Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Lấy nhà trường làm bệ đỡ, gia đình là điểm tựa"
(Dân trí) - Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới GD&ĐT, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị "lấy HSSV làm trung tâm, thầy cô giáo là động lực, nhà trường làm bệ đỡ, gia đình là điểm tựa, xã hội là nền tảng".
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, từ kinh nghiệm thực tiễn, đề nghị chúng ta nghiên cứu, xác định rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
Theo Thủ tướng, học sinh, sinh viên không những chỉ tiếp thu kiến thức mà còn chủ động, tích cực rèn luyện đức- trí- thể- mỹ, có ý chí vươn lên, hoài bão, ước mơ, khát vọng cống hiến, phụng sự tổ quốc, nhân dân.
Thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải gương mẫu trong rèn luyện, luôn khích lệ, động viên, hướng dẫn, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các em học sinh, sinh viên, phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện cho từng học sinh, sinh viên phát huy sở trường của mình.
Nhà trường được xác định là bệ đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện học tập, môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, bình đẳng và thuận lợi cho các em học sinh, sinh viên.
Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, là chỗ dựa tinh thần, vật chất, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thấu hiểu khó khăn, thách thức với từng lứa tuổi của các em học sinh, sinh viên.
Xã hội là nền tảng, tạo môi trường lành mạnh về pháp lý, văn hóa, đạo đức, kiến thức, tạo ra xã hội học tập, nhất là trong điều kiện phát triển xã hội số, công dân số.
Thủ tướng cho biết, năm học 2023-2024 đánh dấu 10 năm ngành Giáo dục thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ/TW, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm. Hệ thống quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển, đảm bảo tốt nhất quyền lợi học tập của học sinh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu đào tạo nhân lực của đất nước.
Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, chẳng hạn xây dựng các trường bán trú, nội trú để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường. Theo Thủ tướng, đây là chính sách rất nhân văn để học sinh vùng sâu, vùng xa có khả năng tiếp cận bình đẳng với giáo dục.
Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung gần 28.000 biên chế cho năm học 2023-2024. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng gần 20.000 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng ở tất cả các cấp học.
Ngoài ra, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng lên, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định...
Giáo dục đại học tiếp tục được cải thiện, chất lượng, trong đó chú trọng phát triển nhân lực theo các ngành mới.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh. Công tác tuyển sinh đại học ngày càng được cải tiến. Đây là nỗ lực lớn của toàn ngành Giáo dục
Nhìn nhận những tồn tại, khó khăn, Thủ tướng đồng thời nêu một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm với ngành giáo dục như: Chuẩn bị chu đáo trong năm học 2024-2025; tổ chức lễ khai giảng 5/9, tạo không khí vui tươi. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng Luật Nhà giáo, xây dựng các chiến lược phát triển giáo dục; Tổng kết toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, do đó Thủ tướng yêu cầu, cần chuẩn bị kỹ, chu đáo, tổ chức kỳ thi an toàn, thiết thực, giảm áp lực và chi phí cho phụ huynh, thí sinh.
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục rà soát mạng lưới cơ sở mầm non, giáo dục thường xuyên, khuyết tật...
Đặc biệt, các địa phương bảo đảm quỹ đất cho giáo dục phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh dịch chuyển dân số.