Thủ tướng Chính phủ: Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học

(Dân trí) - Lắng nghe tâm tư và những chia sẻ của 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu tại buổi gặp mặt sáng 11/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho các nhà khoa học phát triển, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ”.

Sáng ngày 11/9, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi gặp mặt của lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015. Đây là năm đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức sự kiện này.

Buổi gặp mặt có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành của Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học có uy tín thuộc các Viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong, ngoài nước; đại diện lãnh đạo khối nghiên cứu quân sự, doanh nghiệp và 70 nhà khoa học tiêu biểu thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược.

khcn2-11092015-1441959405817
Quang cảnh buổi gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu

Hàng loạt kiến nghị của các nhà khoa học trẻ

Với lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân là trao đổi thẳng thắn, hàng loạt các nhà khoa học trẻ đã không ngần ngại chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình nghiên cứu.

Tiến sỹ Phạm Thị Tuyết Nhung hiện công tác tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện HL KH&CN Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: “Trong những năm vừa qua, nền khoa học công nghệ đã có những chuyển biến tích cực với sự đầu tư, quan tâm của Chính phủ. Chúng tôi mong muốn các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học đi trước hãy tin tưởng vào đội ngũ khoa học trẻ”.

TS Nhung cũng cho rằng, với mục tiêu phát triển ngành Vật Lý đã được Chính phủ đặt ra thì các Bộ, Ban, ngành sẽ giúp việc tổ chức, quản lý nhưng chính các nhà Vật lý mới là những người lên kế hoạch chi tiết và thực hiện chương trình này. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, cần sự chung sức của toàn bộ cộng đồng Vật lý trong nước cũng như sự trợ giúp của những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cũng như các nhà khoa học quốc tế.

“Theo tôi thì cần có một cuộc thảo luận công khai, rộng rãi lấy ý kiến của rất nhiều các nhà khoa học để đảm bảo cho sự thành công của chương trình này. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có những cuộc thảo luận công khai hoặc có nhưng chưa đủ công khai để chúng tôi có thể được biết. Vì thế tôi mong muốn, các viện nghiên cứu, các trường đại học các cơ quan quản lý phải trao đổi hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hỗ trợ lẫn nhau tham gia để thực hiện mục tiêu chung. Trong đó việc lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ được tạo cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình và tham gia vào việc lên kế hoạch thực hiện chương trình” – TS Nhung bày tỏ.

Cùng chung tâm trạng, TS. Nguyễn Quốc Định - Trưởng Phòng thí nghiệm, Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật Vô tuyến, Khoa Vô tuyến Điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự đưa ra hàng loạt dẫn chứng về những bất cập về công tác nghiên cứu khoa học ở trong các trường ĐH hiện nay.

“Ở Nhật Bản, quá trình nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cơ bản hoặc chế tạo mẫu sản phẩm, quá trình sản xuất thử nghiệm chủ yếu do công ty công nghiệp sản xuất. Ở Việt Nam, yêu cầu đặt ra của các nhà khoa học là kì vọng từ nghiên cứu cơ bản cho đến sản xuất để hoàn chỉnh một trang thiết bị nào đó” – TS Định dẫn chứng.

khcn3-11092015-1441959521687
TS Nguyễn Quốc Định bày tỏ, chia sẻ về phát triển nghiên cứu khoa học trong trường ĐH

Cũng theo TS Định, ở Nhật Bản, các trường ĐH nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về kinh phí, đầu tư của các doanh nghiệp, trong khi ở Việt Nam là rất hạn chế. Hầu như các doanh nghiệp Việt Nam đều không có nguồn kinh phí trong việc hỗ trợ nghiên cứu trong các trường ĐH. Vì vậy Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ trích một phần lợi nhuận đầu tư ngược lại cho giáo dục và nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, thế giới đang có trào lưu trường ĐH và doanh nghiệp hỗ trợ các đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp để phát triển những ý tưởng khoa học có tính đột phá. Chính vì thế Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ nên tạo ra các quỹ để đầu tư cho các công ty khởi nghiệp để phát triển những ý tưởng khoa học lớn, có tính đột phá của các nhà khoa học Việt Nam.

TS Phạm Văn Phúc – ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM bày tỏ thêm: “Đất nước chúng ta đang rất thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Qua đây cho thấy công tác đào tạo trong nước chưa thực sự hiệu quả. Chính vì thế có nên chăng xây dựng các trung tâm đào tạo để thu hút những người thật sự giỏi, đam mê để truyền cảm hứng cho học trò. Từ cơ sở như vậy sẽ mở rộng lan tỏa trong cả nước và lúc đó sẽ đáp ứng được đủ nhân lực trong việc phát triển khoa học công nghệ của đất nước”.

