Nhà trường bị "dí" dạy môn liên kết, phải bán rẻ công sức giáo viên

Hoàng Hoàng

(Dân trí) - Dù không muốn tổ chức các tiết học môn liên kết nhưng sợ phật ý lãnh đạo cấp trên, nhà trường đành phải chấp nhận dẫu biết thêm khổ học sinh, phụ huynh, "bán rẻ" công sức của giáo viên.

Nhà trường bị dí dạy môn liên kết, phải bán rẻ công sức giáo viên - 1

Phụ huynh học sinh chật vật với các khoản thu đầu năm (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Được giới thiệu từ trên xuống, chỉ đạo miệng   

Những ngày này, cô giáo Thắm Hồng (tên nhân vật đã được thay đổi) - Hiệu trưởng một trường tiểu học của vùng duyên hải Bắc Bộ - theo dõi sát những bài viết về liên kết đào tạo trong nhà trường. 

Đọc mỗi bài viết, mỗi dòng bình luận chỉ trích lãnh đạo trường, bà Hồng thấy nhói đau.  

Trần tình về liên kết đào tạo được tổ chức tại địa phương của mình, bà Hồng tiết lộ các đơn vị dạy kỹ năng sống, chương trình tự chọn, ngoại khóa... đều có "tấm bùa hộ mệnh" mang tên lãnh đạo cấp trên.  

"Tấm bùa" này chẳng giấy tờ, chẳng văn bản chỉ một lời giới thiệu khi gặp tại hội nghị hay một cuộc điện thoại thông báo từ cấp trên. Lãnh đạo trường răm rắp nghe theo nếu không muốn sẽ có việc gây khó dễ", vị hiệu trưởng bày tỏ.  

Khi đã làm việc xong với cấp trên, đại diện công ty cứ đến thẳng trường để bàn chuyện hợp tác.  

Cách thứ nhất, công ty cung ứng tài liệu và giáo viên của trường phải dạy tiết học này. Mỗi tháng sẽ thu của học sinh 50.000 đồng (tương đương 12.500 đồng/tiết), sau đó công ty sẽ trích lại thù lao cho giáo viên và chi phí trách nhiệm quản lý cho lãnh đạo trường.  

Hình thức thứ hai là nhân viên của trung tâm sẽ đến dạy và chi trả phần nhỏ cho cơ sở vật chất và công tác quản lý. 

"Đây là kinh doanh trên sức lao động của giáo viên. Phụ huynh học sinh, giáo viên là công cụ để công ty kiếm tiền. Họ bán tài liệu nhưng hưởng 50-60% chi phí. Giáo viên rất khổ vì là người phải dạy", bà Thắm phân tích. 

Nhà trường bị dí dạy môn liên kết, phải bán rẻ công sức giáo viên - 2

Thời khóa biểu của một học sinh lớp 2 với hàng loạt tiết học môn liên kết (Ảnh: Phụ huynh chia sẻ).

Bà Thắm nói, các chương trình kỹ năng sống, kỹ năng mềm... giáo viên tại trường hoàn toàn có thể tự biên soạn chương trình dạy mà không cần phải mua tài liệu từ công ty.

"Giáo viên có đủ trình độ, hiểu rõ học sinh của mình đang thiếu và cần bổ sung kỹ năng gì. Sách tham khảo kỹ năng sống bán khá rẻ, nội dung hướng dẫn trên Internet phong phú nhưng phải lệ thuộc vào nội dung của một công ty chưa rõ chất lượng thế nào.

Tôi từng mở ra tài liệu của một công ty đến đề nghị liên kết ra xem, toàn chương trình cũ. Người đi kết nối đôi khi cũng không hiểu gì về giáo dục mới", nữ hiệu trường bày tỏ. 

Bà Thắm Hồng xót xa: "Tôi đọc bình luận của phụ huynh, người dân mà ứa nước mắt xót xa. Thương học sinh phải học thêm một nội dung chưa hẳn cần thiết, thương phụ huynh vất vả nộp tiền gấp 5-10 lần. Đặc biệt, thương không ít giáo viên, lãnh đạo nhà trường dù mang tiếng oan nhưng không thể giãi bày, muốn tốt cho học sinh nhưng lực bất tòng tâm". 

Giá chênh 2-3 lần nhưng trường khó tự tổ chức 

Điều khó khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là các tiết dạy chính quy có thể kết thúc khá sớm, đây cũng là cơ hội để liên kết đào tạo.  

Ông Văn Lang (tên nhân vật đã được thay đổi) - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường tiểu học - nêu thực tế vì thiếu giáo viên, nguồn lực nên chỉ đáp ứng được số tiết dạy tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, lớp 1 và 2 có 25 tiết/tuần, lớp 3 có 28 tiết/tuần, lớp 4 và 5 là 30 tiết/tuần. 

Nếu thời khóa biểu xếp 4 tiết buổi sáng, 3 tiết chiều, học sinh tan học từ 15h30-16h. Trường nào xếp thời khóa biểu 5 tiết buổi sáng, 2 tiết buổi chiều, học sinh tan từ 14h30-15h.  

"Thời gian đó, phụ huynh nào bỏ việc đi đón con được? Đây cũng là cơ hội để các đơn vị kiếm được tiền khi tổ chức liên kết", ông Lang chỉ rõ. 

Ông Lang bức xúc khi trường muốn được mở tiết học tăng cường, chỉ thu 4-5.000 đồng/tiết/học sinh nhưng luôn bị gây khó khăn. 

"Nhà trường rất cần tiết tăng cường. Ví dụ, môn toán lớp 1 đang chỉ dạy 3 tiết/tuần, 35 phút/tiết trong khi sĩ số lớp đông, nhận thức của các em chưa đồng đều nên nhiều em bị hổng kiến thức. Song, phòng GD&ĐT duyệt hồ sơ xin dạy tăng cường của trường rất khó khăn. Nếu được duyệt cũng suốt ngày kiểm tra", ông Lang bày tỏ. 

Nhà trường bị dí dạy môn liên kết, phải bán rẻ công sức giáo viên - 3

Giáo viên thông báo học sinh phải ra khỏi lớp nếu không học liên kết (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).

Vị Phó hiệu trưởng chuyên môn cho biết, nếu trường được dạy thêm 1 tiết tăng cường sẽ hài hòa nhiều lợi ích. Các con được củng cố kiến thức, phụ huynh đón con muộn hơn và tiết kiệm chi phí học. Giáo viên có thời gian hướng dẫn bài thêm cho học sinh hoặc lồng ghép giáo dục STEM, giáo dục địa phương, họ cũng có thêm một nguồn thu nhập nhỏ.   

"Hồ sơ gửi duyệt về đào tạo liên kết được chấp nhận rất nhanh còn nhà trường đề xuất dạy tăng cường sẽ khó khăn. Lãnh đạo trường không chấp nhận liên kết sẽ khiến cấp trên không vui", ông Văn Lang nêu.  

Vừa qua, phụ huynh nhiều tỉnh, thành đã phản ứng với chương trình liên kết trong nhà trường. Đặc biệt, các tiết học này được xếp vào lịch chính khóa khiến học sinh không tham gia sẽ phải ra ngoài. Phụ huynh không muốn con bị lạc lõng buộc phải chấp nhận dù không tự nguyện.  

Trả lời kiến nghị của người dân liên quan tới vấn đề dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi luật sửa đổi luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường không còn hiệu lực. 

Tuy vậy, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục. 

Thông tư 17 cũng nêu rõ: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm… 

Trước ý kiến cần sửa đổi và thay thế Thông tư số 17, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 17 nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm