Người trúng tuyển Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội “lên tiếng” vì chưa được bổ nhiệm

(Dân trí) - Tiến sĩ, Luật sư Lê Đình Vinh chia sẻ: “Bản thân tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của các nhà báo, bạn bè, người thân về việc chậm được bổ nhiệm, khiến cho cuộc sống, công việc và uy tín của cá nhân tôi bị ảnh hưởng khá lớn”.

 

Ông Lê Đình Vinh trao đổi với PV Dân trí (Ảnh: Thế Kha)
Ông Lê Đình Vinh trao đổi với PV Dân trí (Ảnh: Thế Kha)

Kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã kết thúc từ ngày 1/9/2015. Theo kết quả được công bố, TS. Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink đã trúng tuyển vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội. Nhưng kể từ đó đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa có quyết định bổ nhiệm đối với người trúng tuyển, khiến dư luận lẫn những người trong cuộc rất khó hiểu. Mới đây đại diện Bộ Tư pháp lý giải việc chưa thể bổ nhiệm vị trí này xuất phát từ việc có một số “đơn từ nặc danh”.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 4/1, ông Lê Đình Vinh cho biết: “Tôi sẵn sàng chia sẻ thẳng thắn về mọi vấn đề”.

"Uy tín của cá nhân tôi bị ảnh hưởng khá lớn"

Phóng viên: Ông biết tới Đề án thi tuyển lãnh đạo cấp vụ của Bộ Tư pháp, trong đó có việc thi tuyển vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội từ khi nào?

Ông Lê Đình Vinh: Đề án được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp từ tháng 4/2015 và thời điểm đó có rất nhiều báo phản ánh, đưa tin nên tôi đã biết được thông tin về kỳ thi. Tôi rất quan tâm tới vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, bởi tôi đã từng tốt nghiệp từ chính ngôi trường này và có 13 năm công tác ở đây. Tôi thấy mục đích kỳ thi là rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần đổi mới trong công tác tuyển dụng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức của ngành Tư pháp.

Sau khi nghiên cứu các tiêu chuẩn, điều kiện của thí sinh, tôi thấy mình hoàn toàn phù hợp nên đã đăng ký tham dự kỳ thi.

Khi đó ông có thấy mình bị “vướng” quy định nào để không phù hợp thi tuyển vào vị trí này không ?

Tôi hoàn toàn đáp ứng tất cả tiêu chí với vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội. Điều đó thể hiện qua việc tôi đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, nộp cho Bộ Tư pháp.

Việc Bộ Tư pháp chậm bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội đã ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân ông ?

Kỳ thi đã kết thúc được hơn 4 tháng nhưng người trúng tuyển vẫn chưa được bổ nhiệm thì rõ ràng dư luận có quyền đặt dấu hỏi.

Bản thân tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của các nhà báo, bạn bè, người thân về việc chậm được bổ nhiệm, khiến cho cuộc sống, công việc và uy tín của cá nhân tôi bị ảnh hưởng khá lớn.

Như báo chí đã thông tin, kỳ thi đã được tổ chức công khai, minh bạch và rất nghiêm túc theo đúng Đề án thi tuyển của Bộ Tư pháp. Kết quả trúng tuyển đã được công bố công khai ngay khi kỳ thi kết thúc. Những người trúng tuyển các vị trí khác đều đã được bổ nhiệm. Vì vậy tôi tin rằng không có lý do gì mà Bộ Tư pháp không ra quyết định bổ nhiệm đối với tôi.

Sau khi kỳ thi kết thúc, đã có đơn thư nặc danh gửi đến một số cơ quan và Thủ tướng Chính phủ để phản đối kết quả kỳ thi vì cho rằng thí sinh trúng tuyển không đúng đối tượng. Ông có nắm được những thông tin này?

