Thương lắm cô ơi...

(Dân trí) - Thấm thoát đã 12 năm tôi không gặp cô. Song hình ảnh người giáo viên dịu dàng, đẹp giản dị vẫn in đậm trong tôi từ khi còn là đứa học trò lớp 5. Mỗi năm đến ngày 20/11, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về những kỷ niệm ấm áp có hình bóng cô...

Hôm đó là một ngày đầu thu, nắng vàng hanh hao và dịu dàng đến lạ. Chúng tôi đang đùa giỡn trên sân trường thì giọng cái Ly chanh chua: 

- Bọn bay nghe tin gì chưa?

 - Chuyện gì, nói nghe coi? - đám học trò lao xao.

- Lớp mình sắp có cô giáo chủ nhiệm mới, là người thành phố chính hiệu luôn nha - Ly trả lời với nét mặt đầy tự hào.

Tất cả nhảy cẫng lên đầy sung sướng nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên:

- Thật không, thật không…?

- Không biết cô có xinh không, cô có hiền không…? - Những câu hỏi cứ theo nhau dồn dập từ đứa này tới đứa khác.

Cũng đúng thôi. Lũ học trò quê như chúng tôi mỗi lần nghe đến hai chữ thành phố là nghĩ ngay đến một thế giới đẹp như trong giấc mơ vậy. Đó là thế giới lung linh ánh đèn, với những tòa nhà cao tầng và xe cộ tấp nập. Nơi đó có những ngôi trường khang trang, đẹp đẽ… Nơi đó các bạn học sinh ai cũng trắng trẻo, áo quần sạch đẹp… một thế giới khác xa nơi này. Thế giới chúng tôi đang sống gắn liền với những ngôi nhà tranh lụp xụp, thấp lè tè; với những con đường làng yên ả, lặng lẽ và những ngọn đèn dầu leo lét sáng. Còn lũ học trò quê chúng tôi thì đứa nào đứa nấy mặt mũi đen thui, gầy nhong. Ngày một buổi đến trường, buổi còn lại chúng tôi phải đi chăn trâu, cắt cỏ phụ giúp gia đình… và còn rất nhiều, rất nhiều thứ mà lũ học trò nơi cái vùng quê nhỏ bé này luôn ao ước.

Năm nào cũng có một vài thầy cô giáo về quê tôi dạy học nhưng chỉ được một thời gian ngắn sau đó lại xin chuyển công tác vì cuộc sống quá khó khăn. Vậy thì chúng tôi không ngạc nhiên sao được khi nghe tin có cô giáo người thành phố về đây dạy học. Mặc dù không ai nói ra nhưng trong đầu đứa nào cũng tự hỏi: Không biết cô sẽ gắn với cài vùng quê này được bao lâu?

Và giây phút hồi hộp nhất cũng đã đến. Tôi còn nhớ rất rõ ngày đầu tiên đến nhận lớp cô mặc chiếc áo dài màu trắng, mái tóc đen dày buông xõa và tay cầm chiếc cặp. Giọng cô nghe rất ấm và hiền: “Cô tên là Thục Anh. Cô được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp chúng ta trong năm học này…”.

Cả lớp vỗ tay vui sướng. Tiếp đó cô ân cần gọi tên từng bạn đứng lên giới thiệu về bản thân, gia đình. Tôi thấy mắt cô ngân ngấn nước khi nghe chúng tôi kể về những ước mơ nhỏ nhoi của mình. Vậy là buổi học đầu tiên đã trôi qua trong những tiếng cười giòn tan pha lẫn niềm hạnh phúc của lũ học trò nghèo.

Ngày lại ngày cô ân cần dạy dỗ chúng tôi. Cô dạy cho chúng tôi những bài học làm người, cô gieo cho chúng tôi biết ước mơ và biết làm thế nào để đạt được ước mơ của mình. Còn nhớ cái ngày cô phải vượt qua gần 10 cây số đường đèo đến tận nhà tôi để thuyết phục bố mẹ cho tôi đi học tiếp. Chả là vì gia đình tôi quá nghèo lại đông con nên tôi phải gác lại chuyện học hành để phụ giúp bố mẹ. Chính tình yêu thương chân thành cô dành cho tôi cũng như chúng bạn đã làm bố mẹ tôi đổi ý. Và tôi lại tiếp tục đến trường trong tình yêu thương và sự quan tâm của cô. Cứ mỗi lần có dịp về thành phố, cô lại có quà cho lũ học trò chúng tôi. Khi là mấy cái bánh, là chiếc kẹp tóc xinh xinh, là những cuốn truyện tranh, trong đó ẩn chứa tất cả tình yêu thương cô dành cho lũ học trò nghèo chúng tôi. 

Còn nhớ, ngày 20/11 năm ấy, chúng tôi không có tiền mua hoa hay quà tặng cô. Chúng tôi chỉ biết chạy ra hàng rào phía sau lớp hái những bông hoa dại rồi gói thành  bó hoa vụng về lên tặng cô. Nhìn bó hoa dại, nhìn đám học trò, cô quay mặt đi, mắt đỏ hoe xúc động… 

Năm học kết thúc, chúng tôi bịn rịn tạm biệt cô. Buổi chia tay diễn ra trong im lặng, cả cô và trò chẳng nói được điều nào. Mọi ánh mắt nhìn nhau rưng rưng. Cô xúc động nói chẳng ra câu: “Năm sau cô sẽ lấy chồng và chuyển trường nên sẽ không còn được dạy các em nữa. Cô sẽ rất nhớ các em”. Chúng tôi, đứa nào đứa nấy buồn thiu như đánh mất điều gì quý lắm. Và cũng từ đó chúng tôi không có dịp được gặp cô nữa... Không phụ tấm lòng của cô, chúng tôi đứa nào cũng cố gắng học thật giỏi: có bạn làm kỹ sư, bạn làm bác sỹ… và có rất nhiều bạn đã tiếp nối nghề của cô âm thầm “đưa đò” cho biết bao thế hệ trên chính vùng quê này.

Cô ơi... 12 năm, nhiều điều đã đổi thay. Không biết trên hành trình gieo chữ của mình cô có còn gặp thế hệ học trò nào như lớp chúng em hay không? Đôi lần em tự hỏi nếu một ngày nào đó chúng em gặp lại cô, không biết cô có nhận ra chúng em - lũ học trò quê nghèo đen nhẻm ngày xưa mà cô rất mực yêu thương?   

Ngày Nhà giáo Việt Nam lại đến, em bồi hồi nhớ cô, nhớ lớp học nhỏ, nhớ cả những bông hoa dại mà đám học trò nghèo dành tặng cô với tất cả yêu thương và kính trọng nhất... Em cảm ơn cô, cảm ơn người lái đò thầm lặng đã cho chúng em những gì tốt nhất. Mong tất cả những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cô - người đã dệt nên ước mơ trong em cùng đám học trò nghèo.

Nguyễn Thị Lê Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm