Thủ khoa ĐH Khoa học Tự nhiên mất hơn một năm làm khóa luận tốt nghiệp
(Dân trí) - Với điểm tổng kết 3,95/4, Nguyễn Tiến Đạt, sinh viên K62 Tài năng Hóa học trở thành Thủ khoa đầu ra của Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chàng trai khối chuyên Hóa bứt phá rào cản ngoại ngữ
Nguyễn Tiến Đạt vốn là cựu học sinh chuyên Hóa của Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa. Với niềm yêu thích các bộ môn Khoa học tự nhiên, đặc biệt là Hóa, Đạt đã có những thành tích cao ở môn học này.
Đạt từng đoạt giải Nhất cấp thành phố, giải Nhì cấp tỉnh môn Hóa học ở những năm trung học cơ sở. Khi còn học cấp 3, em đoạt giải Nhì thi Học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học năm 2017. Lên đại học, Đại học Khoa học Tự nhiên là nơi Đạt chọn để nối tiếp niềm đam mê Hóa học và nam sinh cũng được tuyển thẳng vào ngôi trường có bề dày lịch sử này.
Khi học đại học năm thứ nhất, Tiến Đạt đã gặp không ít khó khăn vì sự thay đổi môi trường cũng như cách học. Vốn là một học sinh chuyên về khoa học tự nhiên, bản thân Đạt từng rất sợ tiếng Anh cũng như học chưa tốt ngoại ngữ này.
Khi lên đại học, một số môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh, giáo trình chuyên ngành cũng viết bằng tiếng Anh khiến Đạt nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ đó. Do vậy, Đạt đã thay đổi tư duy, coi tiếng Anh như một công cụ tiếp cận những tri thức tiên tiến và có thêm động lực học.
Kinh nghiệm học ngoại ngữ của Đạt là đọc tài liệu và nghe các video ngắn. "Bằng cách này, ta có thể tăng khả năng phản xạ với ngôn ngữ và trau dồi các kĩ năng cần thiết", Đạt chia sẻ.
Để chuẩn bị cho kỳ thi IELTS, cậu đã tập trung luyện giải các đề trong vòng 3 tháng liên tục. Đến thời điểm ra trường, Tiến Đạt đã có điểm 7.0 IELTS.
Niềm say mê với Hóa học
Theo Tiến Đạt, Hóa học là môn học thực nghiệm nên thời gian thực hành sẽ giúp hiểu bài nhanh và cụ thể hóa các bài học lý thuyết. Đầu năm thứ 2, Tiến Đạt xin thực tập tại phòng thí nghiệm cùng với các giảng viên trong trường. Nam sinh làm những công việc đơn giản nhất như xử lý mẫu phản ứng đến tham gia các đề tài nghiên cứu của phòng thí nghiệm.
Hai môn học Đạt yêu thích nhất là Hóa học hữu cơ và Hóa học vô cơ. Nội dung học liên quan đến khoa học về nguyên tố, liên kết phân tử, về hợp chất xung quanh, nhờ đó giải thích được quy trình trong tự nhiên hay tìm ra những hợp chất mới. Bên cạnh đó, các môn Hóa lý, Phân tích… đã cung cấp cho nam sinh này có được những kiến thức, phương pháp đo, phương pháp làm thí nghiệm.
Phương pháp học của Đạt là phân bố đều thời gian cho các phần nhỏ của học phần và ôn tập ngay trong quá trình học để tránh việc ôn thi nhồi nhét vào cuối kì. Khi đã có nền tảng vững chắc, Đạt sẽ luyện đề để xem khả năng làm đến đâu, từ đó tiếp tục ôn tập và lấp đầy các lỗ hổng kiến thức.
Tiến Đạt cho rằng, cách học này giúp bản thân nhớ bài lâu hơn và không khó khăn khi nhắc lại kiến thức ngay cả khi đã thi xong. Ngoài ra, Đạt chủ động tìm đọc tài liệu, sách báo, các nghiên cứu khoa học để mở rộng tầm hiểu biết và duy trì việc học tiếng Anh.
Năm thứ 3, Đạt tham gia trao đổi sinh viên tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Với Đạt, đây là khoảng thời gian quý giá vì được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hiện đại tiên tiến, học tập những kỹ năng thực hành mới và tiếp cận các hướng nghiên cứu khác trong Hóa học từ các giảng viên quốc tế. "Mình cảm thấy rất may mắn khi có dịp được đi học như thế này", Đạt nói.
Với nỗ lực không ngừng, cậu đã giành nhiều học bổng như học bổng Odon Vallet 2019, UOP Honeywell 2019, học bổng của Mitsubishi UFJ 202 hay giành giải Ba nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2020.
Thủ khoa tiết lộ nhiều lần thất bại khi làm khóa luận tốt nghiệp
Trong khóa luận tốt nghiệp, Tiến Đạt nghiên cứu về "Tổng hợp và nghiên cứu phức chất nickel dithiocarbamate chứa vòng anthracene". Kết quả khóa luận này phụ thuộc chính vào kết quả thực nghiệm.
Vì đề tài của Đạt còn khá mới, các phản ứng chưa được tiến hành và nghiên cứu trước đó nên nam sinh này đã mất một năm ròng rã để làm hết thí nghiệm này sang thí nghiệm khác, tổng hợp từ nhiều chất khác nhau, trong đó có nhiều chất mới chưa có quy trình cụ thể.
"Quá trình tìm hiểu, tối ưu hóa quá thực nghiệm và đo số liệu tốn rất nhiều thời gian và sai sót là không thể tránh được. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để mình học hỏi thêm về hệ phản ứng", Đạt nhận xét.
Mỗi lần thất bại, Đạt đều ghi chép cẩn thận vào sổ. Sau đó, nam sinh đọc thêm các nghiên cứu tương tự ở các tạp chí quốc tế, thảo luận với thầy cô và bạn bè để tìm ra quy trình tốt nhất. Đầu năm thứ 4, Đạt thu thập xong số liệu và dành kỳ 2 để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, Tiến Đạt nhận được 9,7 điểm khóa luận tốt nghiệp và trở thành Thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) với điểm GPA đạt 3,95/4.
Cảm xúc khi biết mình trở thành Thủ khoa của trường, Đạt cảm thấy rất vui. Đạt chia sẻ: "Mình không cảm thấy quá tự hào, trong lớp mình cũng có rất nhiều bạn học giỏi. Để có kết quả này, mình rất biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô cũng như sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè trong quá trình học tập".
Nam Thủ khoa nhìn nhận, Hóa học còn nhiều vấn đề mới, chưa được khám phá. Đây sẽ là động lực để Đạt bước tiếp chặng đường dài phía trước. Hiện tại, Tiến Đạt đã nộp hồ sơ du học và đang chờ đợi kết quả từ các trường. Cậu hy vọng có cơ hội ra nước ngoài để nghiên cứu chuyên sâu hơn.
Trong thời gian học tập tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đạt tham gia câu lạc bộ Hóa học của trường (HUS Chemistry Club). Tại đây, cậu không chỉ tích lũy kinh nghiệm, cải thiện kỹ năng mềm của bản thân mà còn cùng các thành viên tạo nên những kỷ niệm đẹp của thời đại học. Thời gian rảnh, Đạt thường chơi các môn thể thao.