Thi tốt nghiệp đợt 2: Sự lãng mạn của bài thơ "Tây Tiến" vào đề thi Ngữ văn

Doãn Công Thúy Diễm Bình An

(Dân trí) - Sự lãng mạn của bài thơ "Tây Tiến" vào đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT đợt 2. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều thí sinh nhận định đề thi môn đầu tiên không quá khó.

Thi tốt nghiệp đợt 2: Sự lãng mạn của bài thơ Tây Tiến vào đề thi Ngữ văn - 1

Đề thi môn Ngữ văn của Kỳ thi THPT đợt 2.

Đề thi tương đương với đợt 1

Thầy Dương Trung Thành, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường Phổ thông DTNT Tỉnh Bắc Giang cho biết: Theo cá nhân tôi, đề thi Ngữ văn đợt 2 nằm trong trọng tâm ôn tập lớp 12 và phù hợp, gây hứng thú cho thí sinh trong quá trình làm bài. Xét ở mức độ phân hóa, đề thi Ngữ văn lần này có độ khó và phân hóa tương đương với đề thi lần 1.

Cấu trúc đề thi gồm 2 phần: Phần I, thí sinh khai thác nội dung đoạn trích trong văn bản Món quà cuộc sống của tác giả Dr. Bemie S. Siegel. Thí sinh trả lời 4 câu hỏi phù hợp với 3 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các câu hỏi yêu cầu học sinh khai thác các lớp nội dung của đoạn trích.  Ngữ liệu được đánh giá gần gũi, dễ hiểu, thiết thực với nhận thức của học sinh.

Những vấn đề về môi trường tự nhiên, về sự khác biệt về màu da, không gian văn hóa; văn hóa sống tôn trọng sự khác biệt để xây dựng một cuộc sống hòa bình, phát triển thịnh vượng luôn là mục tiêu của bất cứ quốc gia, dân tộc nào đặc biệt trong xã hội hiện đại ngày nay.

Từ một vấn đề thiết thực nêu trên học sinh trình bày cách hiểu và thể hiện kiến giải và bộc lộ quan điểm cá nhân. Ngữ liệu gây được sự thích thú và câu hỏi kích thích học sinh thể hiện hiểu biết và cái Tôi của mình.  Phần thứ 2: Phần Làm văn. Câu hỏi nghị luận xã hội từ nội dung đoạn đọc hiểu, thí sinh viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống. Vấn đề được bàn khá cụ thể, cần thiết với mỗi cá nhân tồn tại trong xã hội.

Trong đoạn văn 20 dòng, thí sinh chỉ cần làm rõ vai trò quan trọng làm nên "sự cần thiết" của tinh thần hợp tác như thế nào. Trong quá trình viết cần lấy dẫn chứng cụ thể, xác đáng; luận điểm sáng rõ, mạch lạc, rõ ràng sẽ thuyết phục giám khảo chấm. Trong bất cứ thời đại nào, bất cứ ai, khi con người hiểu được vai trò cấp thiết của tinh thần hợp tác để cùng phát triển, xây dựng một xã hội đoàn kết, lành mạnh, nhân văn thì họ sẽ dễ dàng đạt được thành công hơn bất cứ ai.

Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh cảm nhận về đoạn trích trong bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng. Trong câu nghị luận văn học có một ý hỏi phụ từ việc cảm nhận đoạn thơ, thí sinh nhận xét cảm hứng lãng mạn trong đoạn thơ. Đây là ý hỏi có tính phân loại đối với học sinh khá giỏi môn Văn.

Để giải quyết triệt để yêu cầu này, học sinh cần hiểu được các khái niệm lãng mạn là gì, về phong cách thơ Quang Dũng. Quang Dũng là nhà thơ đa tài; thơ ông vừa hồn nhiên, tinh tế vừa mang vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn.

Dấu ấn lãng mạn thể hiện rõ nhất trong những hoài niệm về tình quân dân; bức tranh Tây Tiến rực rỡ ánh sáng và sôi động bởi lời ca, điệu nhạc. Bức tranh thiên nhiên và con người trong hoài niệm quá khứ bằng thơ được tạo nên với xúc cảm ngôn từ đầy chất họa, chất nhạc, chất thơ khiến cảnh vật như có hồn, dệt nên nét duyên ngầm, đầy tình tứ đắm say của thiên nhiên và con người Tây Bắc.

