Tranh luận về bài thơ "Bắt nạt" trong sách Ngữ văn lớp 6 mới
(Dân trí) - Bên cạnh luồng tranh luận cho rằng bài thơ "Bắt nạt" có nội dung, câu từ ngô nghê thì nhiều ý kiến cho rằng người đọc cần có cái nhìn lạc quan và thái độ trân trọng khi cảm nhận các tác phẩm văn học.
Năm học mới 2021- 2022 sẽ là năm đầu tiên mà lứa học sinh lớp 2, lớp 6 học sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018). Có 3 bộ sách: Cánh Diều, Chân trời sáng tạo và bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho các tỉnh, thành lựa chọn và sử dụng.
Dù chưa chính thức bước vào năm học mới song đã có một số tranh luận liên quan đến nội dung của những bộ sách giáo khoa mới này. Trong đó, đáng chú ý là bài thơ "Bắt nạt" nằm trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa (SGK) "Kết nối tri thức với cuộc sống" do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Bài thơ được trích từ tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Sau khi được đưa vào sách giáo khoa, bài thơ đã gây ra luồng tranh cãi đến từ phía giáo viên, phụ huynh…
Bài thơ quá trẻ con, không phù hợp với học sinh lớp 6?
Trao đổi với Dân Trí, phụ huynh Hoàng Hải Nam (Quảng Ninh) cho biết: "Bài thơ có tư tưởng nhân đạo khi đề cập đến vấn đề thường gặp, đó chính là: Bắt nạt. Song, cá nhân tôi thấy cách thể hiện chưa sắc nét, những hình ảnh, câu từ cũng khá ngô nghê, chỉ thực sự phù hợp với các lớp nhỏ".
Đồng quan điểm, phụ huynh Trần Thanh Thảo bày tỏ, cách gieo vần, bắt nhịp có phần gượng ép khiến người đọc không cảm nhận được cái hay của câu từ. Theo chị Thảo, tác giả dường như đã cố gắng lắp ghép những từ cuối có cùng vần của các câu 2 và 4 trong cùng một khổ thơ để nghe cho có vần có điệu. Ví dụ, câu cuối của bài thơ "Vì bắt nạt rất hôi" là một câu rất ngô nghê, thậm chí là vô nghĩa khi dùng từ "hôi" chỉ để cho vần với từ "rồi" của câu 2 trong cùng khổ.
"Đọc lần đầu thì thấy vui vui, nhưng phân tích kỹ, tôi thấy vần điệu của bài rất ngang, ý thơ không sâu, nhiều câu từ còn sáo rỗng… Nhìn chung, bài thơ này không hay, không đặc sắc và còn nhiều bài khác hay hơn có thể lấy vào sách giáo khoa" - chị Thảo nhận xét.
Không chỉ phụ huynh, nhiều giáo viên cũng nhận xét bài thơ "Bắt nạt" của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh là "bài thơ ít chất thơ", "chưa thỏa mãn với tiêu chí của một văn bản văn học".
Là giáo viên tham gia tập huấn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 của chương trình giáo dục phổ thông mới, cô K.H (Hải Phòng) nhận định: "Với bài thơ "Bắt nạt", thật khó để nhìn ra được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ. Tôi thấy, bài thơ này để đọc cho vui thì được, chẳng ai bắt bẻ gì. Nhưng bài thơ được đưa hẳn vào sách giáo khoa lớp 6, tức là sẽ trở thành bước đệm đầu tiên đưa các em đến với chương trình Ngữ văn cấp 2 thì tôi thấy chưa thực sự xứng đáng".
"Hãy dùng sự trân trọng để thưởng thức văn chương"
Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng "Bắt nạt" là một bài thơ hay khi sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, trong sáng và ẩn chứa một thông điệp nhân văn, hướng con người tới "Chân - Thiện - Mỹ".
Em Nguyễn Phương Linh (học sinh lớp 12, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Sau khi đọc bài thơ này, em thấy rất ấn tượng bởi lời thơ giản dị, dễ hiểu, không "đao to búa lớn". Ngồi trên ghế nhà trường, em không khỏi buồn bã và ám ảnh trước trường hợp bạn bè của mình bị bắt nạt cả về thể chất lẫn tinh thần. Nói chung, bài thơ đã đề cập đến vấn đề "nóng", nhắc nhở một cách chân thành, gợi ra trong lòng những đứa trẻ cảm giác của tình người, rất nhân văn".
Tương tự, nhà giáo Vũ Thu Hương (giáo viên Ngữ văn, Thái Bình) cho hay, mọi người nên có cái nhìn cởi mở, lạc quan hơn về bài thơ này.
"Bài thơ gồm 8 khổ, mỗi khổ gồm 4 dòng với nội dung đề cập đến những mặt tiêu cực của việc đi bắt nạt người khác, đồng thời khuyên bảo các em không nên "ỷ mạnh hiếp yếu". Về nội dung và mục đích giáo dục, tôi thấy đây là bài thơ hay, phù hợp với việc giáo dục trẻ em về nạn bắt nạt tồn tại trong môi trường học đường.
Về biện pháp nghệ thuật, nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy bài thơ "Bắt nạt" rất phong phú về phép tu từ như so sánh, ẩn dụ, câu hỏi tu từ… Đặc biệt là bố cục rất chặt chẽ, ngôn ngữ giản dị, phù hợp với tâm lý trẻ thơ.
Điều quan trọng của một tác phẩm văn học là nội dung đề cập tới. Tôi thấy, bài thơ này đã làm khá tốt".
Thầy giáo Ngữ văn Nguyễn Hoàng Đặng (Hải Phòng) nhận xét, văn bản "Bắt nạt" vẫn phù hợp khi sử dụng cho đối tượng học sinh lớp 6, không nhất thiết phải học sinh nhỏ hơn mới hợp như một số ý kiến đã nêu. Theo thầy Đặng, trong văn chương, những tác phẩm không giới hạn cho lứa tuổi nào. Cách thưởng thức văn chương nhiều khi chỉ đơn giản là dùng sự trân trọng để thưởng thức cái hay, cái đẹp mà tác giả gửi gắm.
"Mỗi người một cảm nhận, người này thấy hay, nhưng cá nhân khác lại thấy dở, là chuyện hết sức bình thường.
Tuy nhiên, việc lựa chọn một văn bản để đưa vào chương trình là một quá trình khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Hội đồng biên soạn đều là những người có bề dày kinh nghiệm cả về lý luận lẫn thực tiễn, cho nên tôi nghĩ, việc đưa tác phẩm "Bắt nạt" này vào chương trình sách giáo khoa ắt hẳn sẽ có những lý do riêng. Quan trọng hơn, chúng ta nên công nhận công sức của cả tập thể biên soạn cũng như tác giả".