"Gần 40 năm là giáo viên, tôi không dạy thêm, vẫn vui…"

Hoàng Hoàng

(Dân trí) - Đây là chia sẻ của một giáo viên đã về hưu về câu chuyện dạy thêm, học thêm. Lâu nay, học sinh có 1.001 lý do để phải đi học thêm dù không muốn. Thông tư 29 sẽ giúp việc này đi vào đúng quỹ đạo?

Thu nhập của giáo viên bị giảm sút

Hôm nay (14/2), Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức có hiệu lực. Những ngày qua, vấn đề dạy thêm, học thêm là đề tài nóng, nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận, từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh...

Vì sao như vậy? Câu trả lời rõ ràng là do sự tác động của chính sách (Thông tư 29) sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của nhiều con người. Theo Thông tư 29, giáo viên thuộc các trường công lập không được tổ chức, điều hành, quản lý lớp học thêm mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng.

Như vậy, giáo viên thuộc các trường công lập không được đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm ngoài nhà trường. Đáng chú ý, Thông tư quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy tại trường.

Gần 40 năm là giáo viên, tôi không dạy thêm, vẫn vui… - 1

Thầy giáo Nguyễn Văn Lực và các học sinh trong một tiết dạy tại trường (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Từ khi nghỉ hưu, chị bạn tôi - cô N.T.T.L. - nguyên là giáo viên dạy toán tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, đã mở lớp dạy kèm tại nhà 2 nhóm, mỗi nhóm 10 học sinh, mỗi tuần dạy 2 buổi, mỗi buổi 1,5 giờ với học phí là 250.000 đồng/học sinh/tháng. Tổng thu nhập hàng tháng từ dạy thêm của cô là 5 triệu đồng/tháng.

Để tiếp tục được dạy thêm có thu nhập trang trải cuộc sống và cũng là thực hiện theo quy định của Thông tư 29, cách đây 3 ngày, cô T.L. đã đến Văn phòng một cửa của Ủy ban Nhân dân huyện để đăng ký kinh doanh dạy thêm với hình thức hộ kinh doanh gia đình.

Cô chia sẻ bản thân được hướng dẫn thực hiện hồ sơ xin đăng ký kinh doanh tận tình, chu đáo. Như vậy có thể thấy rằng việc dạy thêm, học thêm nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật (Thông tư 29) như cô T.L. sẽ không có gì phải lo lắng.

Bản thân tôi có 38 năm giảng dạy bậc THCS môn lịch sử và giáo dục công dân, nên không có khái niệm dạy thêm, vì không có học sinh học thêm những môn này.

Nguồn thu nhập thêm của tôi đến từ việc hàng năm được nhà trường phân công dạy bồi dưỡng học sinh giỏi trường môn lịch sử để tham gia giải cấp huyện, tỉnh.

Bắt đầu dạy bồi dưỡng từ học kỳ II đến khi thi là 4 tháng, mỗi tuần dạy 3 buổi, mỗi buổi 150 phút. Có thêm khoản thu nhập được trường tính theo quy định chung cũng vui nên tôi không bận tâm gì về dạy thêm học thêm.

Do đó, thầy cô tâm tư, băn khoăn chỉ khi không thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhất là đối với thầy cô đang công tác giảng dạy ở các trường công lập.

Đây là lý do chính tác động của Thông tư 29, ảnh hưởng đến thu nhập của thầy cô đã và đang dạy thêm chủ yếu là toán, ngữ văn, tiếng Anh... Lâu nay, nhiều thầy cô xem dạy thêm là "cứu cánh" trong bối cảnh chung khi đời sống, kinh tế của đại bộ phận giáo viên còn khó khăn, mặc dù lương cơ sở đã tăng và thưởng cũng đã có (thưởng theo Nghị định 73, từ 1/7/2024).

Gần 40 năm là giáo viên, tôi không dạy thêm, vẫn vui… - 2

Nhiều lý do khiến học sinh phải đi học thêm dù không thực sự mong muốn (Ảnh: Huyên Nguyễn).

1.001 lý do phải đi học thêm

Chủ đề dạy thêm, học thêm đang nóng cũng một phần bởi tâm lý của phụ huynh và học sinh. Nhiều người hụt hẫng, rối bời, hoang mang bởi lâu nay họ đang đặt niềm tin tuyệt đối vào các lớp học ngoài giờ chính khóa.

Họ cho rằng có học thêm mới hy vọng đạt học sinh giỏi trường, huyện, tỉnh, thi đỗ vào lớp 10, trường chuyên, tốt nghiệp THPT, đậu vào các trường đại học top trên. Bởi vậy có thể nói nhà nhà, người người đua nhau cho con đi học thêm.

Việc học thêm không những ở trong trường và cả ngoài nhà trường…. Tất cả tạo nên một làn sóng, xu thế học thêm ăn sâu vào tiềm thức nhiều cha mẹ, nhất là những gia đình có điều kiện tài chính.

Với kinh nghiệm công tác của mình, tôi cho rằng thực tế nhiều học sinh không có nhu cầu thật sự cần phải học thêm cũng buộc "tự nguyện" đi học thêm vì cha mẹ, vì thầy cô, vì điểm số… Có 1.001 lý do phải đi học thêm, nếu không là không được "yên thân".

Nay Thông tư 29, quy định đối tượng học thêm không đóng phí trong nhà trường gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường… chấm dứt việc dạy thêm đại trà trong nhà trường là cần thiết.

Xu thế dạy thêm, học thêm tràn lan không thể kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy làm tổn thương hình ảnh, sự tôn nghiêm của nhà giáo, nhất là thầy cô dạy học chân chính với trách nhiệm, lương tâm của người đứng trên bục giảng.

Thiết nghĩ, xu thế học thêm tràn lan cũng là xuất phát từ căn bệnh thành tích trong giáo dục tồn tại lâu nay chưa được giải quyết tận gốc. Tôi cho rằng Thông tư 29 ra đời đưa dạy thêm, học thêm đi vào nền nếp đúng quỹ đạo. Việc loại trừ các hệ lụy, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm là liều thuốc trị căn bệnh thành tích.

Thông tư 29 quy định các đối tượng học thêm trong trường không thu phí nhằm ngăn chặn hiện tượng ép, lôi kéo học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Và cũng không cấm những em có nhu cầu thật sự muốn giỏi hơn, phát triển năng lực, tố chất, kỹ năng.

Đây là việc cần thiết, hợp lý, công bằng về quyền học tập của học sinh, quyền và nghĩa vụ dạy thêm (quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế của công dân) của thầy cô nói riêng và công dân nói chung.

Ngoài ra, quy định có tính nhân văn khi tất cả các đối tượng học sinh đều được quan tâm tạo điều kiện để học tập, rèn luyện, phát triển năng lực, không một học sinh nào phải chịu thiệt thòi.

Để quy định thực sự đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là việc thực thi phải quyết liệt, quyết làm, bàn làm không bàn lùi. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh việc "phép vua thua lệ làng", nơi làm nơi không, địa phương làm quyết liệt địa phương làm đối phó để đâu lại vào đó. Công dân nói chung cần nghiêm túc thực hiện, với tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nguyễn Văn Lực

(Nguyên giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Bài viết thể hiện quan điểm dưới góc nhìn cá nhân của tác giả. Bạn đọc muốn chia sẻ quan điểm có thể gửi bài về địa chỉ: giaoduc@dantri.com.vn