Tranh cãi chuyện trường đại học dạy đánh golf chuyên nghiệp?

(Dân trí) - Thông tin trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố sẽ dạy môn golf trong chương trình đào tạo mới đây gây ra không ít tranh cãi rằng môn thể thao này chủ yếu dành cho giới thượng lưu, chưa phổ biến đối với người dân Việt Nam.

Cách đây không lâu, trên website của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố lãnh đạo trường này vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với một trường ĐH tại Hàn Quốc. Theo đó, hai bên xúc tiến thành lập khoa Golf tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng với sự hỗ trợ của trường ĐH ở Hàn Quốc về giảng viên, chương trình đào tạo và giáo trình. Có 5 học bổng thạc sĩ ngành Golf được phía Hàn Quốc cấp cho trường này.


Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng nhân lực phục vụ cho ngành thể thao golf còn thiếu (ảnh minh hoạ : Nguyễn Quang)

Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng nhân lực phục vụ cho ngành thể thao golf còn thiếu (ảnh minh hoạ : Nguyễn Quang)

Trên một diễn đàn mạng với sự tham gia của nhiều thành viên công tác trong lĩnh vực giáo dục đã có những tranh luận trái chiều. Có ý kiến băn khoăn rằng môn golf còn khá xa lạ đối với đông đảo người Việt Nam nên có cần thiết đào tạo không? Thậm chí có người gay gắt cho rằng môn này vô bổ và không cổ súy cho việc lấy đất tự nhiên làm sân golf. Trong khi đó, khá nhiều ý kiến khác cho rằng có cầu ắt có cung, nguồn huấn luyện viên golf hiện nay cũng đang rất thiếu.

Trả lời phóng viên Dân trí, PGS.TS. Thái Bá Cần, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng golf là môn thể thao đang phát triển ở Việt Nam đồng thời cũng là một ngành kinh tế.

“Việc mở ngành đào tạo thì nhà trường luôn căn cứ vào nhu cầu phát triển cũng như nhu cầu sử dụng nhân lực. Hiện nay có gần 100 sân golf trên cả nước. Một sân golf cần đến hàng trăm người làm việc. Như vậy, tổng thể cả nước cũng cần đến hàng chục ngàn người. Nhưng hiện nay người chuyên nghiệp để quản lý, hướng dẫn người chơi golf gần như chưa có. Hiện nay do Việt Nam chưa có nơi nào đào tạo nên đa phần đội ngũ quản lý tại các sân golf đa phần là người nước ngoài hoặc một số người Việt có chứng chỉ giảng dạy do nước ngoài cấp”, ông Cần nói.

Theo ông Cần, nhà trường không thành lập một khoa riêng cho môn golf. Đây chỉ là một chuyên ngành trong ngành Giáo dục thể chất. Việc trường đào tạo chuyên ngành này góp phần đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành thể thao golf. Ngoài việc đào tạo cử nhân ngành Giáo dục thể chất thì nhà trường cũng phục vụ cho người chơi, cũng có thể đào tạo người chơi chuyên nghiệp.

Lê Phương