Thí sinh gặm bánh mì, "lều chõng" thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm

Mỹ Hà

(Dân trí) - Sáng 6/5, hàng nghìn thí sinh và phụ huynh từ Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ…, lỉnh kỉnh đồ đạc đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.

Lỉnh kỉnh đi thi từ 4h sáng

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Tứ (Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết, từ 4h sáng hai bố con đi từ nhà lên Hà Nội.

Hai bố con ăn sáng và tìm đường lên trường ngồi chờ đến giờ thi. Đây là trường đầu tiên con dự thi nên ông Tứ dặn con bình tĩnh, tự tin để có kết quả tốt nhất.

Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 1

Chị Hương và ông Tứ (giữa) chờ con ngoài trường thi (Ảnh: M.H).

Chị Nguyễn Thị Hương (Quảng Ninh) cũng đưa con gái Phạm Hương Giang lên Hà Nội từ hôm trước để tham dự kỳ thi. Chị cho biết, từ 13h30 ngày 5/5, hai mẹ con bắt ô tô khách từ nhà lên Hà Nội nhưng loay hoay mãi 18h chị mới tìm được đến gần trường.

"Hai mẹ con thuê nhà trọ cách trường khoảng 2km, ngủ một đêm để sáng nay đi thi. Nói ngủ chứ thực ra từ 3 rưỡi sáng, hai mẹ con đã lọ mọ dậy vì thắc thỏm, sốt ruột không ngủ tiếp được nữa", chị Hương nói.

Em Phùng Nguyễn Bảo Châu, học sinh Trường THPT Sáng Sơn 2 (Vĩnh Phúc) cho biết, 4h sáng, em và 3 bạn cùng trường đi ô tô từ Vĩnh Phúc, khoảng 5h30 xuống đến Hà Nội.

Kỳ thi này, Bảo Châu dự thi môn ngữ văn và lịch sử với nguyện vọng vào Khoa Sư phạm ngữ văn của trường.

Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 2
Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 3
Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 4
Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 5

 Hình ảnh thí sinh trong phòng thi (Ảnh: M.H). 

Châu cho biết, để tham gia kỳ thi này, em phải viết đơn xin nhà trường tạm lùi lịch thi môn cuối cùng của kỳ thi khảo sát chất lượng lớp 12 mà Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đang tổ chức cho học sinh ở đây.

Ngoài việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Châu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay để xét vào Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Giáo dục của ĐH Quốc gia Hà Nội vì muốn theo truyền thống nhà giáo của gia đình.

Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 6

Thí sinh vội vã gặm bánh mì trước khi vào phòng thi (Ảnh: M.H).

Cũng theo thí sinh này, để chuẩn bị cho kỳ thi, em ôn thi theo cấu trúc đề thi THPT, trong đó phần trắc nghiệm Châu tham khảo thêm đề thi của một số trường xung quanh để làm.

Phần tự luận, ở trường thầy cô cũng kèm nhiều nên các em khá quen thuộc khi làm các bài kiểm tra 15 phút, một tiết.

"Em tham gia các khóa học thêm bên ngoài về môn lịch sử và "cày" thêm đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Lần đầu tiên tham gia kỳ thi lớn như thế này nên em khá sốt ruột, không ngủ được", Bảo Châu tâm sự.

Ở ngoài trường thi, chị Phạm Thị Tâm, phụ huynh đến từ Kim Môn, Hải Dương cố chợp mắt một lát.

Chị cho biết, hai mẹ con đi tàu hỏa lên Hà Nội từ đêm qua và sáng nay bắt xe ôm từ nhà người quen đến trường thi.

"Từ khi bị Covid-19 lần hai đến nay, sức khỏe con giảm sút nhưng gia đình không quá đặt nặng kết quả để cháu có tâm lý thoải mái trước kỳ thi", chị Tâm cho biết.

Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 7
Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 8
Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 9
Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 10

Phụ huynh lỉnh kỉnh đồ đạc chờ con ngoài phòng thi (Ảnh: M.H). 

Công bố kết quả vào tháng 6

Được biết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có số thí sinh gấp đôi so với năm ngoái.

Cụ thể, số thí sinh dự thi vào trường là 4.667, trong đó có 2.912 thí sinh thi toán; 2.876 thí sinh thi ngữ văn; 2.248 thí sinh thi tiếng Anh; 902 thí sinh thi vật lí; 832 thí sinh thi hóa học; 88 thí sinh thi sinh học; 1.010 thí sinh thi lịch sử; 289 thí sinh thi địa lí.

Kỳ thi độc lập đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay có 5 điểm thi: Trường THPT Chuyên Sư phạm; Nhà K trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành; nhà C Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và điểm thi Trường Đại học Quy Nhơn.

Kết quả bài thi được 8 trường Đại học công nhận bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Quy Nhơn.

Trao đổi với PV sáng 6/5, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc tuyển chọn các giáo viên tốt trong tương lai là trọng trách của các trường Sư phạm.

Do đó, sau nhiều năm nghiên cứu, nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và hiện tại có 8 trường sử dụng chung kết quả này.

Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 11
Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 12
Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 13

Phụ huynh thấp thỏm chờ đợi ngoài phòng thi (Ảnh: M.H).

Cũng theo GS Minh, đối với một kỳ thi, việc quan trọng đầu tiên là ngân hàng đề và chuẩn hóa đề, sau kỳ thi năm ngoái đến nay, nhà trường đã hoàn thiện điều này.

Trường đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo hướng chuẩn hóa.

Điểm khác biệt trong kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm so với các trường khác là chia ra từng môn thi (8 môn).

Cấu trúc các bài thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học mà các em đã từng quen ở cấp THPT. Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60 đến 90 phút.

Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận. Điều này phù hợp một trong những yêu cầu của thí sinh khi vào trường là phải có kĩ năng cơ bản, phải có những trình bày, biện luận cơ bản.

Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh gặm bánh mì, lều chõng thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm - 14

Sinh viên tình nguyện hướng dẫn thí sinh vào phòng thi (Ảnh: M.H).

Lý giải về điều này, GS Minh cho rằng, học sinh ở phổ thông hiện chủ yếu thi trắc nghiệm nên nhà trường không thay đổi đột ngột sẽ khiến các em sốc.

Do vậy đề thi có phần tự luận bởi sau này đi dạy, các em phải diễn đạt cho người khác hiểu được.

Và tự luận là một trong các yếu tố ban đầu cho chúng tôi biết, các em có thẻ diễn đạt cho người khác hiểu không", GS Minh cho hay.

Đơn vị này sử dụng đội ngũ chấm thi là giảng viên của 23 khoa đào tạo và giáo viên của 3 trường THPT trực thuộc.

Đội ngũ cán bộ chấm thi có kinh nghiệm nhiều năm chấm thi học sinh giỏi các cấp, chấm thi tốt nghiệp THPT, chấm thi tuyển sinh đại học và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Trong đó, nhiều cán bộ, giảng viên đã tham gia chấm thi học sinh giỏi quốc tế (Olympic Toán, Sinh học, Hóa học, Vật lý).

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đầu tháng 6 tới, nhà trường sẽ công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm