Miễn học phí cho sinh viên sư phạm:

Chưa khuyến khích người giỏi vào ngành sư phạm

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT, nói: Nếu chính sách miễn học phí vẫn giữ thì chỉ là thứ động viên những người nghèo lựa chọn ngành sư phạm nhiều hơn, trong khi mục đích của việc miễn học phí là chiêu mộ người giỏi vào ngành sư phạm, để có những người thầy giỏi.


Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương sau giờ tan trường. (Ảnh: Ngọc Châu)

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương sau giờ tan trường. (Ảnh: Ngọc Châu)

Bà Phụng cho hay: Có một thời kỳ rất nhiều người làm thầy bỏ ngành, bỏ nghề và chính sách này đã phát huy được tác dụng và là một chính sách tốt. Việc miễn học phí đã giúp thu hút được nhiều sinh viên giỏi, khiến cho có thời gian điểm chuẩn vào ngành sư phạm (SP) cao hơn một số ngành khác.

Miễn học phí cho sinh viên SP có thời được coi là một chính sách đầy ưu việt nhưng đến nay chính sách này đã bộc lộ bất hợp lý, thưa bà?

Xu hướng chọn ngành học ngày nay đã khác. Ngành SP không còn thiếu  như đầu những năm 90, người ra trường khó kiếm việc làm hơn nên người học phải suy tính. Khi kinh tế phát triển, người dân có điều kiện để chăm lo đến sức khỏe thì khối ngành y-dược, kinh tế  lên ngôi, khối sư phạm bị ảnh hưởng.

Ngày trước, học phí còn có ý nghĩa lớn đối với quyết định của người đi học. Nay, học phí vẫn có ý nghĩa, nhưng chỉ có ý nghĩa với một bộ phận sinh viên chứ không phải với mọi người học và càng không phải luôn có ý nghĩa với người giỏi. Những người giỏi thì cũng là những người tin tưởng ở sức mình có thể học tập, có thể trả nợ và sẵn sàng vay tiền nộp học phí để được theo học ngành mình mong muốn, lựa chọn.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay có quá nhiều trường SP, quá nhiều trường không phải trường SP cũng mở ngành SP. Và đây cũng là lý do để ngành SP không tuyển được người thực sự giỏi mà chỉ tuyển được người cần học SP vì được miễn học phí?


Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT.

Thực trạng này là có, và sau này tất nhiên phải được kiểm soát, nhưng chỉ làm được khi bố trí được công ăn việc làm cho người tốt nghiệp. Trước đây đã có chủ trương mỗi tỉnh có một trường cao đẳng SP để đào tạo tại chỗ cho địa phương.

Ngày nay, đã có nhiều thay đổi như nhiều trường ĐH SP thành trường đa ngành; hệ thống trường CĐ cũng thành trường đa ngành. Vì vậy, rõ ràng nhiều trường tham gia đào tạo SP. Trong trường SP cũng có nhiều ngành khác và chỉ hệ cử nhân SP mới được miễn học phí. 

Điều này đã được nhận ra và ngành GD&ĐT đã có những  động thái nhất định. Cụ thể, từ  năm 2014,  Bộ GD&ĐT đã ra chủ trương không đào tạo từ xa đối với các ngành SP, dừng mở khối ngành GD&ĐT giáo viên hệ ĐH. Đặc biệt, hiện nay, trong tất cả các đề án đổi mới đã có một phần công việc là cơ cấu lại các trường SP do Cục Nhà giáo chủ trì.

Vậy, theo bà, chính sách nào có thể khuyến khích người học lựa chọn ngành học?

Tôi nghĩ, nếu có chính sách ưu tiên cho ngành SP thì sẽ tốt hơn. Chẳng hạn, nếu chính sách nhà giáo mạnh hơn nữa. Tôi xin lấy một ví dụ: Khối ngành công an tuyển được người điểm cao vì không chỉ miễn học phí mà vì người học không phải lo đến công ăn việc làm, được luân chuyển tới nơi mình mong muốn sau một thời gian  công tác.

Bộ GD&ĐT cũng đang có chính sách đối với hệ thống trường SP, từ quy hoạch trường lớp đến chính sách đối với nhà giáo. Chúng tôi đã và đang bàn để làm sao thu hút được người giỏi vào ngành SP, thu hút học sinh giỏi, học sinh đạt giải vào trường SP với sự khác biệt so với việc thu hút người giỏi vào các ngành khác. Ngoài học phí sẽ có sự đảm bảo công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp và sẽ có chính sách luân chuyển cán bộ trong ngành...

Bộ cũng xúc tiến công việc sắp xếp lại hệ thống trường theo hướng chọn lọc đầu vào, đầu tư cho chất lượng với số ít nhưng tinh. Ngoài ra quy mô  đào tạo cũng sẽ được xem xét theo quy mô người học, theo chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Đặc biệt sẽ có dự báo cho hệ thống trường SP vừa đủ để phục vụ, từ tuyển sinh đến đầu tư cơ sở vật chất; từ việc mở trường thực hành  đến chủ trương luân chuyển cán bộ. Cá nhân tôi nghĩ rằng ngành GD&ĐT đang cố gắng để tạo ra một hệ thống “máy cái” mạnh nhằm đào tạo ra những người thầy giỏi.

Cảm ơn bà.

Theo Hồ Thu

Tiền Phong