(Dân trí) - Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trả lời phỏng vấn của Báo Dân trí về công tác tuyển sinh năm 2022.
(Dân trí) - Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trả lời phỏng vấn của Báo Dân trí về công tác tuyển sinh năm 2022.
Kỳ tuyển sinh năm 2022 đang đến gần, xin lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết các chỉ tiêu tuyển sinh năm nay?
- Bước sang năm 2022, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Chính phủ đã có chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế, đặc biệt trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ; với mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch tuyển sinh các trình độ trong GDNN năm 2022 đạt 2.086.000 người (trong đó tuyển sinh trung cấp và cao đẳng: 530.000 người, tuyển sinh sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 1.556.000 người), việc tập trung cho công tác tuyển sinh phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu của mỗi nhà trường, cần phải được các địa phương, các trường trú trọng hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.
Chúng ta hiện đang cách mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống GDNN là bao nhiêu? Lộ trình tiến đến mục tiêu này ra sao?
- Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2045 (QĐ 2239) và QĐ 552 của TTg Chính phủ về công tác phân luồng đều có chung mục tiêu và thống nhất "đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào hệ thống GDNN". Thực tế đến 2021 số học sinh tốt nghiệp THCS vào học các cơ sở GDNN chiếm khoảng 16-17%; như vậy nhìn vào con số đã thấy sự cách biệt xa giữa mục tiêu và hiện tại.
Nguyên nhân do đâu khiến cho số lượng tuyển sinh thực tế còn cách xa mục tiêu đặt ra thưa ông?
Cần phải có cái nhìn khách quan và đúng đắn về nguyên nhân dẫn đến kết quả này. Đó là:
Cơ quan chủ trì thực hiện phân luồng học sinh trung học phổ thông (THPT), THCS vào học nghề là Bộ GD&ĐT; đối tượng học sinh THCS cũng do Bộ này quản lý. Việc quy định phần khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho đối tượng học sinh này khi vào học GDNN chậm được thay đổi kịp thời, phù hợp với quy định của Luật GDNN 2014, Luật Giáo dục 2019 (vẫn đang sử dụng văn bản cũ từ 2006 và thay thế năm 2010). Đặc biệt là thực hiện quá chậm theo Kết luận số 76/2020 của Văn phòng Chính phủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi thực tế số học sinh có nhu cầu học GDNN và học phần văn hóa THPT để đảm bảo nhu cầu học tập suốt đời của mình, nên đã gây khó cho GDNN.
Việc tuyển sinh của các trường đại học quanh năm cũng là tác động khó khăn và gây áp lực cho GDNN, người học chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương đã có thể vào ngưỡng cửa học đại học...
Tuyển sinh đại học dễ dàng với quy mô và số lượng lớn (luôn chiếm khoảng 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm), phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng với ngưỡng đầu vào thấp, đặc biệt có những trường đại học chỉ lấy điểm đầu vào rất thấp chỉ tương đương đầu vào cao đẳng đã thu hút một lượng lớn người học vào học đại học.
Các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI) tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn, cả với đối tượng tốt nghiệp THCS với mức lương hấp dẫn và nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp cùng với bối cảnh khó khăn về kinh tế của người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh đã thu hút một lực lượng lớn người trẻ sau khi rời ghế nhà trường phổ thông sẵn sàng và mong muốn tham gia ngay vào thị trường lao động mà không cần qua đào tạo.
Hiện tại để thực hiện được mục tiêu này, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây người học thuộc đối tượng này vào học GDNN tăng lên đáng kể, lộ trình tiến tới mục tiêu này đã được xác định cụ thể trong Chiến lược phát triển GDNN. Mục tiêu này sẽ thực hiện được nếu việc quy định về khối lượng học phần văn hóa THPT sớm được Bộ GD& ĐT ban hành. Cũng như việc cho phép các cơ sở GDNN được phép tổ chức đào tạo văn hóa THPT và GDTX khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định.
Xin ông cho biết về công tác chuẩn bị cho tuyển sinh năm 2022?
