Bà mẹ khéo léo lì xì phần hơn mà người nhận không cảm thấy "mắc nợ"
(Dân trí) - Nhiều người cho rằng, con nhận lì xì nhiều khiến mình như người "mắc nợ". Vì vậy, một số phụ huynh nghĩ ra những cách để khéo léo lì xì "to" mà được lòng cả đôi bên.
Cách lì xì phần hơn mà không khiến người khác cảm thấy mắc nợ
Chị Nguyễn Thị Trang - giáo viên tại một trung tâm giáo dục ở Hà Nội lại chỉ dám mừng tuổi các cháu ở quê 50 nghìn đồng, dù rất quý chúng. Thay vì lì xì thật nhiều tiền vào dịp Tết, chị Trang chuyển sang mua quần áo cho các cháu trước Tết, cho tiền nộp học phí vào đầu năm học, tặng quà sinh nhật và dẫn các cháu du lịch cùng.
"Tôi không muốn lì xì nhiều, bố mẹ các cháu sẽ mang cảm giác mắc nợ và phải tìm cách trả, gia đình họ vốn rất nghèo.
Bên cạnh đó, tôi cũng quan niệm trao lì xì là trao lộc may mắn, mệnh giá bao nhiêu không quan trọng. Không chỉ trẻ con, người lớn cũng cần phải suy nghĩ lại về ý nghĩa của chiếc lì xì để ai có điều kiện thì mừng tuổi nhiều, ai không có thì lì xì ít mà không cần phải tính toán với nhau", chị Trang nói.
Tương tự chị Trang, chị Nguyễn Thu Hạnh (Hà Giang) cũng có cách để lì xì người thân thật nhiều mà người nhận không cảm thấy "mắc nợ".
Chị Hạnh cho biết, từ khi người chồng của chị gái mất, chị thường xuyên trợ cấp tiền ăn, học cho 2 con trai của chị gái. Chị Hạnh công tác ở Hà Giang, mỗi năm chỉ được về thăm quê Nghệ An một lần vào dịp Tết. Đây cũng là dịp để chị lì xì cho các cháu, mỗi lần vài chục triệu đồng, số tiền lì xì này giúp chị gái trang trải cuộc sống, nuôi nấng các con.
Tuy nhiên, Tết năm kia, chị gái từ chối nhận tiền lì xì của em mình. Người chị bảo: "Dì lì xì các cháu nhiều quá, chị không có tiền trả lại cho dì".
Vậy là từ Tết năm ngoái, chị Hạnh không mừng tuổi chị gái và các cháu nữa. Khéo léo hơn, thay vì mừng tuổi "một cục" tiền vào dịp Tết, chị chia số tiền ấy ra để trợ cấp cho các cháu rải rác quanh năm. Chị gửi tiền vào tài khoản của người thân, nhờ rút hộ và mang cho chị gái.
Chị Hạnh nhẩm tính, dịp Tết, chị chỉ mừng tuổi mỗi đứa cháu 100 nghìn đồng, nhưng ngày sinh nhật, Tết Trung thu, Tết thiếu nhi, Lễ Giáng sinh…, mỗi cháu được nhận 1 triệu đồng cộng thêm tiền học hàng năm là vừa bằng số tiền mà chị lì xì các cháu trong dịp Tết như trước kia.
"Tôi cũng đã mở tài khoản ngân hàng cho chị gái để trực tiếp gửi tiền về biếu chị lo cho các cháu, không cần chờ đến Tết mới biếu. Cùng một khoản tiền nhưng với cách làm này, chị tôi không phải e ngại mỗi lần các con nhận lì xì.
Các cháu cũng không biết dì mừng tuổi chúng nhiều như trước, tránh trường hợp các cháu có thói quen ỷ lại, nghĩ đồng tiền là dễ kiếm hoặc đi so sánh số tiền mừng tuổi của tôi với người khác khi nhận được "một cục" lì xì mỗi dịp Tết", chị Hạnh cho biết.
