Quảng Nam:
Thưởng Tết bằng… tự đóng góp rồi tự phát thưởng
(Dân trí) - "Mấy năm nay dạy học ở điểm trường biên giới, chúng tôi chỉ biết cố gắng vì học trò, chứ chưa bao giờ nghe chuyện thưởng Tết" - thầy Zơ Râm Dấu - Tổng phụ trách Đội, bí thư đoàn trường PTDT bán trú Trung học cơ sở liên xã Đắc Pring - Đắc Pree (huyện Nam Giang, Quảng Nam) chia sẻ.
Thưởng Tết chỉ đủ đổ xăng
Nằm cách biên giới khoảng 25km, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở liên xã Đắc Pring - Đắc Pree (xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, Quảng Nam) có 15 cán bộ công nhân viên. Khi được hỏi về chuyện thưởng Tết, thầy Zơ Râm Dấu - Tổng phụ trách Đội, bí thư đoàn trường lại hỏi chúng tôi: "Là thưởng Tết từ các doanh nghiệp, đoàn xã…hay sao", tôi nói: "Là thưởng từ Sở, từ ban ngành giáo dục của mình". Và rồi thầy bảo: "Chỉ có chúng tôi tự góp thưởng thôi, chứ làm gì có. Chúng tôi là những người ở lại trường này lâu nhất, đến khi tất cả học sinh đã về đến nhà của mình, chúng tôi mới ngồi lại tự phát thưởng cho nhau".
Nói thêm về cái gọi là "tự phát thưởng cho nhau ấy", thầy chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ hằng tháng mỗi giáo viên đóng vào công đoàn trường 30 nghìn đồng/tháng, ngoài việc chi các hoạt động đoàn, đội, còn lại, vào Tết, chúng tôi kiểm tra tổng tiền dư, và mua thùng mì tôm, ít gói bánh. Có năm, mỗi thầy cô được 1 thùng mì tôm, có năm chỉ được 1 gói bánh khoảng 10-20 nghìn/gói. Khá hơn thì thưởng 120-200 nghìn đồng, chúng tôi gọi ấy là tiền đổ xăng, để giúp các giáo viên biên giới có tiền chạy xe về đồng bằng".
Thầy Zơ Râm Dấu cho biết: "Toàn trường có 107 học sinh, các em đều là dân tộc thiểu số, nghèo khó, thậm chí nhiều em ở tận Pêtapoot (vùng hẻo lánh ở xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, Quảng Nam - PV), chỉ có thể đi bộ đi học, thì giáo viên chúng tôi chỉ mong học sinh được đến trường, có sách, vở để học".
Chúng tôi đến một điểm trường gần với thị trấn Thạnh Mỹ hơn, điểm trường PTDT Trung học cơ sở liên xã Cà Dy - Tà Bhing (xã Cà Dy, huyện Nam Giang). Tưởng gần thị trấn thì thầy cô sẽ có chút nhiều thưởng Tết nhưng cũng chẳng khác trường biên giới. Cô Vương Thị Ánh - Phó Hiệu trưởng trường cho biết: "Giáo viên trường không có thưởng Tết, không chỉ trường này mà các trường khác cũng như vậy. Thầy cô ở đây chủ yếu là tự thưởng, theo đó, mỗi tháng thầy cô góp vào khoảng 60-70 nghìn đồng/người cùng với 40 nghìn đồng quỹ đoàn, đội. Kết thúc học kỳ, lại dùng số tiền còn lại thưởng cho giáo viên, mỗi giáo viên 100 nghìn đồng, gọi là xăng xe thôi".
Cô Ánh cũng cho biết, trường có 27 cán bộ nhân viên, thì có đến 20 giáo viên từ đồng bằng lên dạy học, cho nên 100 nghìn ấy thật ra chỉ bằng xăng chạy về.
Tháng lương 13: Mỗi trường mỗi cách
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hữu Phước - Phó Phòng Giáo dục huyện Nam Giang cho biết: "Các trường miền núi đều tự sắp xếp các khoản thu, chi của mình hợp lý để có thể thưởng Tết cho giáo viên. Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ một thưởng Tết nào từ Sở GD-ĐT tỉnh hay của phòng ban Giáo dục nào. Các trường học tự hoạch toán trong nội bộ ngân sách công đoàn, người ta thường gọi thưởng Tết là tháng lương 13".
Nhưng thực tế, tháng lương 13 này là một tháng lương "tiết kiệm" được trích lại, dùng để giải quyết các vấn đề như tai nạn, cứu trợ… đúng theo Luật Lao động chứ không phải là "thưởng Tết". Các giáo viên gọi nhau từ thưởng Tết bằng tháng lương 13, cũng giống như việc tự an ủi cho nhau khỏi chạnh lòng mỗi khi Tết đến, xuân về.
Ông Phước cho biết thêm, thực tế giáo viên miền núi khi dạy học đều được hỗ trợ phụ cấp 70% lương, thêm 1,3% lương trách nhiệm quản lý học sinh. Nhiều giáo viên miền núi theo nguồn thu hút nhân lực lên vùng cao biên giới, mức lương gần 200%.
"Tôi ví dụ, nhiều trường trích một ít tiền lương, góp lại vào công đoàn để đến Tết thưởng, hoặc thưởng theo thi đua, thành tích, mỗi trường tùy nguồn kinh phí tự lo"- ông Phước nói.
Nhà trường không có thưởng, mùa xuân chỉ trông chờ quỹ công đoàn, năm nào đoàn còn thì còn thưởng, năm nào hết thì giáo viên tự bỏ chi phí về quê.
Cô Nguyễn Thị Lệ Nhung, giáo viên trường Trung học cơ sở liên xã Đắc Pring - Đắc Pree cho biết: "Nhiều lúc được công đoàn thưởng khoảng 100 nghìn, dù biết chẳng đủ tiền chạy xăng, về quê chẳng có quà cáp gì từ núi cao. Thậm chí, như năm trước, năm 2013, mỗi giáo viên chỉ được tặng 1 tấm lịch. Còn quà Tết cho người thân, chỉ khi về đồng bằng, tôi ghé mua vài đồ dùng sắm sửa như bao người đón Tết thôi".
Cô Nhung cho biết, cô quê ở tận thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, vượt hơn 200km lên đến biên giới Đắc Pring, phải nói rằng tiền xăng lên xuống chẳng đủ, cô phải ở nội trú tại trường, nhiều nhất là 1 tháng, vượt đèo về quê một lần. Còn những lúc mưa bão, đường khó đi, thì phải đến cả quý mới dám về một lần.
Với nhiều giáo viên miền núi, từ "thưởng Tết" vẫn còn xa xỉ lắm, nếu có hỏi, chỉ nhận được cái lắc đầu, nhưng hằng ngày trên bục giảng, vẫn vang tiếng học trò, đánh vần từng chữ, tập từng con toán...
Nguyễn Trang