Đổi mới cơ chế tài chính ĐH công lập:

Đại học “sợ” tự chủ

(Dân trí)- Bức tranh tự chủ tài chính mà một số trường đại học được thực hiện đã cho thấy tự chủ rất nửa vời. Những trường đại học được tự chủ đang bị rơi vào tình trạng khó khăn và bó hẹp hơn khi chưa được tự chủ và họ bắt đầu “sợ”.

Ngày 29/11, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện mục tiêu công bằng và hiệu quả” do Bộ Tài chính, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Dự án hỗ trợ phân tích chính sách tài chính tổ chức.

Tại Hội thảo, lãnh đạo nhiều trường đại học được tự chủ về tài chính đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về những bó hẹp khi được giao tự chủ.

Tự chủ cái gì?

Trường ĐH Ngoại thương là 1 trong 5 trường được giao nhiệm vụ thí điểm tự chủ từ năm 2005. Cũng trong năm 2005, trường xây dựng phương án tự chủ cho giai đoạn 2005-2010 nhưng không được triển khai. Đến năm 2008, trường được phân loại là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.Khi được thực hiện tự chủ, trường đã bị cắt giảm ngân sách nhà nước (NSNN) cho chi thường xuyên. Nếu như năm 2004, trường được chi ngân sách là 7.155 triệu đồng thì đến năm 2008 trường còn 578 triệu đồng NSNN cấp.

GS.TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Trường tự chủ nhưng không được hưởng quyền lợi, cơ chế về nguồn thu gì hơn so với các trường ĐH công lập khác. Trường không thể phát triển thêm nguồn thu để tự đảm bảo và do đó không thể thực hiện định mức chi cao hơn. Mặc dù, hàng năm, trường thu trên 100 tỷ đồng nhưng cũng chỉ đáp ứng đủ chi cho đào tạo”.

Ông Châu dẫn giải: “Hiện trường có 700 cán bộ, giảng viên (trong đó 500 giảng viên). Nguồn thu học phí của nhà trường tăng không đáng kể trong khi nguồn thu NSNN lại bị cắt giảm, chi phí gia tăng. Trường không tăng được thu nhập cho cán bộ, giảng viên, trong khi Nghị định 43 cho phép trả lương bằng 2,5 lần nhưng nhà trường chỉ trả được 1,8 lần.Trường không có nguồn tích lũy để đầu tư cơ sở vật chất. Không thực hiện được các chế độ ưu đãi đối với giảng viên dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám. Không được tự chủ sử dụng các nguồn thu. Khó khăn là vậy nên phải thắt lưng buộc bụng đủ thứ. Đi công tác nước ngoài kể cả hiệu trưởng cũng lấy nguồn của đối tác chứ không lấy của trường”.

Đại học “sợ” tự chủ - 1
Trường ĐH Ngoại thương gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính.
 
Học viện Tài chính là đơn vị được thực hiện tự chủ tài chính theo cơ chế của Bộ Tài chính, hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn. GS Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện, cho biết: “Trường thuận lợi là mở ra vấn đề được tự chủ nhưng lại gặp nhiều khó khăn vì thiếu đồng bộ tự chủ tài chính với nhân sự, bộ máy… Trường thuộc Bộ Tài chính nên khi tuyển nhân sự đều phải qua bộ chủ quản, gặp rất nhiều khó khăn vì giáo viên phải thi theo luật công chức. Bên cạnh đó, định mức thu - chi tồn tại mấy chục năm nay vận dụng hiện giờ thì không thể thực hiện tự chủ với định mức đã đặt ra”.

Ông Chi đưa ví dụ: “Học phí, lệ phí trong giáo dục hiện nay có phát sinh các khoản chi nhưng không có trong danh mục thu hay như việc học lại, thi lại của sinh viên nếu không thu thì lấy đâu ra khoản chi để dùng cho coi thi nhưng nếu đưa ra kiểm toán sẽ bị nộp lại. Bên cạnh đó, bình quân giáo viên được 2 triệu đồng để nghiên cứu khoa học nhưng kinh phí đi thực tế cho giảng viên không có. Khấu hao máy móc thiết bị trong trường học giảng 3 ca thì máy chiếu trên 2.000 giờ thì hết khấu hao nhưng theo Bộ Tài chính quy định thì 5 năm mới hết khấu hao. Trường phải chờ hết khấu hao mới được sắm mới. Vậy tự chủ cái gì?”.

Đề nghị trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường

Trước thực tế khó khăn khi được giao tự chủ tài chính, GS.TS Hoàng Văn Châu đề xuất xin được cấp lại chi phí thường xuyên.

“Nếu không được cấp lại chi phí thường xuyên thì trường xin được phép xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm và lựa chọn phương thức tuyển sinh cho hệ đào tạo chính quy. Trường được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các khoản thu khác. Cho phép trường được tự chủ trong việc phê duyệt kế hoạch và chủ động sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp… Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho các trường công lập; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các trường đại học công lập; trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường; đổi mới cơ chế phân bổ tài chính cho các trường công lập” - ông Châu đề nghị.

Đánh giá hoạt động của những trường được giao tự chủ, TS. Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng: “Việc chuyển đổi này trong thời điểm năm 2008 là xuất phát từ việc vào thời điểm đó các trường này đều có nguồn thu cao, đủ khả năng bù đắp toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên nên ngân sách nhà nước không cấp nữa chứ không phải xuất phát từ các phương án kinh tế được tính toán chi tiết. Điều này không những không phát triển được khả năng của các trường này mà còn không tạo được động lực cho những trường khác chuyển đổi theo. Nhìn rõ nhất là việc không được tự chủ về mức thu, nguồn thu nên nhiều trường không thể đảm bảo chi thường xuyên".

TS Giang cũng đề nghị: “Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các trường. Các trường đại học khi đã đáp ứng đủ các tiêu chí về đảm bảo chất lượng, đội ngũ giảng viên theo chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT được giao quyền tự chủ trong việc quyết định chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, hợp tác quốc tế và mức thu học phí trên cơ sở khung giá dịch vụ (học phí) theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí hợp lý. Trườngđược tự quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ gắn với năng suất, chất lượng hiệu quả công việc; đồng thời phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chí chất lượng đào tạo theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo và công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính”.

Đồng ý với việc giao quyền tự chủ về mức thu cho các trường nhưng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng còn thiếu cơ chế kiểm soát để đảm bảo quyền lợi cho người học. “Hiện nay Chính phủ đã cho phép đại học công lập tự chủ thu học phí cao so với Nghị định 49/2010/NĐ-CP nhưng chất lượng phải được nâng cao. Hiện một số trường đã thực hiện tăng học phí nhưng vấn đề cần hiện nay là xây dựng những tiêu chí đào tạo chất lượng cao phù hợp học phí để người học không bị thiệt thòi”.

Tổng chi NSNN cho GD-ĐT: năm 2009: 97.826 tỷ đồng; năm 2010: 116.820 tỷ đồng; năm 2011: 144.541 tỷ đồng; năm 2012: 166.094 tỷ đồng.

Chi đầu tư phát triển: Năm 2009: 17.631 tỷ đồng;  năm 2010: 20.122 tỷ đồng; năm 2011: 24.911 tỷ đồng; năm 2012: 30.174 tỷ đồng.

Chi Thường xuyên: năm 2009: 80.195 tỷ đồng;  năm 2010: 96.698 tỷ đồng; năm 2011: 119.630 tỷ đồng; năm 2012: 135.920 tỷ đồng.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm