Đề thi Văn "nếu em phải ở trong nước sôi...": Không phản cảm nhưng có sạn!

Hà Trang

(Dân trí) - Câu hỏi "Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng" trong đề thi môn Ngữ văn - kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) khiến mạng xã hội xôn xao.

Cụ thể, ở đề thi môn Ngữ văn nội dung câu 1 nghị luận xã hội (4 điểm) như sau:

Trong cuốn sách "Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng", Lu-Mannup đã chia sẻ: "Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu.

Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên.

Ngay khi đề thi này được đăng tải lên mạng xã hội cũng như trên các nhóm trao đổi về chuyên môn đang xôn xao và có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Thậm chí có nhiều ý kiến cho là phản cảm và không mang tính giáo dục.

Đề thi Văn nếu em phải ở trong nước sôi...: Không phản cảm nhưng có sạn! - 1

Nước sôi là điều kiện để khoai mềm, trứng cứng (chín), theo kiểu điều kiện - kết quả. Nghĩa là phải trải qua thử thách, khó khăn khắc nghiệt (nước sôi, lửa bỏng) mới đạt kết quả, thành tựu.

Giúp học sinh liên tưởng tốt

Theo bạn Nguyễn Thị Cát Ly, sinh viên ngành Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đề thi này không hề phản cảm, bởi đằng sau lớp nghĩa đen là một bài học vô cùng ý nghĩa trong cuộc sống.

"Riêng mình, mình thấy đề thi này rất thú vị, xứng tầm là một đề thi chọn học sinh vào lớp chuyên. Đã là đề thi chuyên, thì càng phải làm nổi bật lên khả năng tư duy sáng tạo của các em khi hành văn.

Câu hỏi "nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?" như là một câu đố để thử thách khả năng tư duy và phản biện của các em. Bởi trong hoàn cảnh nước sôi, thì dù chọn là khoai tây thì cũng sẽ bị luộc mềm, là quả trứng cũng bị luộc chín. Cái cốt lõi mà câu hỏi muốn đó chính là các bạn học sinh phải trả lời sao cho khéo, biết cách linh hoạt với hoàn cảnh, để đưa ra câu trả lời hợp lý nhất".

Đồng tình với ý kiến của Ly, sinh viên Trần Thị Phương Dung cho rằng: "Đề thi mang một triết lý tuy đơn giản mà sâu xa, hiệu quả, giá trị bài học cuộc sống rất rõ. Không chỉ giúp các em chuyên văn có thể vận dụng tính linh hoạt của mình mà còn học được bài học về sự thích nghi với cuộc sống. Chúng ta dù là một củ khoai tây hay là một quả trứng thì đều có giá trị cả, quan trọng là bản lĩnh của mỗi người khi ở trong từng hoàn cảnh khác nhau".

Đề thi "sâu", nhưng cách diễn đạt chưa "sâu"

Theo bạn đọc Hoàng Văn Minh, giá trị nhân văn ở câu ngạn ngữ Phương Tây là rất đúng đắn. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ là một bạn đọc bình thường, tôi cảm thấy mặc dù đề thú vị, nhưng cách diễn đạt ở câu hỏi lại chưa thực sự thuyết phục.

"Đồng tình rằng câu hỏi này là dùng từ "nếu", mang ý nghĩa biểu đạt là một giả định, không có thật. Tuy nhiên, giả định này lại mang sắc thái tiêu cực. Có thể sẽ là bước đệm cho những giả định đầy tính ngu ngốc và vô cảm hơn. Đơn giản, nếu như bạn giả định rằng "nếu tôi có thật nhiều tiền", hay "nếu như tất cả mọi người đều bình an",.. thì chắc chắn sẽ không bị ai "ném đá".

Bày tỏ sự tiếc nuối về câu hỏi đưa ra giả thiết "nếu phải ở trong nước sôi…", độc giả Trang cho biết: "Ở đây vẫn có một chút "sạn" nho nhỏ. Theo mình, đáng lý ra, nếu muốn để mọi người có cái nhìn toàn diện hơn thì nên để các từ như nước sôi, quả trứng, củ khoai tây trong ngoặc kép. Bởi nếu không, ý nghĩa của câu hỏi lại bị diễn đạt theo hướng "rất văn nói". Ở trường hợp này, người đọc rất dễ sẽ áp dụng tư duy khoa học vào trong văn chương. Do đó, cái nhìn sẽ trở nên nghiêm khắc và một chiều hơn."

Cũng là một học sinh chuẩn bị thi lên lớp 10, em Nguyễn Thùy Linh chia sẻ: "Mặc dù mới đọc thì em cảm thấy đề khá lạ nhưng lại đang "gò bó" học sinh. Vì nếu theo hướng câu hỏi, sẽ rất nhiều bạn chọn "quả trứng", mà lại không suy nghĩ đến một cách ứng xử linh hoạt khác".

Trao đổi với phóng viên báo Dân Trí, cô Nguyễn Thị Tâm - giáo viên dạy văn tại một trường THCS ở Vĩnh Phúc bày tỏ: "Tôi cảm thấy câu ngạn ngữ và mệnh đề  chẳng liên quan gì nhau. Nước sôi là điều kiện để khoai mềm, trứng cứng (chín), theo kiểu điều kiện - kết quả. Nghĩa là phải trải qua thử thách, khó khăn khắc nghiệt (nước sôi, lửa bỏng) mới đạt kết quả, thành tựu.

Chọn là quả trứng hay chọn khoai đều giống nhau: thành công không dễ mà đến. Con người sinh ra ở những môi trường, hoàn cảnh sống, nền giáo dục khác nhau, đến với thành công, đạt kết quả cuối cùng bằng những con đường, cách thức khác nhau (mềm hay cứng). Thế nhưng vế sau "hoàn cảnh chẳng có lỗi...." lại dễ làm học sinh bị lệch hướng khi làm bài.

"Sự phản cảm ở đây nếu có chỉ là cách diễn đạt khiến cho khả năng liên tưởng của người đọc đi hơi xa chút vì ngôn ngữ nói, tiếng lóng hiện đại. Nhưng cùng 1 vấn đề nghị luận như thế này, chọn câu ngạn ngữ khác và mệnh đề khác sẽ đỡ gây tranh cãi hơn", cô chia sẻ thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm