Cô giáo tâm sự: Vui, buồn với cuộc thi Giáo viên giỏi

(Dân trí) - Suốt những ngày này, các giáo viên chúng tôi không ngừng tranh cãi xung quanh chủ đề. Nên hay không bỏ cuộc thi giáo viên giỏi.

Người thì phản đối vì cho rằng cuộc thi này rất có ý nghĩa, không nên bỏ. Nó chính là cách để nâng cao tay nghề giáo viên (GV). Người thì gay gắt phản đối mong rằng nên bỏ cuộc thi này vì nó chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho GV cả.    

Là một GV nhiều năm tham gia thi GV giỏi nên tôi cảm nhận rõ ưu điểm và nhược điểm của cuộc thi này.     

Ưu điểm mà ai cũng thấy rõ đó là sự nỗ lực phấn đấu học hỏi của GV. Mỗi lần thi, thầy cô phải cố gắng tìm ra những giải pháp để giúp học sinh học tốt môn học. Ngoài ra, nhiều GV còn coi đây là một sân chơi tri thức rất bổ ích. Nó là dịp để GV đua tài về chuyên môn. Qua mỗi kì thi, GV sẽ có rất nhiều kinh nghiệm xử lí tình huống khi đứng lớp. Từ đó mà chất lượng giảng dạy cũng tốt hơn.    

Thế nhưng hiện nay một số GV không còn coi đây là sân chơi trí thức nữa. Nhiều thầy cô tham gia với tâm lí hơn thua. Họ coi đây là những dịp để giành quyền lợi về cho mình. Đạt GV giỏi sẽ được phụ huynh coi trọng, được nâng lương trước hạn, được xét nằm trong nguồn rồi việc thuyên chuyển công tác cũng dễ dàng. Vì thế nhiều thầy cô phải bằng mọi giá để đạt được danh hiệu này.        

Ngay từ đầu năm, các GV sẽ được đăng kí tham dự hội giảng vòng huyện rồi vòng tỉnh. Riêng vòng tỉnh thì GV phải đạt hai năm liền kề vòng huyện. Thông thường các thầy cô được chọn đều có chuyên môn vững và có kinh nghiệm đứng lớp.     

Thành tích này không phải chỉ của riêng các GV mà còn là thành tích chung của cả trường. Vì vậy việc GV tham gia hội giảng luôn được ưu tiên hàng đầu. Những lớp mũi nhọn luôn dành cho các GV tham gia hội giảng. Ngày đi thi thì cả tổ xúm vào hỗ trợ. Từ thiết kế bài dạy đến dự giờ duyệt trước hai ba lần... Một người đi thi nhưng cả tổ phải vất vả.   

Đấy là sự chuẩn bị của thầy cô. Riêng học trò thì còn nhiều chuyện để nói. Các em thường được GV "mớm" trước bài. Thậm chí có cô đưa luôn cho từng câu hỏi và dự kiến đáp án trả lời cho học sinh. Chưa kể cô còn dặn dò học sinh phải giơ tay nhiều. Lớp học như thế mới sôi nổi, còn việc cô gọi ai là chuyện của cô.    

Đã có không ít chuyện "cười ra nước mắt" của học trò ngày hội giảng. Ngay khi cô viết bài, trò đứng lên bảo bài này học rồi cô ạ. Rồi cô gọi trả lời, học trò thật thà bảo cô ơi em giơ tay trái mà... Rồi học sinh yếu phải ở nhà là chuyện không hiếm.     

Thật ra cực chẳng đã GV mới phải làm vậy. Nhiều GV tham gia hội giảng bị rớt thì Ban giám hiệu cứ nhắc hoài. Chưa kể giám khảo khi góp ý tiết dạy thì thiếu tế nhị. Rồi đồng nghiệp xì xào khi GV bị rớt. Thành thử GV tham gia gặp rất nhiều áp lực. Cuối cùng đành phải giả dối trước học trò  thôi.    

Bản thân là một GV, tôi vẫn mong muốn được tham dự cuộc thi này. Với tôi, vấn đề đậu rớt cũng không quan trọng. Cái chính vẫn là sự đánh giá của học sinh và phụ huynh. Khi tham gia, tôi chỉ mong muốn tay nghề mình được nâng cao. Nếu không có những cuộc thi này thì nhiều GV sẽ có tư tưởng an phận, không muốn phấn đấu. Chúng ta chỉ cần thay đổi lại cách tổ chức cuộc thi là được rồi. Không nên để GV dự hội thi ngay tại trường. Ngày thi cứ tập trung thi chung một cụm (giống trước đây) là được. Không có học trò của mình thì đánh giá tiết dạy cũng công tâm và chính xác hơn. 

Loát Trần 

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm