Tranh cãi trường đại học mỹ thuật hàng đầu bán bao lì xì do... AI vẽ

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Trường đại học hàng đầu về mỹ thuật bán bao lì xì do AI vẽ đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Trong thông báo về chương trình "Tết sum vầy 2024" của Công đoàn Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp mới đây khiến nhiều người tranh cãi.

Cụ thể, thông báo của đơn vị này cho biết, sẽ bán các phong bao lì xì do AI thiết kế để thực hiện chương trình thiện nguyện nhân dịp năm hết Tết đến.

"Với ngôn ngữ thiết kế hiện đại, hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo AI, cùng các gam màu rực rỡ, chính là lời chúc về một năm mới an lành, đầy đủ, sum vầy và thịnh vượng", thông báo viết.

Theo tranh cãi của nhiều người, đây là một trong những trường đại học hàng đầu về mỹ thuật, kỹ năng vẽ tay của sinh viên rất "đỉnh" nên việc bán các phong bao lì xì được thiết kế bởi AI chưa mang lại dấu ấn đặc biệt riêng của nhà trường.  

Tranh cãi trường đại học mỹ thuật hàng đầu bán bao lì xì do... AI vẽ - 1

Thông báo từ Công đoàn Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp về việc bán các bao lì xì bằng thiết kế của AI gây tranh cãi (Ảnh: FB nhà trường).

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng nay (17/1), ông Bùi Anh Khoa, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết, đây là hoạt động thiện nguyện của tổ chức công đoàn nhà trường, được thực hiện 6 năm nay nhằm góp phần mang đến mùa xuân ấm áp, đủ đầy hơn cho các học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Qua hoạt động này, công đoàn nhà trường muốn kêu gọi sự ủng hộ từ các đơn vị, cá nhân, các thầy cô trong nhà trường để thực hiện chương trình thiện nguyện ở Điện Biên vào dịp cuối năm.

Về thông tin đang gây tranh cãi trên mạng xã hội khi trường đại học hàng đầu về đào tạo mỹ thuật lại bán các bao lì xì được thiết kế bởi AI chưa phù hợp, ông Khoa cho hay, đây là hoạt động độc lập của tổ chức công đoàn nhà trường, không liên quan đến sinh viên.

Hơn nữa dịp cuối năm, hầu hết sinh viên đều bận với bài tập, hoạt động thực tập, nhà trường không huy động, tránh ảnh hưởng đến việc học của các em.

Cũng theo ông Khoa, hiện nay công nghệ có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Việc để AI thiết kế phong bao lì xì, ban tổ chức sẽ không mất chi phí ban đầu, do vậy có thể dành tối đa chi phí bán sản phẩm cho công tác thiện nguyện.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, một lãnh đạo nhà trường cho biết, sở dĩ nhà trường không huy động sinh viên tham gia thiết kế, một phần cuối năm các em bận nhiều bài tập, các chương trình thực tập, các cuộc thi quốc tế khác mà đơn vị này đang triển khai.

Đặc biệt nhà trường đã suy tính trên cơ sở cân nhắc sao cho tiết kiệm nhất về chi phí, bản quyền thiết kế nếu huy động sinh viên tham gia, sao cho khi chiếc phong bao lì xì đến tay người mua sẽ có giá thành phù hợp.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, thế giới cũng tổ chức nhiều cuộc thi về thiết kế của AI. Mặc dù là AI nhưng cuối cùng vẫn là con người định hướng và phát hành.

"Ở đây, nhà trường sử dụng công nghệ này vì mục đích rất nhân văn nên chúng tôi mong được nhiều người ủng hộ để chương trình được lan tỏa nhiều hơn nữa", lãnh đạo nhà trường nói.

Được biết chuẩn bị cho chương trình "Tết sum vầy 2024", nhà trường phát hành khoảng 10.000 phong bao lì xì. Các khoa, thầy cô và công đoàn cấp trên đã mua ủng hộ chương trình 20 túi (mỗi túi 10 tệp) phong bao lì xì.