1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông, xã hội hóa biên soạn SGK

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Đây là kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Kết luận của Bộ Chính trị đánh giá: "Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng".

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.

Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức; các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện. 

Giáo dục nghề nghiệp đã phát triển mạnh về số lượng và chú trọng nâng cao chất lượng từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. 

Giáo dục đại học tiếp tục đổi mới, gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. 

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo. 

Kết luận cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết 29. Trong đó, việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn.

Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chưa thực sự gắn với thị trường lao động; Tỉ lệ học sau đại học, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ còn thấp. 

Cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo ở nhiều địa phương chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều. 

Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập trên, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29 và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo.

Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông, xã hội hóa biên soạn SGK - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 tại TPHCM (Ảnh minh họa: Nam Anh).

Kết luận của Bộ Chính trị nêu 8 nhiệm vụ chính cần tập trung thực hiện tốt.

Nhiệm vụ thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là "quốc sách hàng đầu", là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước, đồng thời thu hút sự tham gia tích cực của xã hội trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và hiệu quả hơn về đổi mới giáo dục và đào tạo nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, tạo sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. 

Nhiệm vụ thứ hai, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn.

Trong đó, cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục và các quy định về đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, quản trị nhà trường theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta. 

Kết luận nêu rõ, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục. 

Tại các cơ sở giáo dục, cần tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ.

 Với riêng các cơ sở giáo dục đại học, cần hoàn thiện chính sách, cơ chế tự chủ phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đồng thời thực hiện việc bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường, hội đồng đại học công lập.

Ngoài ra, cần làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa chủ tịch hội đồng trường với hiệu trưởng để có quy định phù hợp với thực tiễn, có tính đến đặc thù của các trường thuộc khối Công an, Quân đội. 

Với giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cần đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước để có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hệ thống này trong thời gian tới. 

Nhiệm vụ thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. 

Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. 

Kết luận nêu: "Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa".

Bên cạnh đó, cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng, an ninh gắn với việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. 

Nhiệm vụ thứ tư, tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. 

Với giáo dục nghề nghiệp, cần tiếp tục phát triển theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, gắn với thị trường lao động, quan tâm công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động để thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu thị trường và công nghệ sản xuất.

Thanh thiếu niên ngay từ bậc học phổ thông cần được tăng cường định hướng nghề nghiệp. Công tác phân luồng cần đẩy mạnh để tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế cần được tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực tương xứng để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các cơ sở giáo dục đại học xuất sắc theo hiệp định quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, cơ sở giáo dục đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Kết luận cũng nêu: "Cho phép các cơ sở giáo dục thuộc khối Quân đội, Công an đào tạo hệ dân sự đối với các ngành lưỡng dụng một cách phù hợp để khai thác hiệu quả các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Nhiệm vụ thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi trong giáo dục và đào tạo. 

Kết luận yêu cầu rà soát, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn. 

Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hóa, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo; khuyến khích phát triển các mô hình trường học mới như trường học số, trường học thông minh, trường học hạnh phúc. 

Nhiệm vụ thứ sáu, phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định.

Để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương.

Kết luận yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. 

Nhiệm vụ thứ bảy, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết 29 nêu.

Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. 

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo trên tinh thần Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra. 

Kết luận cũng nêu: "tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng".

Nhiệm vụ thứ tám, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 

Trong đó, cần tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. 

Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước; thu hút các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới mở phân hiệu tại Việt Nam.