Thi tốt nghiệp THPT: Đề thi sẽ bám sát kiến thức cơ bản

Chỉ còn 3 ngày nữa, khoảng 1,2 triệu thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT. Năm nay, cách thức và quá trình ra đề sẽ được tiến hành hết sức cẩn thận, sao cho có lợi nhất cho HS.

Chất lượng đề thi có được nâng cao?

 

Ông Trần Văn Nghĩa Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT chủ yếu do các Sở GD&ĐT triển khai.

 

Về phía Bộ GD&ĐT, ngoài trách nhiệm chỉ đạo, giám sát chung còn có trọng trách ra đề thi chung cho tất cả các hội đồng thi trên toàn quốc.

 

Theo kế hoạch, đề thi chính thức của tất cả các môn thi được gửi về cho các địa phương vào ngày 29/5, đề thi dự bị được gửi trước ngày 3/6. Hôm qua, 2/6, việc gửi đề thi chính thức và đề thi dự bị kỳ thi tốt nghiệp về cho các Sở GD&ĐT đã được hoàn tất.

 

Như vậy, tiến độ trên đã được đảm bảo. Những phần việc còn lại như kiểm tra hồ sơ thi của học sinh tham dự kỳ thi, kiểm tra cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu của kỳ thi, triển khai việc sao in đề thi là trách nhiệm của các địa phương.

 

Về việc ra đề thi, được biết năm nay Bộ GD&ĐT chủ trương tiếp tục cải tiến khâu ra đề thi, thống nhất quy trình ra đề, chú trọng khâu phản biện độc lập đối với các đề thi dự kiến, khắc phục sự không đồng đều về mức độ của đề thi giữa các môn trong một kỳ thi.

 

Riêng với việc soạn thảo đề thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã cam kết mở rộng thành phần giới thiệu đề và nâng cao hơn nữa chất lượng các câu hỏi đề xuất.

 

Những người được lựa chọn tham gia bộ phận ra đề phải có đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đề thi.

 

Do tính chất của kỳ thi tốt nghiệp, các đề thi được ra theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức của HS, bao quát chương trình và SGK lớp cuối cấp hiện hành, phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi, đảm bảo cho mọi HS đủ điều kiện dự thi nếu chăm chỉ, cố gắng đều có thể tốt nghiệp.

 

Biểu điểm trong hướng dẫn chấm của tất cả các môn thi thống nhất áp dụng thang điểm 10 và chỉ cho lẻ đến 0,25 điểm đối với điểm thành phần.

 

Luôn đề phòng trước những nguy cơ tiềm ẩn

 

Trong danh mục bí mật Nhà nước trong ngành GD&ĐT (theo quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 07/02/2005) đề thi, đáp án kỳ thi tốt nghiệp các cấp học, bậc học chưa công bố đều là những “tài liệu tối mật”.

 

Vì vậy, trong hướng dẫn về việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông năm 2005, lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu các cá nhân và đơn vị liên quan “triệt để chấp hành nguyên tắc bảo mật đề thi”.

 

Theo đó, nơi làm đề, sao in đề phải thực hiện 3 vòng cách ly; tất cả mọi người tham gia làm đề thi, in, sao đề thi từ khi tiếp xúc với đề thi đều phải hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, không được dùng điện thoại di động hay bất kỳ phương tiện thông tin liên lạc nào khác.

 

Đối với các địa phương, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải chuẩn bị tốt và đầy đủ máy móc, thiết bị phục vụ sao, in đề thi. Sao, in đề phải rõ ràng, đảm bảo đủ số lượng đề cho HS dự thi; phải sao in thêm một số lượng đề nhất định để dự phòng cho từng môn thi ở mỗi hội đồng thi.

 

Không chỉ có trách nhiệm sao, in đề thi cho các hội đồng thi do mình phụ trách, các Sở GD&ĐT còn phải sao, in đề thi cho các hội đồng thi thuộc Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng trên địa bàn tỉnh thành của mình.

 

Tuyệt đối không sao, in và sử dụng đề thi dự bị khi chưa có lệnh (chỉ có Bộ GD&ĐT mới có quyền quyết định việc sử dụng đề thi dự bị trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT).

 

Trong suốt quá trình chuẩn bị thi, Bộ GD&ĐT đã cử nhiều đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị ở các địa phương. Việc kiểm tra chủ yếu tập trung vào vấn đề bảo mật ở khu vực in sao đề thi của các địa phương.

 

Không chỉ là các đoàn của thanh tra Bộ GD&ĐT mà chính Thứ trưởng Bành Tiến Long cũng đã trực tiếp dẫn đầu một đoàn kiểm tra ngẫu nhiên, bất thường ở một loạt các tỉnh miền Nam, miền Trung.

 

Sáng 2/6, đoàn kiểm tra của Thứ trưởng Bành Tiến Long đã đến kiểm tra điểm sao in đề thi của Sở GD&ĐT Hà Nội. Tổng hợp kết quả của các đoàn kiểm tra cho thấy, nói chung các địa phương đều tuân thủ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

 

Song lãnh đạo Bộ GD&ĐT vẫn thường xuyên lưu ý các địa phương cần tập trung cao độ vì đây là khâu luôn luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất thường.

 

Theo Quý Hiên - Tiền phong

Dòng sự kiện: Thi tốt nghiệp THPT