TS Phúc cũng nêu thẳng về những bất cập trong chính sách hiện nay: Có rất nhiều chính sách được đưa ra, đặc biệt là chính sách tài chính chưa được tháo gỡ một cách hoàn toàn. Ngày càng nhiều các quy định ràng buộc các nhà khoa học và làm nghiên cứu khoa học không còn được tự do nữa. Suy nghĩ sâu cho thấy, các nhà quản lý các cấp không tin tưởng các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng. Làm khoa học nhưng không được tin tưởng thì sẽ gây ra một sự chán nản rất lớn.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học

Lắng nghe các ý kiến của các nhà học trẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta luôn ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư phát triển nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để các nhà khoa học, nhất là đội ngũ các nhà khoa học trẻ phát triển tài năng, sáng tạo, đóng góp thiết thực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, khoa học công nghệ đã có những đóng góp rất quan trọng. Để Việt Nam sớm ra khỏi nước đang phát triển và có thu nhập trung bình và không rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình, xây dựng nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và nhà nước đã xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là một trong 3 đột phá chiến lược. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sức cạnh tranh quốc gia...

khcn-11092015-1441959017772
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa hoc, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, Khoa học Công nghệ rất rộng lớn, vì thế nên lựa chọn những cái mà Việt Nam có tiềm năng, có lợi thế, có khả năng đưa ra thành sản phẩm cạnh tranh được trong nước và trên thị trường quốc tế.

“Chúng ta đang chú trọng vào 9 sản phẩm trọng điểm quốc gia (6 chính thức và 3 dự bị - PV), trọng điểm ở đây là chúng ta đầu tư khoa học công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất vào để tăng nhanh số lượng, chất lượng, hạ thấp giá thành nhưng có giá trị gia tăng cao để có thể cạnh tranh được với thị trường quốc tế, có như vậy mới nâng cao được sự cạnh tranh của đất nước” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Chia sẻ về một sự kiện “lạ” ở Kiên Giang, Thủ tướng tâm sự: Ở Kiên Giang có một chỉ tiêu “hơi lạ” đó là năm nay tỉnh sản xuất 5 triệu tấn lúa, lớn nhất cả nước, tuy nhiên Tỉnh ủy đưa ra là phải phấn đấu giảm nửa triệu tấn. Tuy nhiên phấn đấu giảm nửa triệu này rất là khó khăn bởi giảm về số lượng nhưng giá trị không giảm. Số đất trống của nửa triệu tấn lúa kia sẽ làm cái gì? Tất cả cái này đều phải đòi hỏi khoa học công nghệ cả, không có cách nào khác.

Thủ tướng Chính phủ bảy tỏ băn khoăn về sự phát triển khoa học công nghệ trong nước hiện nay. Theo Thủ tướng, thị trường quyết định đến sản xuất, mặc dù là đất nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng hiện nay lúa thì không bán được thì Việt Nam lại phải nhập ngô và đậu tương của nước ngoài để làm thức ăn chăn nuôi gia súc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với 70 nhà khoa học trẻ trong buổi gặp mặt sáng nay

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với 70 nhà khoa học trẻ trong buổi gặp mặt sáng nay

“Vì sao chúng ta không sản xuất ngô để đảm bảo thị trường của mình được? Đơn giản là do họ sản xuất rẻ hơn mình. Trong khi họ phải mất tiền để vận chuyển mà chúng ta vẫn không thể cạnh tranh được. Tôi đã tham khảo các nhà khoa học và khẳng định không có cách nào khác là phải đưa khoa học công nghệ vào để thay đổi điều này, đây là nhiệm vụ của các nhà khoa học” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng quán triệt: “Vắc-xin tiêu chảy Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, vắc-xin tiêm chủng mở rộng trong top 10 thế giới thì chúng ta đầu tư vào đây để Việt Nam trở thành một nước có tên tuổi sản xuất vắc-xin trên toàn thế giới, vừa cạnh tranh được, GDP tăng lên, vừa giải quyết công ăn việc làm. Tôi tin chúng ta hoàn toàn làm được việc này, Bộ Khoa học và Công nghệ nên chủ trì làm việc này”.

Thủ tướng cũng khẳng định, cần cơ chế chính sách gì để giải quyết được các bài toán nói trên thì Chính phủ sẽ làm hết sức, thậm chí cái gì vượt quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa luật, quy định… Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn Bộ KH&CN tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại để có thể nắm tâm tư, nguyện vọng các nhà khoa học trẻ.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)