Thiếu hụt trong cấu trúc năng lực sư phạm của giảng viên trẻ

Hai giảng viên Trường ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh là thầy Dương Tấn Giàu và Hồ Sỹ Toàn đã tiến hành một khảo sát nhỏ, cho thấy thực trạng đáng suy ngẫm về năng lực sư phạm của giảng viên trẻ.

Con số đáng suy ngẫm về kết quả bồi dưỡng

Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 2/14 năng lực được giảng viên trẻ cho rằng kết quả bồi dưỡng khá cao. Theo đó, năng lực được cho là đạt kết quả bồi dưỡng cao nhất là năng lực chuyên môn (kiến thức, kỹ năng chuyên ngành được đào tạo và năng lực sử dụng các phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học. Hai năng lực này đều nằm trong nhóm năng lực dạy học và giáo dục.

Hầu hết các năng lực còn lại (12/14 năng lực) thuộc các nhóm năng lực phát triển bản thân và năng lực phát triển cộng đồng nghề được đánh giá là ít hoặc không có kết quả trong công tác bồi dưỡng.

Trong đó, năng lực tham gia các hoạt động xã hội và năng lực phối hợp với các lực lượng giáo dục được đánh giá thấp nhất. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học là một trong những năng lực cơ bản trong cấu trúc năng lực sư phạm của người giảng viên tuy đứng ở vị trí thứ 3, nhưng lại nằm trong vùng ít thu được kết quả từ công tác bồi dưỡng.

Thiếu hụt trong cấu trúc năng lực sư phạm của giảng viên trẻ - 1

Từ kết quả khảo sát trên, có thể thấy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trẻ đang tập trung vào một số lực dạy học và giáo dục. Các năng lực hỗ trợ khác như nghiên cứu khoa học, giao tiếp và ứng xử sư phạm, năng lực hoàn thiện và cải tiến liên tục bản thân, năng lực phát triển cộng đồng nghề - dù rất cần thiết và cơ bản trong cấu trúc năng lực sư phạm của giảng viên trong giai đoạn hiện nay- nhưng chưa mang lại kết quả.

Điều này dẫn tới hoạt động bồi dưỡng năng lực sư phạm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của giảng viên trẻ, kéo theo sự thiếu hụt trong cấu trúc năng lực sư phạm, làm giảm chất lượng giáo dục và đào tạo giáo viên của nhà trường.

Về tính hiệu quả các hình thức bồi dưỡng, theo khảo sát của hai giảng viên, hai hình thức bồi dưỡng được đánh giá hiệu quả khá cao là hình thức bồi dưỡng tại trường (khoa, tổ bộ môn) theo kế hoạch của trường (khoa, tổ bộ môn) và bồi dưỡng theo hội thảo, chuyên đề.

Hình thức bồi dưỡng từ xa được cho rằng hiệu quả thấp nhất, mặc dù đây là xu hướng bồi dưỡng mới hiện nay với nhiều ưu điểm như nội dung được cập nhật, hình thức bồi dưỡng linh hoạt, tiết kiệm thời gian đi lại, học tập và các phát sinh về kinh phí.

Đổi mới hình thức và phương pháp bồi dưỡng

Từ thực tế trên, hai giảng viên cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở lý luận về năng lực sư phạm người giảng viên, tiến đến xác định khung năng lực sư phạm cho giảng viên nhà trường để làm cơ sở cho hoạt động bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên trẻ nói riêng.

Giải pháp này vừa làm cơ sở lý luận cho hoạt động bồi dưỡng năng lực sư phạm ở các khoa được diễn ra một cách thống nhất, vừa là cơ sở để nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý các khoa về cấu trúc năng lực sư phạm của giảng viên hiện nay.

Bên cạnh đó, tiến hành phân tích tình hình thực tế của khoa, tổ bộ môn; đồng thời khảo sát, phân tích nhu cầu, nguyện vọng hay xác định những thiếu hụt trong cấu trúc năng lực sư phạm của giảng viên trẻ trước khi xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đảm bảo hoạt động bồi dưỡng diễn ra một cách thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc… trong hoạt động bồi dưỡng.

Một điều hết sức quan trọng là tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giảng viên trẻ trên cơ sở phân tích sự phù hợp và hiệu quả hình thức, phương pháp đã, đang sử dụng để khắc phục tồn tại, phát huy các hình thức và phương pháp được giảng viên trẻ đánh giá cao.

Cuối cùng, cần cải tiến công tác kiểm tra, đánh giá trong hoạt động bồi dưỡng. Trong đó, giải pháp cốt lõi là phối hợp nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhau để tăng tính giá trị, độ tin cậy của công tác này khi triển khai trên thực tiễn.

Kiểm tra - đánh giá chính là khâu then chốt để xác định kết quả của hoạt động bồi dưỡng năng lực sư phạm, giúp công tác bồi dưỡng đi đúng hướng và là thước đo cho hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng.

Theo Hải Bình

Giáo dục & Thời đại

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm