Thầy hiệu trưởng đuổi theo xe khách gần 100km "bắt" học trò
(Dân trí) - Sau Tết, học sinh trốn học, vào rừng, lên rẫy, các thầy, cô giáo phải đi "bắt" học sinh. Thậm chí, hiệu trưởng đuổi theo xe khách gần 100km để đưa học trò trở lại lớp.
Giáo viên đi "bắt" học trò
Sáng sớm, trên chiếc xe máy cũ kỹ, cô giáo Hồ Thị Khánh Hòa, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), cùng đồng nghiệp lại tất tả vào các bản làng của người Mã Liềng.
Ở xã Lâm Hóa, người Mã Liềng sống tập trung tại 3 bản: Kè, Cáo và Chuối với hơn 150 hộ, khoảng 650 nhân khẩu. Nhờ sự trợ giúp từ các chương trình, dự án, người Mã Liềng đã quen dần với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, những tập tục lạc hậu vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của họ vẫn rất khó thay đổi, đặc biệt là nhận thức về chuyện học hành của con cái.
Cô Hòa và các giáo viên của nhà trường hài hước chia sẻ, sau Tết thầy cô lại hành quân đi "bắt" học trò. Bởi lẽ, sau thời gian nghỉ dài, học sinh trốn học, theo bố mẹ lên rừng, lên rẫy không chịu đến lớp không còn là chuyện hiếm ở xã vùng cao này.
Theo cô Hòa, học sinh của nhà trường lớp 1-5 sẽ học tại các điểm lẻ, riêng học sinh lớp 6-9 về học bán trú tại điểm trường trung tâm. Năm nào cũng vậy, sau Tết, các thầy, cô giáo phải phân công nhau về các bản để vận động vì các học sinh người Mã Liềng không chịu ra lớp.
"Sau Tết hay nghỉ hè đều vậy, các em không chịu đến lớp, nhiều em đi vào rừng, vào rẫy cả tuần liền không về nên các thầy cô phải "cắt rừng, băng suối" đi tìm. Có nhiều em thấy thầy cô là lại bỏ trốn, nhiều khi chúng tôi còn phải phục "bắt", chở bằng được các em đến trường", cô Hòa chia sẻ.
Các giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa chia sẻ, khó khăn nhất trong việc vận động học sinh ra lớp là các bậc cha mẹ không hợp tác. Có những trường hợp, thầy, cô phải đi 5-7 lần vẫn không thuyết phục được.
"Thầy cô cứ chia nhau đến nhà tìm, không thấy thì lên rừng, lên rẫy, quyết tâm phải đưa các em về trường. Nhận thức của các em và phụ huynh còn hạn chế nên thầy cô phải khéo léo. Chúng tôi cũng hay mua quà, kẹo bánh đầu năm để "phỉnh" học trò đến lớp, thế nhưng được bữa đầu, sang bữa sau các em lại trốn mất", cô Nguyễn Thị Xuân, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa kể.
Đuổi theo xe khách ngăn học trò bỏ học trốn vào Nam
Có dịp theo chân các thầy, cô vào bản vận động học sinh sau Tết, chúng tôi mới thấu hiểu những gian nan mà các thầy, cô nơi đây đang trải qua. Việc vận động học trò đến lớp như "cuộc chiến" trường kỳ.
Việc vận động học sinh trở lại trường để đảm bảo sỹ số những ngày sau Tết đã vất vả, thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa còn thấp thỏm nỗi lo khi có nhiều học sinh lớp 8, 9 luôn chực chờ bỏ học đi làm thuê.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa cho biết, hiện nay nhà trường có khoảng 7 em có tư tưởng sẽ nghỉ học giữa chừng. Sợ thầy cô "bắt" về trường, các em thường trốn sang các xã khác rồi lặng lẽ bắt xe vào thành phố xin làm thuê, thậm chí nhiều em đã bỏ học vào miền Nam.
Hai trong số những học sinh khiến các thầy cô Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa "đau đầu" là chị em sinh đôi Hồ Thị Thể và Hồ Thị Thuyên, trú bản Cáo.
Thể và Thuyên đang là học sinh lớp 9, trước đây đã từng bỏ học rồi cùng nhau bắt xe vào TPHCM xin làm thuê. Một phần vì không muốn các em nghỉ học giữa chừng, phần nữa lại thương học trò hiểu biết hạn chế, đưa nhau vào miền Nam lại bị lừa lọc, bóc lột lao động nên thầy cô đã tìm mọi cách để đưa các em trở về quê.
"Với em Thể và Thuyên, đến nhà dò hỏi thì phụ huynh không chịu nói, thầy cô và trưởng bản, cán bộ xã vận động mãi mới lấy được thông tin. Sau đó chúng tôi đã nhờ người quen ở TPHCM tìm đến địa chỉ học trò đang tạm trú, đưa các em ra bến xe và gửi nhà xe quen đưa về quê, tiếp tục đi học", thầy Tâm chia sẻ.
Cũng theo thầy Tâm, sau đợt nghỉ Tết Quý Mão, em Hồ Thị Thể lại tiếp tục bỏ học, bắt xe vào Nam. Biết được thông tin, thầy hiệu trưởng đã phải xin số nhà xe, đuổi theo gần 100km để khuyên ngăn và chở em Thể về trường để học tập cùng các bạn. Thầy Tâm chia sẻ, thiếu học sinh, đặc biệt là các em học sinh Mã Liềng không đơn giản là chuyện phổ cập, chỉ cần thiếu một em là các em khác rất dễ bỏ học theo.
Năm học 2022-2023, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa có 84 học sinh, trong đó 50 học sinh là con em đồng bào dân tộc. Với sự nỗ lực của các thầy, cô giáo và chính quyền địa phương, trong những ngày qua, đã có hàng chục em được vận động, trở lại trường học. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số lượng học sinh đến trường sau Tết còn vắng khoảng 10 em.
"Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục huy động toàn trường, từ hiệu trưởng, hiệu phó, các giáo viên đến từng bản, ra tận nương rẫy đưa học trò về trường, đảm bảo sỹ số trong những ngày tới, đồng thời nắm bắt, khuyên can không để các em bỏ học đi làm thuê.
Hiện nay học sinh của nhà trường đang được hỗ trợ chế độ bán trú với 3 bữa ăn/ngày. Để thay đổi nhận thức của cả một thế hệ con em người Mã Liềng về việc học, đòi hỏi sự miệt mài và tâm huyết của những người theo nghiệp gieo chữ. Chúng tôi hiểu rõ điều đó và cố gắng phấn đấu từng ngày, từng năm học...", thầy Nguyễn Hữu Tâm nói thêm.