Tôi cũng có nghe nói về việc này và không lấy làm bất ngờ. Đây là kỳ thi mang tính thí điểm, thể hiện tinh thần đổi mới của Bộ Tư pháp về công tác cán bộ, cho nên không tránh khỏi có những ý kiến trái chiều, thậm chí cả sự phản đối.

Nhưng phải hiểu thế nào là đúng đối tượng ?. Nếu chiểu theo tiêu chuẩn thi tuyển đối với vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội được quy định trong Đề án của Bộ Tư pháp thì tôi hoàn toàn đáp ứng đủ. Điều này đã được thể hiện rõ trong hồ sơ dự tuyển được Hội đồng thi tuyển xét duyệt.

Đối với cuộc thi nào cũng vậy, thí sinh chỉ cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của cuộc thi đó là được. Nếu không đáp ứng thì hồ sơ đã bị loại. Còn hồ sơ đã được xét duyệt thì có nghĩa là ứng viên đó đã đủ tiêu chuẩn để dự thi. Đến bây giờ thi xong có kết quả rồi lại lấy những tiêu chí khác ra áp vào và nói rằng thí sinh không đúng đối tượng là không công bằng, minh bạch.

Nhưng có thông tin cho rằng Đề án có những điểm không phù hợp với Thông báo số 202 ngày 26/5/2015 của Bộ Chính trị về đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng nên Bộ Tư pháp đang phải xem xét lại ?

Đề án tiếp tục thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được ban hành kèm theo Quyết định số 748/QĐ-BTP ngày 21/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Mục tiêu của Đề án là nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý; thu hút, lựa chọn được những người thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo cấp Vụ của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Đề án đã được Bộ Tư pháp chuẩn bị rất công phu và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cuối tháng 4/2015. Các tiêu chuẩn đối với người dự thi cũng rất rõ ràng.

Sau khi có Thông báo số 202 của Bộ Chính trị, Bộ Tư pháp cũng đã trình xin ý kiến Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý cho Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức kỳ thi theo Đề án của Bộ Tư pháp.

Tôi cho rằng với một kỳ thi quan trọng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy thì không thể nói là có sai sót. Vả lại, nếu Đề án có sai thì Bộ Tư pháp đã phải huỷ bỏ toàn bộ kỳ thi. Nhưng cho đến giờ Bộ Tư pháp chưa có kết luận gì về Đề án cũng như về giá trị pháp lý của kỳ thi nói trên. Do vậy tôi vẫn tin rằng kết quả kỳ thi sẽ không có gì thay đổi.

 

Việc thi tuyển, bổ nhiệm Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội lùm xùm từ tháng 9 tới nay.
Việc thi tuyển, bổ nhiệm Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội lùm xùm từ tháng 9 tới nay.

Không có "ưu ái" nào cả

Sơ yếu lý lịch của ông cho thấy có thời gian ông giữ chức Phó Trưởng Ban Thư ký lãnh đạo Bộ Tư pháp?

Đúng như vậy. Đó là giai đoạn 2008-2010. Ban Thư ký có Thư ký của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thư ký của các Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Chính vì vậy có dư luận cho rằng ông được “ưu ái” trong kỳ thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội vừa rồi?

Dư luận có quyền nghĩ theo nhiều chiều, nhưng có sự ưu ái hay không thì thể hiện ngay trong chính kỳ thi. Toàn bộ quá trình chuẩn bị, tổ chức thi, đánh giá và công bố kết quả là hoàn toàn khách quan, minh bạch và không có ý kiến hay bằng chứng nào về việc Hội đồng thi tuyển ưu ái cho ai cả. Ngay trong nội bộ các thí sinh dự thi cũng thế, không có vấn đề nào cả.

Giả sử có tình huống là Bộ Tư pháp loại bỏ kết quả trúng tuyển đối với ông thì ông sẽ phản ứng như thế nào ?

Đây là một kỳ thi mang tính thí điểm, nhưng đã được tổ chức rất chặt chẽ, bài bản, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Kết quả kỳ thi cũng đã được công bố công khai.

