Khủng hoảng thừa nhân lực ngành sư phạm

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, cả nước sẽ có hơn 10.000 sinh viên ngành sư phạm sau khi ra trường không có việc làm. Bộ GD-ĐT cũng đã cảnh báo thừa nhân lực ngành này từ năm 2013 và yêu cầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, việc tự nguyện cắt giảm chỉ tiêu của các trường chẳng được là bao so với thực tế dôi dư ở ngành này.


Sinh viên sư phạm phải nỗ lực để kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên sư phạm phải nỗ lực để kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Số lượng thí sinh đăng ký không giảm

Thực tế dư thừa giáo viên khiến các sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm không xin được việc làm đã diễn ra nhiều năm nay. Số lượng giáo viên phổ thông hiện nay hơn 800.000 người, giáo viên mầm non gần 200.000 người, gần như đã đủ so với quy mô học sinh hàng năm. Nhu cầu tuyển mới để đáp ứng số lượng học sinh tăng hàng năm, bù đắp số lượng giáo viên về hưu gần như không đáng kể. Đối mặt với thực tế này, từ năm 2013 lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã yêu cầu giảm chỉ tiêu đào tạo hệ sư phạm chính quy.

Tháng 8 năm 2014, Bộ GD-ĐT có Quyết định số 2833 về việc tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành đào tạo giáo viên. Trong yêu cầu đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh CĐ, ĐH 2015, Bộ GD-ĐT tiếp tục yêu cầu các trường thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm chính quy năm 2015 so với năm 2014, đồng thời có kế hoạch tạm dừng tuyển sinh có thời hạn đào tạo giáo viên trung học. Trong đó, 2 trường ĐH sư phạm lớn trên cả nước được lên kế hoạch giảm 5% chỉ tiêu, các trường khác giảm 10%.

Tuy nhiên, việc tuyển sinh đầu vào ngành này vẫn không vì thế mà bớt nhộn nhịp. Cùng với quy định miễn học phí đối với sinh viên sư phạm, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm không mấy giảm sút. Và để đáp ứng nhu cầu của thí sinh, các trường ĐH cũng không có động thái giảm chỉ tiêu theo yêu cầu của Bộ hoặc giảm với con số không đáng kể. Cụ thể như ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2015 có tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2.800, trong đó, chỉ tiêu dành cho các ngành sư phạm là 1.945. Tổng chỉ tiêu năm 2015 là 2.760, trong đó chỉ tiêu riêng với ngành sư phạm vẫn được giữ nguyên là 1.945.

Nhùng nhằng bỏ hệ trung cấp, cao đẳng

Việc giảm chỉ tiêu được cho là biện pháp trước mắt giảm tỷ lệ sinh viên sư phạm thất nghiệp nhưng thực tế cho thấy cũng chỉ là lời kêu gọi. Còn với biện pháp lâu dài là sắp xếp lại mạng lưới đào tạo sư phạm thì rõ ràng là công việc khó thực hiện hơn nữa. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, nhiệm vụ đào tạo giáo viên của các trường CĐ Sư phạm đến thời điển này gần như đã tiệm cận, bão hòa với nhu cầu. Như vậy, với hơn 40 trường CĐ sư phạm trên cả nước, nếu đào tạo theo năng lực của nhà trường để duy trì hoạt động thì sẽ dẫn đến việc càng gia tăng số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệp.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước là chủ nhiệm khẳng định, cần phải ngừng đào tạo bậc trung cấp và cao đẳng sư phạm ngay trong năm học 2014-2015, bởi giáo viên các cấp kể cả mầm non, tiểu học cần được đào tạo đại học.

Quan điểm giáo viên bậc học thấp chỉ cần trình độ đào tạo thấp cần phải sớm thay đổi. Đồng tình với quan điểm này nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết khó tính chuyện giải tán được trường nào, vì còn đội ngũ cán bộ giáo viên, cơ sở vật chất, không thể đẩy đi đâu được. Giải pháp mà Bộ đưa ra là các trường, khoa sư phạm sẽ gánh nhiệm vụ đào tạo lại, bồi dưỡng cho hơn 1 triệu giáo viên, lực lượng được cho là “cần phải nâng cấp chứ không thể thay mới được”.

Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng được các chuyên gia cảnh báo cần phải có sự nghiên cứu kỹ, tùy điều kiện từng địa phương để triển khai. Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Trung ương Đặng Lộc Thọ phân tích: “Khi Chính phủ có quyết định về phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhiều địa phương rất thiếu giáo viên mầm non... Giáo viên tốt nghiệp trung cấp sư phạm còn thiếu, làm sao đòi hỏi giáo viên mầm non đào tạo bậc CĐ sư phạm và ĐH sư phạm ngay được”?.

Theo Duy Anh

An Ninh Thủ Đô