Ý kiến bạn đọc:

Tôi ủng hộ xét danh hiệu giáo viên giỏi

(Dân trí) - Mặc dù còn gây ra nhiều ý kiến trái chiều về việc “chuyển từ áp lực kiểu cũ sang áp lực kiểu mới” nhưng quả thật đã đến lúc phải thay đổi hình thức, bản chất của hội thi giáo viên giỏi trong thời gian qua.

Sau thông tin các trường học ở Hải Phòng có thông báo cho phụ huynh về việc “học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn” có mặt theo quy định và “học sinh khác nghỉ học” trong thời gian thi giáo viên giỏi cấp thành phố vừa qua đã thu hút sự quan tâm, bức xúc của dư luận.

Bộ GD&ĐT ngay lập tức đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, rà soát và có biện pháp kịp thời chấn chỉnh tình hình. Một trong những thay đổi quan trọng hiện nay là chuyển hội thi giáo viên giỏi sang hình thức xét duyệt, công nhận danh hiệu giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi thông qua một bộ tiêu chuẩn, tiêu chí với các minh chứng cụ thể, đặc biệt là sự tín nhiệm của học sinh, phụ huynh.

Mặc dù còn gây ra nhiều ý kiến trái chiều về việc “chuyển từ áp lực kiểu cũ sang áp lực kiểu mới” nhưng quả thật đã đến lúc phải thay đổi hình thức, bản chất của hội thi giáo viên giỏi trong thời gian qua.

Không phải bây giờ mặt trái của các cuộc thi thố, phong trào mới bị vạch trần. Đã từ rất lâu rồi, tình trạng “sàng lọc” năng lực học sinh mỗi khi có các tiết dự giờ vẫn là một “tảng băng chìm” xấu xí. Và sự tổn thương đã len lỏi không ít trong lòng học sinh lẫn phụ huynh.

Người thầy nào cũng muốn tiết dạy của mình thành công, trường học nào cũng động viên và hỗ trợ thầy cô tham gia các cuộc thi tay nghề nhằm đem lại thành tích cho tập thể. Nếu năng lực của giáo viên là thật và chất lượng các tiết dạy là thật thì không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại không hoàn toàn rực rỡ như thế!

Một người cháu của tôi công tác ở trường mầm non kể rằng mỗi khi các cô có tiết dự giờ đều phải “gửi nhờ” các cháu sang lớp học bên cạnh trông nom giúp. Ban giám hiệu nhà trường biết điều này và giáo viên vẫn ngầm thỏa thuận với nhau như thế.

Buồn hơn cả là bọn trẻ hơi tinh nghịch hoặc chậm chạp hơn so với các bạn cùng lớp mầm non bị gán cho biệt danh “ốc”, “vít”. Và cứ đến tiết dự giờ, thi giáo viên giỏi, dạy chuyên đề là “ốc”, “vít” sang chơi ở lớp bên, thỉnh thoảng lại gửi cho cả các cô bảo mẫu ở bếp trông nom giúp.

Tình trạng ở tiểu học và trung học cơ sở cũng thỉnh thoảng bắt gặp tình trạng “dặn dò riêng” với học sinh khá giỏi và “đặc biệt căn dặn” học sinh yếu kém về việc “đi học” hoặc “nghỉ học”. Bởi số lượng học sinh trong các lớp dự giờ có thể dao động khoảng 20 - 25 cháu nên lẽ tất nhiên ai cũng muốn chọn “hạt gạo trên sàng” để dễ dạy và tiết dạy dễ thành công!

Từ chính những tiết dạy chọn lọc học sinh như thế, căn bệnh “thành tích” đã manh nha hiện hữu. Bục giảng dường như đã biến thành sân khấu, cô và trò là những diễn viên cố gắng hoàn thành vai diễn của mình trong mọi khả năng có thể.

Và đằng sau “ánh hào quang” của các tiết dạy thành công ấy, có một bộ phận học sinh yếu kém bị gạt sang một bên trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt. Việc “cấm cửa” học sinh yếu kém ấy khiến bọn trẻ bị tước mất cơ hội được học tập, được tôn trọng và được đối xử bình đẳng với bạn bè. Nguy hại hơn, trong lòng các con và phụ huynh đã nhen nhóm sự tổn thương nghiêm trọng…

Trẻ đầu cấp tiểu học có thể sẽ nhảy cẫng lên hoặc vỗ tay rào rào vì hôm nay lẽ ra phải đến lớp học tập cùng các bạn lại được “nghỉ đột xuất”. Nhưng niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang, bởi lớn hơn tí xíu, các con sẽ nhanh chóng nhận ra mình học thua bạn, mình không mạnh dạn bằng bạn, mình mất tập trung hơn bạn… nên mình phải ở nhà!

Sự tủi thân, sự mặc cảm, sự tự ti sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh tâm hồn các con. Dấu ấn bị “gạt sang một bên”, bị “cấm cửa” đến lớp ấy sẽ là nỗi đau âm ỉ đầy nhức nhối trong ký ức…

Còn nỗi lòng những người bố, người mẹ đối diện với sự phân biệt đối xử kia thì sao? Nếu chúng ta nhận được tin nhắn thông báo ấy, nếu con cái chúng ta nằm trong số những “học sinh khác nghỉ học” kia, phải chăng sự hụt hẫng, nỗi băn khoăn và bao muộn phiền sẽ ùa về choán hết cả tâm trí?

Bố mẹ nào cũng mong con cái học giỏi, phụ huynh nào cũng mong con trẻ đến trường được tôn trọng. Nhưng chẳng may con mình thua bạn bè, đó sẽ là nỗi xấu hổ ư? Đó là gánh nặng ư?

Tôi vẫn nhớ như in tâm sự của một người bạn khi đưa cháu đến trường tiểu học phát hiện bốn đứa trẻ quanh quẩn gần cổng trường khi trống vào lớp đã điểm. Bạn tôi lân la hỏi các con sao không vào lớp, bọn trẻ ngây thơ trả lời: “Cô giáo dặn hôm nay bọn cháu nghỉ học vì lớp có dự giờ nhưng bọn cháu… quên mất”.

Bạn sững người, nghẹn lời và lòng nặng trĩu khi giả định bốn đứa trẻ ấy là con mình, cháu mình… Buồn. Và sau nỗi buồn sẽ là sự thất vọng đến tột đỉnh.

Đó đã là chuyện của sáu, bảy năm trước. Vậy mà trong thời điểm khởi động công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo nước nhà hiện nay, việc “cấm cửa” học sinh yếu kém trong các kỳ thi giáo viên giỏi vẫn tồn tại đầy nhức nhối đến thế kia ư?!

Vậy thì, tại sao chúng ta không ủng hộ việc đổi mới cách thức công nhận danh hiệu giáo viên giỏi? Thay vì trình diễn một vài tiết dạy mà đánh giá năng lực của giáo viên suốt một năm học thì việc xét duyệt với những minh chứng rõ ràng, minh bạch, trung thực, khách quan trong một quá trình. Vấn đề còn lại là việc xây dựng bộ tiêu chuẩn với những tiêu chí hợp lý, khoa học và tháo gỡ điểm nghẽn khi lấy phiếu về sự tín nhiệm của học sinh, phụ huynh.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!