Đây là một trong những đoạn thơ hay nhất và thể hiện rõ nét nhất chất lãng mạn bay bổng, tinh tế của hồn thơ "xứ Đoài mây trắng".

Với cấu trúc đề và hệ thống câu hỏi phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh, dự đoán đa số thí sinh sẽ đạt từ điểm trung bình trở lên. Phổ điểm 6.0-7.0 chiếm đa số.

Những thí sinh giỏi Văn sẽ đạt điểm từ 8.0 - 9.0, thậm chí trên 9 nếu kiến thức lí luận chắc chắn và có những kiến giải độc đáo, thú vị; tuy nhiên số lượng này không nhiều.

Đề thi và dự đoán điểm thi đều có tính phân hóa cao. Môn Ngữ văn thi đầu tiên và mang lại hứng khởi rất lớn cho đại đa số thi sinh. 

Thí sinh nhận định đề thi dễ

Tại Đắk lắk, thí sinh Hoàng Minh Quân (trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Cư M'gar) cho biết, đề thi môn Ngữ văn tương đối dễ, không quá khó so với đề thi THPT đợt 1.

Em Quân cho biết, trong các câu hỏi, em thích nhất câu hỏi nhận định "Thật ra, bạn luôn ở nhà mình ngay cả khi bạn đang đứng ở bất kỳ vị trí nào trên hành tinh này" nói về việc luôn chăm sóc, giữ gìn mái nhà chung của thế giới.

"Qua các câu hỏi em đã thể hiện được những suy nghĩ, quan niệm của bản thân về các vấn đề chung của thế giới. Do đó, em rất tâm đắc những câu hỏi này và hi vọng mình sẽ đạt được điểm số như mong muốn", Quân chia sẻ.

Thi tốt nghiệp đợt 2: Sự lãng mạn của bài thơ Tây Tiến vào đề thi Ngữ văn - 2

Thí sinh tranh thủ xem lại bài sau môn thi đầu tiên.

Riêng đối với thí sinh H'Nhiên Byă (trường THPT Buôn Đôn) lại tâm đắc nhất với câu hỏi về "sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống" của phần làm văn.

"Theo cá nhân em, hiện tại tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại Việt Nam và toàn thế giới. Chính vì vậy, sự ý thức, hợp tác và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của mỗi người đều rất quan trọng để chống lại dịch bệnh đang hoành hành và em có liên hệ thực tế này để áp dụng trong bài viết của mình", em H'Nhiên nói thêm.

Thi tốt nghiệp đợt 2: Sự lãng mạn của bài thơ Tây Tiến vào đề thi Ngữ văn - 3

Đa số thí sinh nhận xét đề thi môn Ngữ văn không quá khó.

Kết thúc môn thi đầu tiên, các thí sinh di chuyển về ký túc xá của trường THPT Buôn Đôn và được các giáo viên bố trí ăn uống, nghỉ ngơi để chuẩn bị các môn thi kế tiếp.

Kỳ thi THPT đợt 2 tại Hội đồng thi Đắk Lắk có 16 thí sinh đăng ký dự thi, ở môn Ngữ văn có 10 thí sinh dự thi.

Tại Bình Định: Hơn 2.500 thí sinh tại thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) hoàn thành môn thi đầu tiên Ngữ văn sáng nay 6/8.

Theo ghi nhận, công tác phòng chống dịch bệnh tại các điểm thi được chú trọng thực hiện. Các phòng thi được bố trí ngồi giãn cách theo quy định.

Thi tốt nghiệp đợt 2: Sự lãng mạn của bài thơ Tây Tiến vào đề thi Ngữ văn - 4

Thí sinh tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định làm bài thi môn Ngữ văn.

Kết thúc môn thi, em Đỗ Phương Uyên, Trường THPT chuyên Chu Văn An, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, chia sẻ: "Đề thi đợt 2 cũng không ngoài dự đoán của em, song có một đoạn văn trong bài hơi bất ngờ và khó phân tích". 

