Đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 chuyên tỉnh Đồng Nai:
"Tốn bao nhiêu tiền ăn học, tại sao điểm thi lại thấp thế này?"
(Dân trí) - "Tốn bao nhiêu tiền ăn học, tại sao điểm thi thấp thế này?" - câu chuyện xuất hiện trong đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 chuyên tỉnh Đồng Nai năm nay đã gợi mở ra nhiều suy ngẫm cho giới trẻ.
Cụ thể, trong đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn (dành cho lớp chuyên) tại tỉnh Đồng Nai năm học 2021-2022, câu nghị luận xã hội (4 điểm) có nội dung như sau:
"Tốn bao nhiêu tiền ăn học, tại sao điểm thi thấp thế này? Sao chỉ có ăn với học mà làm cũng không xong? Con phải cố gắng đậu trường A, bố mẹ đặt hết kì vọng vào con". Đó là những lời bố mẹ luôn nói với tôi. Lúc ấy, tôi chỉ muốn trả lời rằng: "Con muốn sống một cuộc sống bình thường nhưng sống bình thường cũng rất khốc liệt".
Bằng trải nghiệm của bản thân, hãy bày tỏ suy nghĩ về câu trả lời trên.
Sau khi được chia sẻ, đề Văn này ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới trẻ. Phần lớn ý kiến cho rằng, nội dung mà đề thi đề cập tới rất giống với tình cảnh mà những người trẻ đã, đang và sẽ gặp phải.
Xứng tầm đề thi chọn học sinh vào lớp chuyên
Hoàng Doãn Huy (học sinh lớp 10, Hải Phòng) cho biết: "Em thấy đây là một đề thi thú vị, xứng tầm với một đề thi chọn học sinh vào lớp chuyên".
Đồng quan điểm, Lê Phương Anh - sinh viên năm 3 (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) bày tỏ, đề thi này rất có ý nghĩa và "đánh trúng" tâm lý lứa tuổi học trò.
"Vấn đề nghị luận rất gần gũi, nói lên thực trạng: nhiều ông bố, bà mẹ vì quá kỳ vọng mà đã đặt nặng áp lực lên đôi vai con trẻ. Sau bài văn này, có lẽ các bậc phụ huynh sẽ hiểu được nỗi lòng của con mình hơn".
Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn Ngữ văn, cô Trần Thùy Liên (Hà Nội) đánh giá, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 chuyên tỉnh Đồng Nai năm nay như một làn gió mới, bởi nó vừa "lạ", vừa đậm chất tư duy.
"Lâu nay, các đề thi Ngữ văn, đặc biệt dành cho học sinh chuyên thì thường hướng tới những vấn đề thẩm mỹ, đạo đức cao siêu hoặc những vấn đề lý luận văn học hóc búa. Tuy nhiên, với đề thi này, vấn đề được đưa ra một giản dị, không "đao to búa lớn" nhưng vô cùng thời cuộc và hiện đại".
Cũng theo cô Liên, đây là đề thi giúp kích thích tư duy sáng tạo độc lập của học sinh. Thay vì định hướng, bắt các em phải lựa chọn, đề thi chuyên Văn của tỉnh Đồng Nai lại có hướng mở khi đưa ra câu lệnh "Bằng trải nghiệm của bản thân, hãy bày tỏ suy nghĩ về câu trả lời trên". Theo đó, nếu như có 100 học sinh thi thì sẽ có 100 câu chuyện và trải nghiệm khác biệt.
"Em thấy hình ảnh của mình trong đề thi"
Hầu hết các ý kiến cho rằng, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 chuyên tỉnh Đồng Nai khá hấp dẫn và "kích thích" vì đánh trúng một vấn đề mà xã hội quan tâm. Đó là việc con cái bị áp lực bởi những kỳ vọng của cha mẹ về những điểm số, thành tích của mình.
Nhiều bạn trẻ, khi nhận được quá nhiều sự kỳ vọng (thậm chí là áp lực) của người lớn, đã mong muốn mình có được một cuộc sống bình thường, không phải "chạy đua" theo thành tích, không phải vùi mình trong sách vở hay những lớp học thêm… Tuy nhiên, có một điều hiển nhiên mà chúng ta không thể phủ nhận: Cuộc sống luôn khốc liệt. Dù bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều phải đối diện với những áp lực khác nhau.
Học sinh Hoàng Doãn Huy chia sẻ, câu chuyện mà đề thi Văn này đề cập tới khiến em tưởng đang nói về chính mình. "Em thấy được hình ảnh của mình trong đó. Đôi khi, bố mẹ kỳ vọng, mong muốn vào em quá nhiều. Tuy nhiên, năng lực con người có hạn; không phải lúc nào em cũng đáp ứng được hết những điều mà phụ huynh mơ ước. Em luôn mong bố mẹ hiểu được, em cũng chỉ là đứa trẻ bình thường".
Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Trần Thùy Liên cho biết, đề văn này cũng "đánh động" cả các bậc phụ huynh. Nhiều cha mẹ đã đặt ra cho con một mục tiêu hoàn mỹ, thậm chí so sánh con mình với "con nhà người ta", với mục đích các con sẽ có động lực phấn đấu, trở nên tài giỏi. Tuy nhiên, trái lại với mong ước của phụ huynh, những kỳ vọng về cuộc sống tương lai quá cao sẽ khiến con trẻ cảm thấy bí bách và "ngạt thở".
Khẳng định thông điệp nhân văn mà đề thi mang lại, song nhà giáo Trần Thùy Liên cũng cho rằng, đề thi này khá khó đối với học sinh ở lứa tuổi 15.
"Vấn đề được đặt ra một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Do đó, để có thể hoàn thành bài viết này một cách sâu sắc, người viết cần phải có sự trải nghiệm và thấu hiểu cuộc đời. Tuy nhiên, vì kỳ tuyển chọn học sinh chuyên Văn, nên tôi nghĩ, đề thi này sẽ giúp tìm ra những học sinh ưu tú và có niềm đam mê Văn học thực sự " - cô Liên nêu quan điểm.