Tính tới thời điểm hiện tại, kế hoạch và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 đã được đưa vào chương trình Công tác năm 2022 của Bộ LĐTBXH và của TCGDNN, phổ biến triển khai rộng rãi.
TCGDNN đã phê duyệt kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị thông tin đại chúng để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh năm 2022... để tổ chức và tham gia tuyên truyền tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm. Đã tổ chức được 2 Hội nghị tuyển sinh, đào tạo nhân lực theo lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù về du lịch và logistics. Theo kế hoạch sẽ còn một số hội nghị chuyên sâu, đặc thù khác về y tế, khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu và hội nghị tuyển sinh đào tạo, việc làm chung trong toàn hệ thống. TCGDNN cũng đã và đang phối hợp tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương như: Hải Dương Hà Nội, Cần Thơ...
TCGDNN cũng đã chủ động và đề xuất kịp thời với Bộ LĐTBXH, ra những văn bản hướng dẫn chỉ đạo kịp thời về việc đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022; liên kết đào tạo và đưa học sinh, sinh viên năm cuối đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; đăng ký thông tin trong cuốn "Cẩm nang tuyển sinh các trình độ giáo dục nghề nghiệp năm 2022"; đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo chương trình đào tạo chất lượng cao theo chương trình chuyển giao từ Úc…
Đồng thời, TCGDNN đang tiếp tục hoàn thiện Đề án đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS theo góp ý của Bộ GD&ĐT, gửi Văn phòng Chính phủ phê duyệt báo cáo Quốc hội để có thể tổ chức đào tạo thí điểm.
Tính đến hết 30/5/2022, cả nước ước tính tuyển sinh GDNN đạt 890.646 người (đạt trên 40% kế hoạch), trong đó, trình độ trung cấp thu hút được 24.192 người, đạt 7.2% so với kế hoạch, trình độ cao đẳng được 24.192 người, đạt 8.1% so với kế hoạch; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 850.000 người (đạt 54,6% kế hoạch).
Xin ông cho biết những ngành học nào là ngành học "hot" trong mùa tuyển sinh năm nay? Xu hướng tuyển sinh năm nay là gì?
Với GDNN, tất cả các ngành, nghề được các cơ sở GDNN đăng ký bổ sung - đăng ký HĐGDNN khi nhu cầu nhân lực tại vùng, địa phương, ngành, lĩnh vực có nhu cầu đều là ngành "hot" khi có tên trong danh mục nghề đào tạo do Bộ LĐTBXH đã ban hành, kể cả những ngành nghề mới.
Tuy nhiên, cũng phải kể đến sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch thì các lĩnh vực Như: Du lịch, Y tế, Logicstics, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Sáng tạo phần mềm, Nông nghiệp chất lượng cao... đang được người học quan tâm nhiều hơn.
Tác động của dịch bệnh tới kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng có ảnh hưởng tới tuyển sinh GDNN năm 2022 không, thưa ông?
Dịch bệnh Covid-19 với nhiều chiều hướng nảy sinh đã tác động đến toàn thế giới nói chung và Việt Nam ta nói riêng trên tất cả các lĩnh vực. Những biến động về mặt xã hội đã tạo ra sự bất ổn về lực lượng lao động, nhất là khi dịch bệnh đã dần được khống chế, hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở cửa trở lại, đặt ra bài toán cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho doanh nghiệp và thị trường lao động để đảm bảo phục hồi kinh tế theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Đó là điều không thể tránh khỏi tới công tác tuyển sinh GDNN năm 2022; tuy nhiên như đã nói ở trên, sự sẵn sàng, chủ động, linh hoạt của Bộ LĐTBXH, Tổng cục GDNN và các cơ sở GDNN là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022.
Lợi thế của tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp từ trước tới nay là cam kết đầu ra, việc làm cho học viên, xin hãy cho biết rõ hơn về lợi thế này. Ngoài ra, giáo dục nghề nghiệp còn có những lợi thế gì để cạnh tranh trong môi trường giáo dục đang hướng tới tự chủ hóa?