Trong khi đó, bạn Diễm Quỳnh, chia sẻ: "Do phải lùi qua thi đợt 2 nên tâm lý chúng em ban đầu có hơi lo lắng. Tuy nhiên, chúng em có lợi thế là biết đề thi lần trước nên có định hướng ôn tập.

Em cảm nhận đề thi đợt 2 này vừa sức, đặc biệt câu hỏi về tinh thần hợp tác trong cuộc sống. Em nghĩ câu này liên tưởng đến thực tế hiện tại, khi đất nước đang sống trong tình dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Bởi vậy, nếu trong chúng ta không có sự hợp tác thì sẽ không thể dập dịch được, không hợp tác sẽ không có thành công".

Thi tốt nghiệp đợt 2: Sự lãng mạn của bài thơ Tây Tiến vào đề thi Ngữ văn - 5

Thí sinh Bình Định thở phào sau kết thúc bài thi môn Ngữ văn.

Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, giáo viên dạy văn Trường THPT Tăng Bạt Hổ (thị xã Hoài Nhơn) nhận định: Đề thi này cũng không nằm ngoài dự kiến ban đầu, có nhiều học sinh đã định hướng được đề thi ra. Tuy nhiên, làm tốt hay không lại là năng lực diễn đạt, cảm nhận của các em chứ không phải đề khó hay dễ.

"Theo tôi đề thi Ngữ văn đợt 2 có phần dễ hơn đề so với đề thi đợt một. Đề thi đợt một câu hỏi phần lý thuyết hơi khó, còn đề lần này ra cụ thể hơn dễ có điểm. Phổ điểm đợt một tầm 6-7 là chủ yếu, thì đợt 2 có thể phổ điểm sẽ tập trung ở khoảng 6,5-7,5 điểm", Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Oanh chia sẻ.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, trong buổi thi môn Ngữ văn có 5 thí sinh bỏ thi.

Phổ điểm thi sẽ ở tầm 7 - 8 điểm

Tiến sĩ Phạm Hữu Cường - giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn đợt 2 năm 2021 có cấu trúc và yêu cầu về kiến thức, kĩ năng tương đương đề thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn lần 1 năm 2021. Đề thi có khả năng đánh giá được năng lực người học, thông qua yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Đề thi bám sát chương trình THPT, nhất là chương trình Ngữ văn 12. Độ dài các câu tương đối hợp lý. Yêu cầu về mức độ kiến thức và kĩ năng trong đề thi khá cơ bản, phù hợp với học sinh có học lực trung bình và khá. Các câu trong đề nhìn chung được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo được việc kiểm tra kiến thức và kĩ năng ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Đề thi cũng ít câu hỏi mở, khả năng phân loại thí sinh chưa cao, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Ngữ liệu đọc hiểu tương đối hay và có tính thời sự, đề cập đến mối quan tâm chung của nhân loại. Trong đề thi các câu hỏi ở phần đọc hiểu khá cơ bản, không khó đối với học sinh có học lực trung bình trở lên. Các em chỉ cần đọc kĩ văn bản, vận dụng các kĩ năng đọc hiểu thông thường là có thể hoàn thành tốt các câu hỏi này, Vì vậy, ở phần đọc hiểu, sẽ khá nhiều thí sinh đạt được từ 2 đến 2,5 điểm, thậm chí đạt điểm tối đa.

Câu nghị luận xã hội không khó và khá quen thuộc, ít có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh. Ở câu này, học sinh có học lực trung bình và khá có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề bài, nên việc đạt được 1,5/2 điểm cũng là trong tầm tay.

Thầy Cường cho rằng, là câu có nhiều "chất văn" hơn cả, câu nghị luận văn học (câu 2, phần II) có thể khơi gợi được ít nhiều hứng thú làm bài của học sinh. Các em chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kĩ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học của mình là có thể hoàn thành được phần lớn yêu cầu của đề. Ở câu này, yêu cầu "nhận xét về cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ" giúp phân hóa trình độ thí sinh.

Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu mà học sinh đạt được sẽ vào khoảng 7-8 điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm