Người thầy đầu tiên
Ở quê tôi đã thành thói quen, trước khi cho con vào học lớp một ở trường là cho con học một lớp “đặc biệt” ở nhà ông Thiệp. Tôi nhớ hồi đó tôi mới năm tuổi bố gửi vào nhà ông học cho cứng cáp để khi lên lớp một không còn bỡ ngỡ.
Lúc đó học nhà ông Thiệp thường là con nhà có bố mẹ làm cán bộ vì thời đó quê tôi còn nghèo lắm, đi học thêm là khái niệm rất xa xôi với những gia đình bố mẹ làm nông. Mặc dù mỗi buổi học ông chỉ thu với giá tiền năm trăm đồng, nhung hồi đó năm trăm đồng mua được mười que kem.
Căn nhà nhỏ ở cuối xóm cái xóm nổi tiếng nghèo nhất xã tôi, có lẽ ngôi nhà đó cũng nhiều tuổi như ông vậy bởi rêu phong đã nhuộm một màu xanh sẫm, tường thì có nhiều vết rạn nứt, mái nhà lợp bằng rạ, chỉ một trận mưa to là là giột. Phòng học của lũ trẻ chúng tôi là ở giữa nhà, chiếu được thay cho bàn ghế, những “mảnh” chiếu cũ và ránh nhiều chỗ, mỗi đứa một mảnh chiếu để viết bài. Tôi còn nhớ như in cái bảng đen nho nhở hàng ngày chúng tôi nhìn lên nghe ông giảng bài, nói là bảng đen chứ nhiều chỗ trắng, đó là vết rỗ của tường, chúng tôi luôn phải dùng cục chì trong thỏi phin con sóc bị hư để mài cho bảng được đen.
Vì không có bàn nên chúng tôi dùng hai đầu gối chân làm bàn mà viết, cũng có những lúc nằm rạp xuống chiếu mà viết. Ông luôn chấm điểm ngay sau khi nộp bài, đứa nào viết chữ xấu ông lấy thước gỗ ông dần dần vào ngón tay cho nhớ để lần sau viết cho đẹp. Hình phạt đó trẻ con đứa nào cũng sợ, những anh con trai nào mà nghịch ngợm là ngày nào cũng bị roi thước vào mông, với những ai đã từng học nhà ông là cũng phải được ăn roi thước. Tôi là đứa ít bị ăn roi của ông chỉ duy nhất một lần, đó là kỷ niệm mà cho đến bây giờ tôi còn nhớ mãi. Mà cũng chỉ tại thằng Hải “ròm” đang trong giờ học nó ném hòn hồ vào đầu tôi, bực mình quá tôi ném lại hắn cho hắn chừa cái thói xấu đó. Nhưng không may cho cuộc trả thù của tôi, đáng nhẽ là ném Hải ròm ai ngờ lại ném trúng ông, may mà ông đeo cặp kính lão chứ không thì đời tôi “toi” rồi! Và lần đầu tiên và duy nhất tôi bị ăn roi thước gỗ của ông. Tôi khóc không hẳn vì roi thước đau mà còn vì không trả được thù mà còn bị phạt, từ đó tôi không thèm nhìn mặt “kẻ đáng ghét” đó nữa cho dù hắn có mấy lần cho tôi kẹo.
Giờ ra chơi bọn con trai chơi trò đuổi nhau, con gái bọn tôi chơi chuyền bóng, nhảy nhây ở cái sân đất trướ nhà ông. Cũng có lúc trời mưa chúng tôi lại xúm xụm bên ông để nhổi tóc sâu cho ông, đứa thì bóp chân cho ông. Đúng là những kỷ niệm mà chỉ ngôi trường đặc biệt mới có, những câu chuyện ông kể cho chúng tôi nghe đứa nào cũng say sưa đắm chìm trong chất giọng trầm bổng của ông. Những ngày mùalàm bọn tôi hay giúp ông bẻ lạc cậy ngô, đi lúa cho ông.
Từ ngôi nhà của ông đã có nhiều lớp cha anh thành đạt, bố tôi cũng là học trò của ông. Ông là thầy của nhiều gia đình từ thế hệ bố cho đến con. Tôi hỏi bố sao lại gọi thầy bằng ông thì bố giải thích ông Thiệp còn nhiều hơn cả ông nội tôi hồi đó. Còn nhớ vào dịp 20/11 tôi cùng bố vào thăm ông, bố tôi xách nảy chuối tiêu và một gói trà vào biếu ông. Cái thời ngày xưa đó thầy trò đến với nhau bằng tình cảm chân thành và giản dị quá đỗi. Ông kể ngày xưa bố tôi là “chúa quậy” bị ông cho “ăn” roi thước lên tục. Bây giờ mỗi lần đi công tác về bố đều vào thăm ông.
Đã gần mười lăm trôi qua giờ tôi đã lớn và là một sinh viên Đai học, có lẽ suốt đời tôi sẽ chẳng bao giờ quên được ngôi trường đặc biệt và người thầy đầu tiên. Không bao giờ quên được ngôi nhà nhỏ ở tận sâu trong xóm nghèo vì ở đó đã in hằn dấu chân bé nhỏ của tôi. Ngày 20/11 này tôi về quê thăm ông, bước vào con đường bê tông mới nhưng vẫn thấy đâu đó hai bên đường ngày đó là cỏ dại là hoa mười giờ. Vẫn ngôi nhà đó nhưng chỉ khác là được lợp bằng ngói đỏ, sân thì đã lát gạch và phòng học đã có bàn ghế, tiếng ông dạy lũ nhỏ đọc thuộc bài, tiếng ê a đánh vần của lũ trẻ lại gợi về trong tôi bao xúc động của ngày nào. Quê tôi đã thay da đổi thịt rất nhiều, bà con làm ăn ngày một khấm khá hơn, nhưng thói quen cho con vào nhà ông Thiệp học vẫn còn đó.
Một em nhỏ bằng tuổi tôi hồi đó, dẫn tôi vào nhà ông khi tôi đang còn ngỡ ngàng câu hỏi của em “chị tìm nhà cụ Thiệp phải không?”. Thì ra thời gian đã trôi nhanh như vậy ư? Cũng phải thôi ông đã hơn 80 tuổi rồi còn gì! Đã nhiều thế hệ trưởng thành từ ngôi trường có mình ông là người dạy. Gặp ông trong bao cảm xúc khó nói nhưng vui vì ông vẫn còn khỏe giọng nói vẫn ngân dài trầm bổng, cái chất giọng của ông chỉ cần nghe một lần là không thể nào quên được. Có lẽ bây giờ tôi có thể hiểu được cảm giác của bố ngày nào vào thăm ông.
Một đời người ông chỉ biết dạy học trò bằng tâm huyết và trách nhiệm của một người “chở nhũng chuyến đò qua sông” con người đó dù tuổi già rồi mà vẫn đầy nhiệt huyết “trồng người”. Những hi sinh thầm lặng của ông như thời gian trôi không ngừng nghỉ và cũng chỉ thời gian mới thấu hiểu hết một con người. Thấy khâm phục và trân trọng biết bao, và tự hứa với lòng mình với người thầy đầu tiên luôn sống cho xứng đáng với công lao của thầy!
Hoàng Yến