Anh Đinh Văn Tuấn - quản lý tại một trung tâm giáo dục ở Hà Nội cho biết, mỗi dịp Tết, anh tốn không dưới 10 triệu đồng tiền lì xì người lớn và trẻ con trong nhà. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ nghĩ mình mừng tuổi bao nhiêu thì người khác phải đáp lại bấy nhiêu.
Mùng 1 Tết về quê, trong bữa cơm gia đình, anh lì xì lần lượt từng cụ già và cháu nhỏ. Người già nhận 500 nghìn đồng, các cháu nhỏ nhận từ 100-200 nghìn đồng. Tiền lì xì được anh bỏ trong bao, dặn các cháu tiêu đúng mục đích, không được so bì nhau.
Biết giá trị lì xì của anh Tuấn, nhiều người thân rút vài trăm nghìn ra để lì xì lại nhưng các con anh không nhận, chỉ nhận món quà của mọi người đựng trong bao lì xì, nếu là tiền mặt thì các cháu chỉ nhận từ 50 nghìn đồng trở xuống.
"Tôi từng nghe các em tôi xì xào với nhau rằng mỗi lần nhìn anh rút lì xì ra lại hồi hộp, đoán xem anh bỏ bao nhiêu tiền để còn trả lại. Họ đều nghèo, vì vậy tôi rất sợ họ có suy nghĩ đó trước bao lì xì của tôi.
Vài trăm nghìn mừng tuổi lại cho con tôi có thể bằng cả ngày công đi làm vất vả của họ. Tôi cũng nói rõ với người thân là ngày đầu năm sao phải cân đo đong đếm, chỉ cần mừng tuổi con lấy may, ai mừng tuổi càng nhiều tôi càng không nhận. Nhiều năm nay, tôi chủ động lì xì mọi người và không quan tâm người khác mừng tuổi mình và các con bao nhiêu", anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, tiền mừng tuổi là cách để thể hiện sự quan tâm đến người thân. Anh mừng tuổi người lớn để tri ân công lao của họ, mừng tuổi trẻ con để các con có niềm vui ngày Tết, mua những thứ mình yêu thích. Với nhiều người, đó cũng là một khoản để họ trang trải cuộc sống.
Phụ huynh vội vàng lấy lì xì từ tay con để trả "món nợ đồng lần"
Chị Đỗ Thị Hoa (Hải Dương) còn nhớ Tết năm ngoái được người bạn từ Hà Nội về chúc Tết. Đúng lúc cả nhà đang quây quần ăn uống, trẻ con rất đông, người bạn cầm cả tập tiền mệnh giá từ 200-500 nghìn đồng, mừng tuổi 3 con nhà chị mỗi đứa 500 nghìn đồng, những đứa trẻ khác được nhận 200 nghìn đồng. Chị Hoa tính "tổng thiệt hại" của người bạn lên tới vài triệu đồng.
Chị Hoa nghĩ thầm, bạn chỉ dẫn theo con gái mà mừng tuổi nhiều như vậy chắc chắn sẽ thiệt. Anh em nhà chị chỉ lì xì lại cho bé gái từ 50-100 nghìn đồng. Chị đành kéo các con vào phòng, bảo con đưa lì xì mẹ "giữ hộ". Lấy tiền của con, chị Hoa nhét vào bao lì xì 1 triệu đồng để mừng tuổi lại con bạn.
"Nhìn bạn tốn nhiều tiền mừng tuổi quá, tôi rất ngại. Nhà tôi không giàu có như nhà bạn nhưng vẫn phải "trả nợ" ngay bằng cách lì xì cho con bạn. Có qua, có lại mới toại lòng nhau, nếu không, tôi sợ những năm tới bạn không dám đến nhà mình nữa. Con được lì xì nhiều quá khiến tôi như người mắc nợ", chị Hoa nói.
Theo chị Hoa, do nhà đông con, chị luôn đợi người khác lì xì các con trước rồi dựa vào số tiền các con nhận được để đáp lại. Nếu nhà nào chỉ có 1 con, chị sẽ mừng tuổi lại gấp 2-3 lần để không ai phải nợ ai.
Nhớ Tết năm đầu về làm dâu, chị Hoa bị chồng trách vì chỉ lì xì cho các cháu 20 nghìn đồng, trong khi con mình nhận được 50 nghìn đồng.
