Thầy giáo ở Đồn Biên phòng 473
(Dân trí) - “Từ khi có thầy giáo bộ đội biên phòng đến, bà con ở bản ta nhất là con em trong bản học chữ của thầy giáo giờ đã biết đọc, biết viết, biết cách làm ăn…”
Xoá bỏ quan niệm: “Cái chữ không làm no được cái bụng, không biết chữ cũng chẳng sao”
Xuân Nha, huyện Mộc Châu, Sơn La là 1 một xã biên giới, các tuyến đường liên bản đi lại rất khó khăn, vận chuyển chủ yếu bằng sức người, sức ngựa, dân cư sống phân tán, chủ yếu là dân tộc thiểu số. Đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, một số bản trắng chưa có lớp vì thiếu giáo viên nhất là các bản đồng bào Mông. Được Ban chỉ huy Đồn Biên phòng và Hội Khuyến học giao nhiệm vụ làm công tác xoá mù chữ kết hợp với công tác địa bàn, anh Đỗ Văn Lời rất phấn khởi song cũng rất lo lắng.
Anh Lời tâm sự: “Do phong tục, tập quán của đồng bào Mônh nên nhiều người còn quan niệm “Cái chữ không làm no được cái bụng, không biết chữ cũng chẳng sao”. Già làng làm được nhiều việc tốt như vậy mà đâu cần đến cái chữ” nên thay đổi được phong tục này rất khó. Bên cạnh đó, để mở lớp học thật khó vì cơ sở vật chất chưa có, bản thân tôi chưa qua lớp bồi dưỡng kiến thức Sư phạm, tiếng dân tộc còn hạn chế nên tôi rất lo”.
Với suy nghĩ mình phải làm được điều gì đó để góp phần giúp mọi người thoát khỏi cảnh mù chữ, để mọi người trong bản ai cũng biết học, biết viết, lúc đó công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ được thuận lợi, bà con dần có kiến thức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần ổn định cuộc sống.
Anh Lời đã cùng tập thể Đội Biên phòng chủ động xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương mở lớp dạy xoá mù chữ cho bà con các bản người Mông trong xã. Lớp đầu tiên dạy xoá mù chữ trong điều kiện trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp. Anh Lời đã bàn bạc cùng các đồng chí trong tổ công tác và bà con địa phương, làm nhà, đóng bàn ghế, bảng đen.
Có lớp học rồi anh Lời và anh em trong tổ công tác đã kết hợp với già làng, trưởng bản vận động từng gia đình cho con em tới lớp học.
Phần thưởng đáng quý nhất đó là tấm lòng
Sau một thời gian học, nhiều học sinh và các cụ già tâm sự “Từ khi có thầy giáo Bộ đội biên phòng đến ở tại bản ta, bà con ở bản ta nhất là con em trong bản học chữ của thầy giáo giờ đã biết đọc, biết viết, biết cách làm ăn, bà con rất tin tưởng vào người chiến sĩ biên phòng, nên mọi việc từ ma chay, cưới xin, ốm đau thường đến hỏi thầy giáo Lời”.
Sau một thời gian vất vả, kiên trì bám dân, đến nay anh Lời đã tham mưu cho Ban Chỉ huy Đồn mở và dạy được 14 lớp, gồm 424 học sinh, trong đó có 3 trưởng bản. Với những thành tích này, anh Lời đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Sơn La và Hội Khuyến học Sơn La. Ngày 24/9 tới, anh vinh dự được là đại biểu của tỉnh Sơn La đi dự Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội.
Hồng Hạnh (ghi)