Thủ tướng yêu cầu rà soát lại việc thi tuyển Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội

(Dân trí) - Trước một số thông tin trái chiều, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền rà soát lại một lần nữa việc thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội để không trái với Thông báo 202 của Bộ Chính trị về đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

Đó là thông tin được ông Lê Tiến Châu - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp diễn ra sáng nay 31/12.

Việc thi tuyển, bổ nhiệm Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội lùm xùm từ tháng 9 tới nay.
Việc thi tuyển, bổ nhiệm Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội lùm xùm từ tháng 9 tới nay.

 

Theo ông Lê Tiến Châu, vào tháng 8-9/2015 Bộ Tư pháp đã tổ chức thi tuyển đối với 3 vị trí lãnh đạo cấp vụ gồm Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội và Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

“Bộ Tư pháp đã tổ chức thực hiện rất chỉn chu, công khai minh bạch từ khâu xây dựng đề án tới thi tuyển. Tất cả đều được công khai. Tuy nhiên khi có kết quả cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ có nhận được đơn kính báo, khiếu nại nặc danh. Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn về Bộ Tư pháp yêu cầu rà soát. Bộ Tư pháp đã có rà soát đầy đủ và có báo cáo Thủ tướng” - ông Châu nói.

Theo thông tin ông Châu cung cấp, vừa qua Thủ tướng đã họp, tham vấn ý kiến của các đơn vị có liên quan xung quanh việc thi tuyển và bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội.

“Vì còn vài ý kiến băn khoăn trái chiều liên quan đến nội dung của đề án nên Thủ tướng đã giao Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan thẩm quyền rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa, để làm sao không trái với Thông báo 202 của Bộ Chính trị về đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Hiện chúng tôi đang tích cực phối hợp với các đơn vị rà soát và sẽ có kết luận cuối cùng trong thời gian gần nhất”- ông Châu khẳng định.

Trước đó, như Dân trí phản ánh, chiều 1/9 Bộ Tư pháp đã tổ chức bế mạc kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ một số đơn vị thuộc bộ năm 2015. Theo đó, ông Lê Đình Vinh - Giám đốc công ty Luật TNHH Vietthink trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội. Tuy nhiên từ đó tới nay ông Vinh chưa được bổ nhiệm chính thức giữ vị trí này do có đơn thư.

Theo Thông báo số số 202/2015-TB/TW về đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, sau khi xem xét tờ trình của Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, Bộ Chính trị đã thảo luận và cơ bản đồng ý với đề án, nhưng cũng có một số “lưu ý”.

Thứ nhất là việc đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng được xem là “nhiệm vụ quan trọng, nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.

Việc đổi mới cách tuyển chọn “phải bảo đảm, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ; góp phần khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong từng khâu của công tác cán bộ nói chung, trong tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng nói riêng”.

Bên cạnh đó, thông báo cũng lưu ý cần cụ thể hơn nữa về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương.

Đối tượng được đăng ký dự tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là cán bộ, công chức, viên chức nằm trong quy hoạch ở các chức danh cùng cấp hoặc tương đương, “nhưng không giới hạn trong phạm vi cơ quan, đơn vị đó mà mở ra bao gồm cán bộ, công chức, viên chức đã được quy hoạch ở các vị trí, chức vụ tương đương, đang làm việc trong cùng bộ, ban, ngành, địa phương nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định”.

Trường hợp các đối tượng không nằm trong quy hoạch, thì phải được cấp ủy quản lý các chức danh đó đồng ý.

Việc thực hiện thí điểm tại 1/3 số bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương (trong đó có Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, TAND Tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) và 1/3 số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đại diện cho các vùng trong cả nước).

Thời gian thực hiện thí điểm từ quý 3/2015, đến hết quý 3/2018, sau đó sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện thí điểm.

Thế Kha