Kiên Giang:
“Tiếp sức người thầy” giúp hàng trăm giáo viên vượt khó
(Dân trí) - Sau hơn 5 năm Sở GD-ĐT Kiên Giang thực hiện Chương trình “Tiếp sức người thầy”, đã huy động trên 2,6 tỷ đồng. Từ số tiền này, chương trình “tiếp sức” cho hàng trăm nhà giáo vượt khó, thoát khỏi bệnh tật tiếp tục đứng trên bục giảng, ươm mầm trí thức cho đất nước.
Đóng góp nhỏ, hiệu quả lớn
Kiên Giang là một tỉnh có diện tích rộng (6.300km2), địa hình chia cắt (10% diện tích là hải đảo, trong đất liền sông ngòi chằng chịt), là vùng biên giới (57km đường biên giới bộ), có đông đồng bào dân tộc ít nguời; dân cư sinh sống tản mạn, chủ yếu làm nghề nông, thu nhập thấp…; Trường lớp cũng phải bố trí tản mạn theo địa bàn dân cư (toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 677 trường mầm non và phổ thông, nhưng phải bố trí đến 1.853 điểm trường, cá biệt có trên 150 trường mầm non và tiểu học phải bố trí từ 5-10 điểm lẻ); đội ngũ nhà giáo khá đông (23.801 người), trong đó đời sống của bộ phận nhà giáo đang công tác tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thật sự còn nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn đó, từ tháng 10/2011, lãnh đạo Sở và Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Kiên Giang tổ chức Chương trình “Tiếp sức người thầy”, với phương châm “Một nghĩa cử, một tấm lòng vì đồng nghiệp”.
Chương trình được thực hiện định kỳ mỗi tháng ít nhất một đối tượng đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ tối thiểu là 10 triệu đồng tiền mặt/đối tượng. Ngoài ra vào những dịp lễ, tết cổ truyền, tết dân tộc, Chương trình tổ chức thành nhiều đoàn thăm hỏi, hỗ trợ vật chất tối thiểu từ 2- 5 triệu đồng tiền mặt/đối tượng. Nguồn kinh phí của Chương trình chủ yếu từ sự đóng góp thường xuyên của tập thể cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục 2.000 đồng/người/tháng và một số tổ chức, cá nhân hảo tâm đồng hành cùng Chương trình. Toàn bộ kinh phí huy động được, chuyển giao hết đến các đối tượng, không giữ lại hoặc sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác.
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình “Tiếp sức người thầy”, kết quả đáng ghi nhận nhất là hàng trăm nhà giáo đã vượt khó, vượt qua bệnh tật để tiếp tục sự nghiệp trồng người. Trong khoảng thời gia chương trình diễn ra đã huy động được hơn 2,6 tỷ đồng tiền mặt. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng; cộng đồng tham gia 1,12 tỷ đồng. Ngoài ra, Chương trình còn trao tặng rất nhiều hiện vật cho nhà giáo khó khăn. Toàn bộ số tiền trên đã trực tiếp chia sẻ, hỗ trợ cho hơn 409 nhà giáo và người lao động trong Ngành.
Thắt chặt tình đồng nghiệp
Cô Lê Thị Kim Thi (giáo viên Trường Mẫu giáo Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận) có gia cảnh rất khó khăn: lương thấp, chồng chưa có việc làm ổn định, con còn nhỏ. Năm 2014 nhà cô bị gió lốc sập hoàn toàn, do không khả năng làm lại nên phải ở nhờ nhà của cha mẹ. Càng khó khăn hơn khi cuối tháng 1/2016, cô đang trên đường đến trường bằng xe máy thì bất ngờ bị tai nạn do cánh cửa xe giường nằm bung ra đập vào người gây thương tích rất nặng, phải chuyển lên TP HCM điều trị.
Biết được gia cảnh cô Thi đang khó khăn, chương trình “Tiếp sức người thầy” đã đến và trao tặng cô Kim Thi số tiền 10 triệu đồng. Chương trình còn kết nối thêm những tấm lòng thiện nguyện, hỗ trợ thêm cho cô số tiền 20 triệu đồng. Nhờ vào số tiền này, gia đình cô Kim Thi đã vượt qua khó khăn, bệnh tật và yên tâm công tác.
Cô Thi chia sẻ: Khi gia đình rơi vào cảnh bế tắc, thấy đồng nghiệp mình đến thăm hỏi động viên là bản thân đã có thêm sức lực rồi. Đặc biệt là sự hỗ trợ quý báo, kịp thời của các nhà hảo tâm, đồng nghiệp đã giúp tôi và gia đình vượt qua khó khăn, bệnh tật, sớm ổn định được cuộc sống như ngày hôm nay.
Với thầy Trần Công Bình - giáo viên Trường TH & THCS Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, sau hơn 28 năm công tác trong ngành giáo dục, không may thầy mắc phải nhiều bệnh tật, sức khỏe suy giảm, gia đình hết sức khó khăn. Nắm bắt được tình hình, không để đồng nghiệp đơn độc chống chọi với bệnh tật, Chương trình đã tìm đến trao số tiền 10 triệu đồng và các nhà hảo tâm đồng hành chương trình đã ủng hộ thầy Bình với số tiền hơn 76 triệu đồng và 50 bao xi măng. Từ đó gia đình đã lo chạy chữa bệnh cho thầy và giúp gia đình thầy Bình xây được ngôi nhà “Mái ấm tình thương” rất ấm cúng.
Hoàn cảnh của cô Kim Thi, thầy Bình chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp nhà giáo ở Kiên Giang được hỗ trợ từ Chương trình “Tiếp sức người thầy”. Bà Lâm Thị Mạnh - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Kiên Giang cho biết: “Trong những năm qua, ngành GD-ĐT Kiên Giang đã thực hiện nhiều cuộc vận động có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đặc biệt là chương trình “Tiếp sức người thầy”. Chương trình đã huy động, chia sẻ, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời đến hàng trăm nhà giáo, cựu nhà giáo và hàng nghìn học sinh đang bị bệnh hiểm nghèo, nạn tai, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn… Hoạt động này được đông đảo nhà giáo, phụ huynh và cộng đồng ghi nhận, hưởng ứng và đang có sức lan tỏa đến từng cơ sở giáo dục, địa bàn, địa phương trong tỉnh”.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang từng chia sẻ: Chương trình “Tiếp sức người thầy” trong ngành Giáo dục Kiên Giang được khởi xướng không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo mà còn xuất phát từ những trăn trở và khát vọng của những người làm công tác giáo dục: Đội ngũ nhà giáo rất đông, hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn cần được quan tâm chăm lo, hỗ trợ; Qua đó đã góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ; Chương trình còn có một ý nghĩa lớn hơn đó là tăng cường giáo dục lòng nhân ái, thông qua những việc làm có ý nghĩa của đội ngũ nhà giáo…
Chương trình tiếp sức người thầy do Sở GD-ĐT Kiên Giang phát động đang có sức lan tỏa lớn từ trong nhà trường kết nối đến cộng đồng xã hội cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Nghĩa cử đồng nghiệp quan tâm, chăm lo trong lúc khó khăn đã làm ấm lòng các đối tượng được chia sẻ, cả về giá trị tinh thần và vật chất, giúp họ vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Nguyễn Hành