Thí sinh đăng ký 99 nguyện vọng xét tuyển đại học: Tự gây khó cho bản thân!
(Dân trí) - Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng nhưng theo các chuyên gia tuyển sinh, việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng sẽ gây khó cho chính bản thân thí sinh.
Hôm qua, 11/5, thông tin từ Bộ GD&ĐT cho thấy kết thúc ngày đăng ký nguyện vọng cuối cùng theo hình thức trực tiếp, theo đó, có thí sinh đăng ký 72 nguyện vọng, 80 nguyện vọng, đặc biệt có thí sinh đăng ký nhiều nhất lên đến 99 nguyện vọng. So với những năm trước thì kỷ lục của năm nay đã vượt rất xa (những năm trước nhiều nhất là 50 nguyện vọng).
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng với các ngành khác nhau vào các trường đại học khác nhau là không cần thiết và không nên. Khi thí sinh đăng ký vào quá nhiều ngành khác nhau, sự tập trung vào ngành học, khối thi của thí sinh sẽ bị phân tán.
PGS. TS Đỗ Văn Dũng, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, hiện nay, sự chênh lệch ngành nghề giữa các trường ĐH đang rất lớn. Có những ngành sinh viên học xong ra trường không xin được việc. Chính vì vậy, theo PGS. Đỗ Văn Dũng, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ khi đăng ký nguyện vọng, chỉ nên đăng ký từ 10 nguyện vọng trở xuống. Mặc dù, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, nhưng nếu có đăng ký đến 100 nguyện vọng thì lệ phí cũng chỉ mất 2,5 triệu đồng.
"Lệ phí đăng ký không tốn bao nhiêu, nhưng điều quan trọng nhất nếu đăng ký để bằng mọi giá đỗ được vào đại học, sau một thời gian học thấy không hợp phải thi lại, hay sau 4 năm ra trường rồi mới hối hận thì những thiệt hại về kinh tế, về thời gian không thể bù đắp được", PGS Dũng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo PGS Dũng, đăng ký nhiều nguyện vọng với mục đích bằng mọi giá đỗ được vào ĐH là rất nguy hiểm và thật sự không nên.
TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, không nhất thiết phải đăng ký nhiều nguyện vọng như thế vì sẽ gây rối cho thí sinh. Ông cho rằng, chỉ nên đăng ký 5 nguyện vọng. Quan trọng là ở lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi thí sinh thi xong. Vì lúc đó, thí sinh đã có điểm để lựa chọn.
Còn TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học Viện Tài chính, thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng có thể là do tâm lý muốn vào học bằng được một trường ĐH nào đó nên đăng ký hết cả mã ngành của trường đó. Ngành học của nhiều trường ĐH hiện nay lên đến vài chục mã làm các em khó xác định. Các em chỉ cần đăng ký khoảng 3 , 4 trường là hết 99 nguyện vọng.
Do vậy, TS. Nguyễn Đào Tùng khuyên thí sinh cần xác định rõ lĩnh vực mình thích là kỹ thuật, kinh tế, hay nghệ thuật, ...sau đó tìm 3 trường mức độ cao, trung bình, trung bình thấp phù hợp với lực học của mình đăng ký sẽ giảm được số nguyện vọng. Bên cạnh đó cần có người hiểu tư vấn giúp em chọn nghề.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trong thời gian qua, khi cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 2-3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít.
Hiện nay thí sinh vẫn còn đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến đến ngày 16/5.
Theo hướng dẫn tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng phương thức trực tuyến phải tự nhập các nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên Hệ thống và được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký trong thời gian quy định (được kéo dài thời gian hơn so với đăng ký bằng phiếu).
Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng phiếu không được thay đổi nguyện vọng đăng ký sau khi điểm tiếp nhận nhập lên hệ thống và đã xác nhận; không thực hiện được đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến.