Thất học vẫn nuôi con thành tài

"Đời tui thất học, nhà lại quá nghèo nên muốn con cái phải biết cái chữ để sau này...", ông Đặng Bá Nghị, người nông dân già ở heo hút thôn 5, Tam Vinh (Phú Ninh) hơi ngập ngừng đôi chút khi nói về những nỗi cơ cực hàng chục năm qua mà vợ chồng ông chịu đựng.

Nhưng với người đàn ông 63 tuổi này, niềm vui vì con cái học hành thành đạt đã che lấp hết thảy mọi buồn phiền cơ cực. Sáu đứa con thì hết 3 người đã học qua Trường đại học Tổng hợp Huế, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, 3 người còn lại theo học trung cấp, cao đẳng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một người trong số họ đang học tiếp đại học ở TPHCM. "Hồi trước khổ lắm! Làm lúa thì bán lúa non, làm đậu cũng "bán" từ khi chưa nhổ về nhà, còn tiền mặt thì cứ thường xuyên chạy đi mượn hoặc vay nóng. Cứ đến mùa thu hoạch là họ đến xúc hết lúa đậu. Mà họ chịu cho mượn là quý lắm rồi!" - bà Nguyễn Thị Tình, vợ ông Nghị, nhớ lại.

 

Ngày ông Nghị lên Tiên Phước làm thợ vôi thì ở nhà mọi việc đồng áng nặng nhọc đều đổ lên đôi vai gầy yếu của bà Tình. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh con cái nghèo, thời còn xuống thị xã học trung học chỉ mang theo gói mắm cái và ít muối đậu thì nước mắt ứa ra. Giành hết khổ cực về mình nên có chuyện cảnh nhà nông mà nhiều đứa con ông Nghị không biết cách ôm bó lúa ngoài ruộng, chỉ biết học và học.

 

"Nói thiệt, tui không có trình độ, nên hối thúc và "rèn" con học dữ lắm. Ba đứa đầu thậm chí thi đậu cùng lúc 3 trường đại học, sau đành chọn trường mô gần nhà cho đỡ tốn kém, chừ nghĩ lại thấy cũng hãnh diện!", ông Nghị khoe. Có điều đôi lúc nhớ lại cảnh chạy vạy ngày trước cũng hơi ái ngại. Nhất là lúc người con thứ hai Đặng Quốc Khanh (sinh năm 1973) học Đại học Bách khoa Đà Nẵng đột ngột về xin cha mẹ... 9 chỉ vàng để chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp.

 

Vét sạch tiền trong nhà chưa đủ trăm nghìn đồng, cả buổi trưa hai vợ chồng chạy gõ cửa khắp mọi nơi quen lẫn lạ, cả những nhà chưa trả xong nợ cũ. Mãi rồi cũng được 7 chỉ vàng dấm dúi cho con, trong đó có một người tự dưng cho mượn xấp xỉ 4 chỉ vàng mà không một chút đòi hỏi nào khiến lòng ông Nghị ấm mãi đến bây giờ. Chuyện vừa chẵn mười năm rồi...

 

Chuyện nhà ông Nghị không phải là ngoại lệ ở đất học Tam Vinh, vùng quê nghèo khó có đến hơn 400 người theo học các trường cao đẳng, đại học chỉ tính trong vòng hai mươi năm trở lại đây thôi - một con số khó hình dung nổi. Người dân thôn 5 vẫn nhớ câu chuyện về bà Nguyễn Thị Hữu, cảnh nhà neo đơn chỉ hai mẹ con đùm bọc nhau, hằng ngày bà bán từng lon đậu nuôi con trai học đại học ngoài Đà Nẵng. Nhưng ngày con tốt nghiệp đại học thì ở quê bà cũng vừa tắt thở vì bệnh...

 

Cũng ở thôn 5, bà Trương Thị Sương (65 tuổi) chồng mất sớm, một mình nuôi 5 con, nay 3 con cũng vào được đại học. Anh em trong gia đình cứ phải nuôi nhau để "lớn", thậm chí có người vừa học vừa làm thuê kiếm thêm tiền. Phía bên mé tây kênh chính Phú Ninh, hằng ngày bà Nguyễn Thị Lý vẫn cặm cụi cùng chồng làm nông, tráng bánh tráng kiếm tiền nuôi hai con học Đại học Bách khoa và Đại học Kinh tế Đà Nẵng trong khi đứa con út đang học PTCS.

 

Duy nhất có một người phụ nữ đã "vắng mặt" trong câu chuyện cảm động đến rơi nước mắt ở Tam Vinh. Năm 1984, khi lên núi đốn củi, ông Đặng Minh Hải giẫm mìn, hỏng chân phải. 5 năm sau, vợ ông đột ngột mất trong một tai nạn, khi đứa con đầu mới học lớp 5 và con út vào mẫu giáo, mẹ già lại đau nặng. Từ đó đến nay, người đàn ông sắp vào tuổi sáu mươi này phải lao tâm khổ tứ nuôi 3 con trai ăn học đại học. Suốt ngày ông Hải làm quần quật ngoài đồng. Lúa, đậu, mè... cứ phải bán non, bò lớn "đổi" bò nhỏ lấy tiền gửi vô TPHCM cho con hằng tháng. Nhất là thời điểm năm 2000 khốn khó cùng cực khi mẹ già mất, con trai đầu sắp tốt nghiệp đại học, đứa thứ hai vừa đậu đại học. Nhưng rồi tình cảnh "gà trống nuôi con" ấy cuối cùng cũng kết thúc có hậu. Ông Hải thở phào bảo nợ nần, vàng bạc vay mượn trả suốt mười năm qua cũng vừa dứt.

 

Hai năm gần đây, ông mới nhẹ nhõm khi hai đứa con, Đặng Minh Phương (sinh năm 1978) và Đặng Minh Chương (sinh năm 1981) cùng theo học Đại học Bách khoa TPHCM đã ra trường, làm việc ở công ty tư vấn thiết kế Nhật Bản và Mỹ. Đứa con út Đặng Minh Phi (sinh năm 1983) đang học đại học năm thứ hai tại TPHCM, khoa Tin.

 

...Ngồi trong ngôi nhà cũ và vắng ở Tam Vinh, nhìn ông Hải thui thủi vào ra một mình, tôi thấy trỗi dậy niềm yêu kính lẫn thương cảm. Vắt kiệt sức lực cho con cái, giờ ông bảo rằng mình rất vui bởi thi thoảng nhận được tin con ở miền Nam gửi về, nhất là "thấy chúng nó cũng có chí ăn học, nghèo mà không nản"...

 

 

Theo Hứa Xuyên Huỳnh

Thanh Niên