- GDNN với tính chất đặc thù, sự khác biệt là tổ chức đào tạo với thời lượng thực hành, thực tập cao đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật và thực tế đào tạo từ khi hình thành và ngày càng hoàn thiện và đi vào thực chất là kỹ năng nghề nghiệp, năng lực tự chủ của người học để đáp ứng được các vị trí việc làm được tuyển dụng., nên việc hiện nay nhiều cơ sở GDNN cam kết đầu ra, việc làm cho học sinh sinh viên là điều tất yếu và là lợi thế cạnh tranh của GDNN với các bậc học, trình độ đào tạo khác:
Lợi thế này xuất phát từ ưu điểm trong tổ chức đào tạo của GDNN là phối hợp, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trước - trong và sau khi tổ chức đào tạo. Các tiêu chuẩn, tiêu chí của doanh nghiệp được đưa vào chương trình đào tạo khi hai bên liên kết, phối hợp với nhau trên cơ sở lợi ích của mình.
Việc ra các văn bản hướng dẫn kịp thời và điều chỉnh văn bản cho phù hợp với thực tế, linh hoạt để doanh nghiệp tham gia chủ động, nhiều hơn trong quá trình đào tạo nhân lực là động lực để các bên thực hiện mục tiêu của mình rõ ràng và quyết liệt và hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nhân lực sau đào tạo.
Bản thân người học được trải nghiệm, được học tập, rèn luyện trong môi trường doanh nghiệp, dây truyền sản xuất, được cọ sát, được kiểm tra, đánh giá ngay trên các sản phẩm thực tế của doanh nghiệp làm tăng sự gắn bó, tinh thần trách nhiệm của người học với doanh nghiệp khi được tạo việc làm và cơ hội việc làm...
Nhiều doanh nghiệp đã xác định là "trường học thứ hai" của học sinh, sinh viên khi đón nhận trong hoạt động liên kết đào tạo.
GDNN đã hướng tới tự chủ theo tinh thần của Nghị định tự chủ số 16 và đã được thay thế bằng Nghị định tự chủ số 60/2021 của Chính phủ (3 trường được thí điểm tự chủ toàn diện của GDNN đã và đang phát triển rất tốt).
Đối với các cơ sở GDNN, khi được tự chủ thì việc đảm bảo quyền lợi, duy trì nâng cao trách nhiệm với cán bộ quản lý, nhà giáo, viên chức là yếu tố sống còn và động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.
Người học sẽ được hưởng lợi từ chính sự thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với các yêu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp trên cơ sở chuẩn đầu ra quốc gia hoặc tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tiêu chuẩn của doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đào tạo, được trải nghiệm, học tập, rèn luyện trong môi trường sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhiều hơn; được hưởng lương ngay từ khi học tập, thực tập, sản xuất doanh nghiệp. Cơ hội việc làm được xác định ngay khi còn chưa tốt nghiệp. Người học sẽ nhanh trưởng thành để tự lập thân, lập nghiệp, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh lợi thế, những khó khăn trong công tác tuyển sinh của hệ thống GDNN là gì?
- Công tác tuyển sinh trong năm 2022 vẫn tiếp tục gặp phải những khó khăn chung của GDNN do các yếu tố ảnh hưởng đã được nhận diện qua nhiều năm như: Tuyển sinh đại học dễ dàng với quy mô và số lượng lớn (luôn chiếm khoảng 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm), phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng với ngưỡng đầu vào thấp, đặc biệt có những trường đại học chỉ lấy điểm đầu vào rất thấp chỉ tương đương đầu vào cao đẳng đã thu hút một lượng lớn người học vào học đại học.
Các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI) tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn, cả với đối tượng tốt nghiệp THCS với mức lương hấp dẫn và nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp cùng với bối cảnh khó khăn về kinh tế của người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh đã thu hút một lực lượng lớn người trẻ sau khi rời ghế nhà trường phổ thông sẵn sàng và mong muốn tham gia ngay vào thị trường lao động mà không cần qua đào tạo.
