Tràn lan dạy thêm, liên kết: Các địa phương tạm dừng để kiểm tra, rà soát

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Nhiều địa phương đã yêu cầu các trường dừng hoạt động dạy thêm, liên kết đào tạo và chấn chỉnh các khoản thu chi đầu năm học.

Đầu năm học mới, hoạt động chương trình liên kết, giáo dục ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và tình trạng dạy thêm, học thêm, vấn đề thu chi đầu năm học đang gây bức xúc dư luận.

Tại Hà Nội, các trường học của huyện Thanh Trì, Sóc Sơn đồng loạt tạm dừng, dạy liên kết, sắp xếp lại thời khóa biểu.

Ông Phạm Văn Ngát - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì - cho biết đây là chủ trương của Phòng GD&ĐT theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Chủ trương này được các trường trên địa bàn huyện Thanh Trì thực hiện từ ngày 2/10.

lien-ket-trai-nghiem-huyen-nguyen.jpg

Một hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh THCS tại Hà Nội (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho hay đang kiểm tra một số phòng giáo dục và đi thực tế các trường, trong đó có việc tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài.

Theo đơn vị này, đây là môn học tự nguyện, các trường chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa. Sở nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc tổ chức phải bảo đảm quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lý học sinh.

Sở GD&ĐT Tiền Giang và Sở Tài chính đang thực hiện văn bản hướng dẫn liên ngành về việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí cho các lớp bán trú trong cơ sở giáo dục, định mức thu, chi trả tiền dạy tiếng Anh tăng cường cấp tiểu học trên địa bàn.

Ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa khoản thu tự nguyện để thu các nguồn phí ngoài quy định. Cùng đó có chỉ đạo về văn bản, ngành tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các khoản thu đầu năm học; xử lý nghiêm trường hợp bị phụ huynh phản ánh xảy ra tình trạng lạm thu.

Sở GD&ĐT TP Hải Phòng mới đây chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Để có thông tin quyết định trong việc chỉ đạo liên kết dạy học trong các trường học, đơn vị này đề nghị trường THPT, các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động liên kết của đơn vị mình.

Các nội dung đánh giá gồm thuận lợi, ưu điểm, hiệu quả, hạn chế và đề xuất trả lời có hay không việc triển khai hoạt động liên kết trong thời gian tới.

Phòng GD&ĐT quận, huyện báo cáo UBND quận, huyện để tham mưu tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động liên kết của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc địa bàn phụ trách.

Sau bước rà soát này, Hải Phòng sẽ có những bước triển khai về mặt quản lý nhà nước chặt chẽ hơn liên quan đến việc liên kết dạy học trong các trường học.

Tràn lan dạy thêm, liên kết: Các địa phương tạm dừng để kiểm tra, rà soát - 2

Học sinh tiểu học ở TPHCM trong một tiết học liên kết (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Trong khi đó, Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khóa.

Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa. Đối với dạy học làm quen tiếng Anh của trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa quy định mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.

Trước đó, Nghệ An là địa phương đầu tiên quyết định tạm dừng hoạt động liên kết với các trung tâm để đào tạo kỹ năng sống cho học sinh trong các nhà trường, cơ sở giáo dục để rà soát lại các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Sau khi rà soát, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng hôm 28/9 yêu cầu các Sở GD&ĐT rà soát, báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các trường học, từ mầm non tới phổ thông, giáo dục thường xuyên. Các sở đánh giá thuận lợi, khó khăn và đề xuất, gửi về Bộ trước ngày 15/10.

Theo Bộ, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, liên kết dạy ngoại ngữ, tin học tăng cường... theo nhu cầu người học đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quản lý giáo dục ngoài giờ chính khóa còn có hạn chế, dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt.

Do đó, Bộ đề nghị các Sở tăng cường quản lý, chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm quy định liên kết, tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.

Quy định về liên kết, đào tạo

Việc liên kết dạy học trong các trường học được thực hiện trên cơ sở Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học và Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Tháng 3/2023, trả lời cử tri về vấn đề dạy thêm học thêm ngày càng nở rộ, bất chấp lệnh cấm, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện một số quy định khác của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường vẫn có hiệu lực thi hành, như: nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Thông tư 17 cũng nêu rõ, giáo viên không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm…

Thông tư này còn quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm