém.

 

Mạng lưới YTTH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cán bộ YTTH chủ yếu là kiêm nhiệm, vẫn còn trên 30% số trường trong cả nước chưa có cán bộ YTTH chuyên trách; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ YTTH còn ít; thiếu nguồn kinh phí cho YTTH; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu; thiếu công trình vệ sinh nước sạch…

 

Đội ngũ cán bộ làm công tác YTTH hầu như không có bất cứ khoản phụ cấp nào khác ngoài lương; tỷ lệ tỉnh có biên chế để tuyển cán bộ YTTH chuyên trách rất thấp… dẫn đến tỷ lệ cán bộ YTTH bỏ việc có xu hướng gia tăng.

 

Một số nơi do điều kiện kinh tế khó khăn như ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất, điều kiện học tập của các trường học, nhất là các lớp lẻ chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe HS và chất lượng học tập; nhiều công trình vệ sinh trường học, vệ sinh môi trường nước sạch đã xuống cấp mà chưa được sửa chữa;

 

Tỷ lệ trường có phòng YTTH chỉ đạt trung bình 65,8%. Trong khi đó, nguồn kinh phí YTTH chủ yếu từ bảo hiểm y tế (tỷ lệ HS tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện lại thấp nên không phát huy được tác dụng của kinh phí từ nguồn bảo hiểm y tế trích lại) chỉ đủ để trả lương hợp đồng cho cán bộ YTTH nên việc mua sắm trang thiết bị là rất khó khăn.

 

Thiếu kinh phí nên các hoạt động trong lĩnh vực YTTH ở trong tình trạng trì trệ và kém hiệu quả. Các dịch vụ sức khỏe triển khai trong trường học chưa rộng và không liên tục.

 

Để giải bài toán khó khăn trên, tại hội nghị, đại diện Vụ Công tác HS-SV cho biết, đang phối hợp cùng ngành Y tế triển khai một số nhóm giải pháp như: tăng cường cán bộ chuyên trách công tác YTTH chuyên trách tại các Sở GD-ĐT; hợp đồng cán bộ y tế đã nghỉ hưu hoặc nghỉ mất sức; phối hợp với các bên liên quan cung cấp trang thiết bị, thuốc thiết yếu; tăng cường vận động HS, SV thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc, tăng cường huy động các nguồn lực hỗ trợ khác..

 

Một thống kê mới đây được Vụ Công tác học sinh-sinh viên cho biết, tỷ lệ học sinh (HS) có sức khỏe tốt: 60-68%; tỷ lệ HS bị tật khúc xạ dao động từ 9,4-17,2%; tỷ lệ HS bị cong vẹo cột sống từ 4,48- 18,9%; tai nạn thương tích ở HS dưới 14 tuổi là 16,5% (trong đó tỷ lệ tử vong là 12,9%).

 

Một số bệnh, tật, dịch ở lứa tuổi học đường có xu hướng gia tăng trong HS là bệnh về răng miệng, tật khúc xạ, bệnh béo phì, giun sán. Bên cạnh đó, một số bệnh mới xuất hiện như xơ hóa cơ Delta, bệnh tay chân miệng, bệnh Rubella, ngất tập thể.

 

Ngoài ra, rối loạn hành vi của thanh thiếu niên, trong đó có HS, SV có chiều hướng gia tăng tội phạm do thanh thiếu niên gây ra chiếm khoảng 10,2%.

 

Huỳnh Hải