TPHCM: Hiệu trưởng đề xuất dạy 9 tiết/ngày, nghỉ học thứ bảy
(Dân trí) - Với số lượng tiết học hiện nay, nếu xếp đúng quy định không quá 8 tiết/ngày, học sinh phải học cả thứ bảy. Hiệu trưởng nhiều trường THPT đề xuất được điều chỉnh.
Khó khăn trong xếp thời khóa biểu, đề xuất cho học sinh nghỉ học vào thứ bảy
Vấn đề trên nhận được nhiều ý kiến tại hội nghị giao ban hiệu trưởng các trường THPT tại TPHCM.
Ông Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 - cho biết Bộ GD&ĐT quy định chương trình chính khóa trung bình 30 tiết/tuần. Bên cạnh đó, chương trình nhà trường (các lớp kỹ năng, STEAM, hướng nghiệp) 4-6 tiết/tuần. Tổng số tiết học của học sinh thường hơn 40/tuần.
"Để tạo được sự đồng thuận đã khó, việc xếp thời khóa biểu còn gian nan hơn. Yêu cầu thời khóa biểu 8 tiết/ngày rất khó thực hiện. Nếu điều chỉnh theo hướng này, các trường phải học cả vào thứ bảy", ông Đảo nói.
Ông nêu thực trạng khi triển khai lấy ý kiến, đa phần phụ huynh muốn lồng ghép chương trình nhà trường vào các ngày trong tuần để học sinh được nghỉ vào thứ bảy. Điều này đồng nghĩa sẽ phải học 9 tiết/ngày.
Vì thế, ông đề xuất Sở giao quyền tự chủ, cơ chế mở cho lãnh đạo nhà trường trong việc lồng ghép các tiết học, xếp thời khóa biểu phù hợp với tình hình. Dựa vào ý kiến cha mẹ học sinh, nhà trường có thể tổ chức thêm các tiết văn hóa, giúp học sinh ở buổi thứ 2 có nhiều giờ hơn để ôn tập.
Thời gian qua, một số trường học ở TPHCM bị phản ánh bố trí thời khóa biểu 9 tiết/ngày, khiến học sinh quá tải. Sở GD&ĐT đã chấn chỉnh, yêu cầu tất cả trường làm đúng quy định, chỉ được xếp tối đa 8 tiết.
Ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc, quận 12 - cho biết một số trường đã điều chỉnh sau chỉ đạo của Sở. Tuy nhiên, ông cho rằng "làm đúng quy định chưa chắc hợp lý".
"Sau khi sửa, tôi lại thấy thương học trò vì phải đi thêm ngày, thêm buổi. Điều này chưa chắc là hay", ông Định nói.
Tăng tiết sẽ khiến học sinh quá tải
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM - cho hay quy định về số tiết học mỗi ngày đã được nghiên cứu kỹ để đảm bảo hiệu quả tiếp thu của học sinh. Do đó, các trường không nên xếp thêm tiết, khiến học sinh quá tải.
Ông gợi ý các trường giảm tiết học kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, STEM theo các đề án học tăng cường với học sinh lớp 12. Bởi khi học sinh khối 12 đã tăng thời gian ôn thi thì bắt buộc phải giảm chương trình nhà trường.
"Chúng ta dạy nhiều mà học sinh "tiêu hóa" không hết thì cũng không thể đạt được kết quả tốt", ông Tân nói.
Ông nhắc lại quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường được chủ động phân phối chương trình cho các môn học. Nếu dạy học 2 buổi/ngày, buổi sáng trường dạy không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - chia sẻ cách đây hàng chục năm, học sinh chỉ học kiến thức từ sách giáo khoa. Ngày nay, học sinh cần được bổ trợ kiến thức, kỹ năng thực tế nên các tiết học như kỹ năng sống, STEM, ngoại ngữ, tin học được đưa vào nhà trường theo các đề án nâng cao năng lực, trình độ cho học sinh.
"Đây là điều cần thiết nhưng các trường cần cân đối, hiểu rõ cái gì cần làm, dung lượng bao nhiêu là đủ và khi triển khai phải có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh", ông Bảo Quốc chỉ đạo.