Môn liên kết "moi" tiền phụ huynh: Ai kiểm tra, quản lý chất lượng?
(Dân trí) - Mặc dù được đưa vào giảng dạy trong nhà trường nhưng việc kiểm soát chất lượng, nội dung của các tiết học liên kết, chất lượng của cán bộ dạy vẫn là bài toán khó với các nhà quản lý.
"Trăm dâu đổ đầu tằm"
Một tuần, học sinh lớp 1-2 học khoảng 25 tiết chính thức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng có thể "gánh" thêm đến 12 tiết học liên kết. Thời lượng học liên kết nhiều, mức giá khá cao khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Thời gian qua, phụ huynh tại nhiều tỉnh, thành phản ứng với chương trình liên kết trong nhà trường về giá cả và cách thức thực hiện. Đặc biệt, các tiết học này được nhiều nhà trường xếp vào lịch chính khóa, ảnh hưởng tới những học sinh không có nhu cầu học.
Bên cạnh đó, vấn đề ai sẽ giám sát và đánh giá chất lượng các tiết học liên kết vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng, thuyết phục.
Theo quy định, các chương trình liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp hiện được các trường tổ chức theo tinh thần thỏa thuận giữa nhà trường với các bậc phụ huynh.
Các đơn vị liên kết được Sở GD&ĐT cấp phép, thẩm định chương trình. Khi trường chọn đơn vị liên kết bổ trợ, nhà trường cần nghiên cứu hồ sơ, làm tờ trình lên Phòng GD&ĐT.
Ông Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hòa) - cho rằng việc trường học liên kết với các trung tâm tổ chức dạy học theo nhu cầu góp phần củng cố, nâng cao chất lượng dạy học.
Song, trên thực tế cũng có những nơi biến sự liên kết này trở thành hoạt động "trá hình" để... moi tiền của phụ huynh.
"Nhiều bé vào lớp 1, tiếng Việt chưa sõi, tiếng Anh bập bẹ mà nhà trường đã tổ chức dạy tiếng Anh cho các môn toán, khoa học tự nhiên. Đây là điều không thực tế và không cần thiết. Người gánh chịu là phụ huynh học sinh.
Họ nể nang, sợ sệt mà không dám phản đối. Đây là vấn đề nhức nhối hiện nay. Phụ huynh cho con đi học vốn đã nhiều cái lo mà giờ "trăm dâu đổ đầu tằm"", ông Lực nói.
Theo giáo viên này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đảm bảo kiến thức cơ bản để phát huy phẩm chất, năng lực cho học sinh. Do đó, học thêm liên kết quá nhiều là không cần thiết.
Nhấn mạnh thêm, thầy Lực nói hoạt động liên kết dạy học trong trường tùy thuộc vào điều kiện, nhu cầu từ gia đình học sinh. Nhà trường cần tôn trọng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh, không được xếp vào giờ học chính khóa.
Ai kiểm tra, quản lý chất lượng?
Bàn về chất lượng, bà Thanh Lan (tên nhân vật đã được thay đổi) - Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Thái Bình - cho hay từng mở tài liệu của một công ty đến đề nghị liên kết ra xem thấy toàn chương trình cũ.
Khi hỏi cụ thể, người đi kết nối đôi khi cũng không hiểu gì về giáo dục mới, nữ hiệu trưởng bày tỏ.
Qua kiểm tra, giám sát liên kết đào tạo ngoại ngữ năm học 2022-2023, Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cũng phát hiện một số tồn tại như: Trung tâm chưa phối hợp với cơ sở giáo dục xây dựng và dự toán thu chi theo quy định của HĐND tỉnh; chưa phối hợp với các trường đưa kế hoạch bài dạy tiếng Anh vào kế hoạch tuần, tháng.
Các trung tâm còn chưa phối hợp với cơ sở giáo dục rà soát, thống nhất cơ sở vật chất, trang thiết bị; một số giáo viên người nước ngoài chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia giảng dạy tiếng Anh...
Cơ quan báo chí từng phản ánh hiện tượng nhiều sinh viên chưa có chứng chỉ, bằng cấp và nghiệp vụ sư phạm nhưng chỉ cần qua một vài buổi đào tạo "thần tốc" của trung tâm kỹ năng sống sẽ được gắn mác "giáo viên" kỹ năng sống và đưa đi giảng dạy tại các lớp liên kết trong trường học.
Ông Trần Mạnh Tùng - giáo viên tại Hà Nội - đặt vấn đề chất lượng các chương trình liên kết có đang bị "thả nổi"?
"Theo quy định, các đơn vị tổ chức các chương trình liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp đã được Sở GD&ĐT cấp phép, thẩm định chương trình. Tuy nhiên, khác với các hoạt động giáo dục trong nhà trường, hoạt động liên kết không được giám sát, kiểm tra, đánh giá theo quy định vì thế xã hội lo ngại về chất lượng cũng là điều dễ hiểu", ông Tùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, do liên quan đến lợi nhuận nên có thể các đơn vị sẽ cố gắng để "trúng thầu", không loại trừ các tiêu cực nảy sinh và vì thế chất lượng cũng sẽ không được đảm bảo.
Ông Tùng cho rằng trách nhiệm quản lý việc đào tạo liên kết thuộc về hiệu trưởng nhà trường và lãnh đạo ngành GD&ĐT.
Theo ông Tùng, về phía các cơ quan quản lý đã không có những hướng dẫn đầy đủ, giám sát có hiệu quả nên việc triển khai mỗi nơi một kiểu dẫn đến những bức xúc trong dư luận xã hội những ngày qua.
Về phía nhà trường, hiệu trưởng là người quyết định việc này và chịu trách nhiệm toàn diện với việc liên kết cũng như các sai phạm nếu có.
Ông đề xuất Bộ GD&ĐT đang yêu cầu các sở GD&ĐT báo cáo (trước 15/10) song Bộ không nên ngồi chờ báo cáo mà cần chủ động kiểm tra, nhất là với những nơi có dấu hiệu sai phạm. Nếu cần thiết, có thể đề nghị lực lượng công an hỗ trợ, xử lý nghiêm để làm gương.
Ngành giáo dục cũng cần đưa ra các hướng dẫn, các yêu cầu cụ thể, rõ ràng để các địa phương áp dụng đúng quy định và triển khai hiệu quả; đồng thời, rà soát, xử lý sai phạm một cách nghiêm khắc.
Cùng với đó, phụ huynh, học sinh, cơ quan truyền thông và chính quyền các địa phương đóng vai trò giám sát và lên tiếng khi phát hiện các sai phạm hay các cách làm liên kết không đúng quy định, không hiệu quả.
"Việc liên kết là cần thiết tùy theo điều kiện, nhu cầu của các nhà trường song cần có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ và tiến bộ. Về lâu dài, cần bỏ hẳn dạy thêm học thêm trong nhà trường; tránh học chính, học thêm lẫn lộn; để nhà trường làm tốt nhất vai trò của mình; hạn chế các tiêu cực, đúng với tiêu chí "đi học là hạnh phúc"", ông Trần Mạnh Tùng cho hay.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - nhấn mạnh tới đảm bảo chất lượng các chương trình liên kết trong nhà trường. Theo ông, Sở GD&ĐT địa phương cần chú trọng hơn nữa vào công tác thẩm định chương trình nhằm ngăn chặn tình trạng chương trình chưa đảm bảo chất lượng vẫn được đưa vào nhà trường.
Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, học sinh và học viên khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các Sở GD&ĐT tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.
Đồng thời, Bộ yêu cầu báo cáo tình hình triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương trước ngày 15/10.