Suốt quá trình tổ chức thi không có ý kiến nào, kỳ thi được diễn ra suôn sẻ dưới sự giám sát của nhiều cơ quan ban ngành và báo chí, kết quả đánh giá công khai, rõ ràng. Bộ Tư pháp đã công bố kết quả trúng tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc huỷ bỏ kết quả trúng tuyển đối với tôi đồng nghĩa với việc phủ nhận kỳ thi. Khi đó dư luận một lần nữa sẽ đặt câu hỏi về tính minh bạch và sự nghiêm túc của kỳ thi này.

Hiện giờ tôi chưa thể nói trước được điều gì. Tất cả sẽ phụ thuộc vào quyết định của Bộ Tư pháp. Tôi tin tưởng rằng Bộ Tư pháp sẽ bảo vệ kết quả kỳ thi và bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh, đồng thời cũng là để khẳng định sự nhất quán của chủ trương đổi mới công tác cán bộ của Bộ.

Xin cảm ơn ông !  

 

13 năm công tác ở Đại học Luật Hà Nội

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp thủ khoa Khoa Pháp luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội, ông Lê Đình Vinh được giữ lại trường làm giảng viên và có quá trình công tác liên tục trong 13 năm tại đây. Sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, ông Vinh trở về Trường Đại học Luật Hà Nội và năm 2008 được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo ngắn hạn và Tư vấn pháp luật.

Khi Bộ Tư pháp có chủ trương điều chuyển cán bộ từ Đại học Luật Hà Nội lên công tác tại Bộ, ông Lê Đình Vinh được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban thư ký Lãnh đạo Bộ Tư pháp vào năm 2008. Đến năm 2010, ông Vinh xin ra ngoài thành lập công ty luật nhưng vẫn tiếp tục tham gia sâu vào lĩnh vực giáo dục.

Khi dự thi vào vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, ông Vinh đang làm giảng viên Viện Đại học Mở Hà Nội, Giám đốc Trung tâm dạy nghề xã hội Global, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Bách khoa Hà Nội. Trước đó, ông Vinh cũng từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Quốc tế Hà Nội.

Kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tư pháp được tổ chức vào đầu tháng 9/2015 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Chủ tịch Hội đồng thi. Vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội có 4 ứng viên đủ điều kiện đăng ký dự thi gồm ông Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật Vietthink, ông Hoàng Xuân Châu - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Trường Đại học Luật Hà Nội, ông Bùi Xuân Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM và bà Trần Kim Liễu - Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

Bộ Tư pháp kết luận vụ việc trong thời gian sớm nhất

Như Dân trí đã phản ánh, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 31/12/2015, ông Lê Tiến Châu - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) cho biết vào tháng 8-9/2015 Bộ Tư pháp đã tổ chức thi tuyển đối với 3 vị trí lãnh đạo cấp vụ gồm Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội và Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

“Bộ Tư pháp đã tổ chức thực hiện rất chỉn chu, công khai minh bạch từ khâu xây dựng đề án tới thi tuyển. Tất cả đều được công khai. Tuy nhiên khi có kết quả cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ có nhận được đơn kính báo, khiếu nại nặc danh. Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn về Bộ Tư pháp yêu cầu rà soát. Bộ Tư pháp đã có rà soát đầy đủ và có báo cáo Thủ tướng” - ông Châu nói.

Theo ông Châu, vừa qua Thủ tướng đã họp, tham vấn ý kiến của các đơn vị có liên quan xung quanh việc thi tuyển và bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội.

“Vì còn vài ý kiến băn khoăn trái chiều liên quan đến nội dung của đề án nên Thủ tướng đã giao Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan thẩm quyền rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa, để làm sao không trái với Thông báo 202 của Bộ Chính trị về đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Hiện chúng tôi đang tích cực phối hợp với các đơn vị rà soát và sẽ có kết luận cuối cùng trong thời gian gần nhất”- ông Châu khẳng định.

 

Thế Kha (thực hiện)