Cùng với đó công tác phân luồng học sinh phổ thông vào học nghề thực hiện chưa tốt, mới chỉ đạt khoảng 15% so với mục tiêu đến năm 2020 có 30% người tốt nghiệp THCS và 45% người tốt nghiệp THPT vào học nghề theo tinh thần Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị.
Những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến các hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh trực tiếp của các nhà trường, cụ thể như: Công tác tư vấn trực tiếp tại trường và tại các địa phương không được triển khai theo kế hoạch do việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương tại nhiều thời điểm.
Nhiều trường (nhất là các trường đào tạo các ngành, nghề trong lĩnh vực sức khỏe) được các địa phương huy động tham gia công tác phòng chống dịch, cơ sở đào tạo, ký túc xá của nhiều trường được trưng dụng làm nơi thực hiện cách ly tập trung nên nguồn lực tập trung cho công tác tuyển sinh phần nào bị ảnh hưởng.
Khó khăn về kinh tế chung của toàn xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn việc đi học hay đi làm để có thu nhập ngay của người học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình không có đủ kinh phí để cho con em đi học mặc dù có nguyện vọng được đi học nghề.
Việc chuyển đổi, đa dạng hình thức tuyển sinh trực tuyến phần nào cũng gặp khó khăn do một bộ phận người học chưa quen với các phương tiện, công cụ làm việc online, hoặc do thiếu các điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu vực có điều kiện kinh tế còn khó khăn, các khu vực có hạ tầng kỹ thuật internet còn hạn chế dẫn đến khó khăn cho việc tiếp cận thông tin trong khi các trường không thể đến tư vấn tuyển sinh trực tiếp.
Công tác báo cáo kết quả tuyển sinh của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở GDNN thực hiện còn chậm, chưa đầy đủ, nhiều Sở, trường không thực hiện nghiêm công tác báo cáo số liệu trên Phần mềm quản lý tuyển sinh theo quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (hiện mới chỉ có hơn 1/2 số trường trung cấp, cao đẳng và 1/6 số trung tâm GDNN duy trì thường xuyên việc thực hiện báo cáo trên Phần mềm quản lý tuyển sinh) dẫn đến việc nắm bắt thông tin, số liệu của các cơ quan quản lý để tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách trong tuyển sinh, đào tạo còn gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện tượng thấy rõ trong những năm trước là có những trường tuyển sinh không hết nhưng cũng có những trường khó khăn trong việc tìm kiếm học sinh - sinh viên. Vậy hệ thống GDNN có cách nào giải quyết vấn đề này, hay đó là quy luật của thị trường giáo dục?
Việc tự chủ trong GDNN đã góp phần tạo nên thương hiệu mạnh của các cơ sở GDNN, một trong các tiêu chí để đánh giá lựa chọn các trường chất lượng cao chính là số lượng học sinh - sinh viên tuyển sinh được và tốt nghiệp, cũng như các chương trình đào tạo chất lượng cao mà cơ sở chủ động tham gia... Do vậy hiện tượng này là một thực tế do người học và doanh nghiệp sử dụng lao động lựa chọn.
Hệ thống GDNN đã nắm bắt qua báo cáo tuyển sinh, đào tạo của các Sở LĐTBXH và chính từ các cơ sở GDNN, đặc biệt từ thực tế. Thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Bí thư trong đó có nội dung "rà soát sắp xếp giảm đầu mối..."; cùng với quy hoạch của các địa phương thì việc phải cắt giảm hoặc sáp nhập cơ sở GDNN trong hệ thống là theo chủ trương của Đảng và cũng chính là sự đào thải của thị trường nói chung và thị trường giáo dục nói riêng.
Hiện nay, TCGDNN cũng đang xây dựng dự thảo "Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045" đã trình Chính phủ và chỉnh sửa, hoàn thiện.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn. Chúc ông sức khỏe và thành công!
| Nội dung: Mai Châm
| Ảnh: Mai Châm - Hải Long
| Thiết kế: Thủy Tiên