Chị giải thích với chồng là mừng tuổi bao nhiêu không quan trọng, ý nghĩa là trao đi may mắn cho người khác. Tuy nhiên, chồng chị gạt đi vì ở quê ai cũng "có qua, có lại", người ta mừng tuổi con mình bao nhiêu thì mình phải đáp lại bấy nhiêu, nếu không sẽ bị nói là keo kiệt.
"Hôm đó, tôi cũng bỏ tiền vào bao lì xì đỏ để che đi giá trị bên trong, để không ai so bì hơn thua. Nhưng khi nhận được lì xì, đứa cháu tôi bóc ra ngay và hồn nhiên chê ít. Bố mẹ cháu không một lời dạy dỗ con sau hành động đó, còn chồng tôi thì cho tôi một bài học khi về tới nhà . Từ đó, tôi có thói quen ứng xử khác với chiếc lì xì.
Lâu nay, những đứa trẻ dường như không biết đến ý nghĩa của phong tục mừng tuổi ngày Tết, mà chỉ quan tâm mệnh giá lì xì. Nhiều cháu chỉ quấn quýt, lễ phép với những người mừng tuổi nhiều, còn thờ ơ với những người còn lại", chị Hoa nói.
Như chị Hoa, anh Nguyễn Bá Công (Hà Nội) cũng phải lo "trả nợ" tiền lì xì mỗi dịp Tết. Theo anh Công, với những người có thu nhập không cao như anh, lì xì là một trong những áp lực ngày Tết.
Gần đến Tết, anh mang 3 triệu đồng, gần bằng một nửa tháng lương của mình đi đổi tiền lẻ mệnh giá 20, 50 và 100 nghìn đồng. Anh chia số tiền này vào các bao lì xì, bao màu vàng đựng 20 nghìn đồng, màu đỏ đựng 50 nghìn đồng và màu xanh đựng 100 nghìn đồng.
Nhà có đông con cháu, số tiền này nhanh chóng hết trong 3 ngày Tết. Không ít lần có anh em, bạn bè ở xa về chơi, 3 triệu đồng là không đủ để anh Công lì xì. "Có mấy ngày mà "bay" nửa tháng lương", anh thở dài.
Theo anh Công, nếu chỉ cần mừng tuổi trẻ con bằng tấm lòng, theo khả năng của mỗi người thì không mấy áp lực. Tuy nhiên, ai cũng đua nhau lì xì nhiều, giá trị càng cao càng được mọi người trầm trồ, ngưỡng mộ.
"Những người có điều kiện mừng tuổi con tôi vài trăm nghìn đồng. Tôi cũng không thể mừng tuổi con họ ít hơn. Nhiều lần con đang hí hửng nhét lì xì vào lợn đất thì bị vợ chồng tôi đòi lại để "trả nợ", làm vậy tôi thấy rất áy náy, vô tình làm con hiểu sai về ý nghĩa của chiếc lì xì", anh Công nói.
Anh Công kể, có lần cùng bạn bè đi chúc Tết, trong nhóm bạn có nhiều người khá giả rút 500 nghìn đồng ra mừng tuổi con anh. Sờ vào túi định rút tiền ra mừng tuổi lại con bạn, nhưng không đủ 500 nghìn đồng, anh nghĩ ra cách xòe tập lì xì xanh, đỏ, vàng của mình ra cho các cháu chọn để không ai thấy mệnh giá lì xì.
Có cháu chọn phải bao màu vàng, mở ra thấy chỉ có 20 nghìn đồng liền so sánh với các bạn khác. Anh Công cười trừ, ngại đỏ mặt trước bạn bè.
"Từ đó, lần nào đi chúc Tết cùng bạn bè, tôi cũng không cho các con theo. Họ không mừng tuổi được con mình nên mình mừng tuổi con bạn ít cũng đỡ ngại, khỏi phải mang nợ. Dịp Tết, tôi cũng muốn đi họp lớp, thăm thầy cô giáo cũ nhưng đôi khi nghĩ đến chuyện lì xì trẻ con, tôi lại băn khoăn", anh Công nói.