Thanh Hóa: Hàng chục giáo viên lo lắng trước ngày trường giải thể
(Dân trí) - Theo kế hoạch, năm học 2018 - 2019, có 5 trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ phải giải thể theo đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Một trong những khó khăn lớn nhất là giải quyết nguyện vọng công tác của cán bộ, giáo viên các nhà trường thuộc diện giải thể.
Thanh Hóa hiện có 101 trường THPT công lập. Do nhiều nguyên nhân nên xu hướng học sinh (HS) THPT giảm mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều trường THPT có những bất cập, hạn chế.
Theo đó, một số trường có quy mô nhỏ, vị trí không phù hợp vì quá gần với trường khác trên địa bàn dẫn đến chồng chéo vùng tuyển sinh; một số trường còn nhiều phòng học bán kiên cố, thiếu phòng học bộ môn...
Thực trạng trên cũng làm ảnh hưởng đến việc bố trí cán bộ, giáo viên (GV) dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ, chất lượng giáo dục thấp, gây lãng phí cơ sở vật chất...
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”.
Theo đó, trong năm học 2018-2019, Thanh Hóa sẽ tiến hành giải thể 5 trường THPT công lập, gồm: Trường THPT Trần Khát Chân (Vĩnh Lộc), Triệu Sơn 6 (Triệu Sơn), Lê Văn Linh (Thọ Xuân), Đinh Chương Dương (Hậu Lộc), Tĩnh Gia 5 (Tĩnh Gia).
Thầy Phạm Thế Dũng - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Chương Dương cho biết: Năm học 2018-2019, nhà trường còn hơn 500 HS thuộc khối lớp 11 và 12. Hiện nhà trường đã sắp xếp hồ sơ, kiểm kê tài sản để phân bổ về các trường có tiếp nhận HS.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho HS, nhà trường sẽ chuyển HS về các trường THPT trên địa bàn huyện căn cứ theo vị trí địa lý. Riêng cán bộ, GV, căn cứ vào chỉ tiêu biên chế đã giao cho các trường THPT trên địa bàn huyện, nhà trường thành lập Hội đồng xét duyệt, giới thiệu GV, nhân viên về công tác tại đơn vị mới.
Còn tại trường THPT Lê Văn Linh (Thọ Xuân) có khoảng 480 HS lớp 11, 12. Số HS này sẽ được chia về các trường THPT trên địa bàn huyện. Nhà trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị sáp nhập HS, GV, trang thiết bị, cơ sở vật chất… theo đúng hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Qua khảo sát, các trường THPT trên địa bàn huyện Thọ Xuân đều đảm bảo cơ sở vật chất để tiếp nhận số HS từ trường THPT Lê Văn Linh. Trong đó, trường THPT Lê Hoàn, do cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên số HS chuyển từ trường THPT Lê Văn Linh sẽ vẫn học tạm tại trường cũ.
Việc thực hiện đề án nêu trên đang được tiến hành, tuy nhiên một trong những khó khăn lớn nhất là giải quyết nguyện vọng công tác của cán bộ, GV các nhà trường thuộc diện giải thể.
Theo Sở GD&ĐT, việc xét GV cần căn cứ vào tiêu chí quy định tại công văn số 1313/SGDĐT-TCCB, về hướng dẫn tiêu chí xét ưu tiên cho cán bộ, GV thuộc diện dôi dư và sáp nhập, giải thể; căn cứ điều kiện, hoàn cảnh thực tế của cán bộ, GV và phát huy tinh thần chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở bàn bạc tập thể, khách quan, dân chủ, hài hòa.
Tuyệt đối nghiêm cấm việc tạo dựng hồ sơ giả, khai báo hồ sơ không trung thực gây mất đoàn kết. Nếu phát hiện cán bộ, GV sử dụng hồ sơ giả hoặc khai báo không trung thực, sẽ xử lý, kỷ luật theo quy định.
Qua tìm hiểu được biết, sau khi sắp xếp đủ chỉ tiêu ở các trường THPT trên địa bàn huyện, trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc) còn 9 GV phải chuyển công tác đến các trường ngoài huyện.
Còn trường THPT Lê Văn Linh, có 48 cán bộ, GV, ngoài số GV đã được sắp xếp đến đơn vị mới, hiện trường THPT Lê Văn Linh còn 6 cán bộ GV không thể sắp xếp về các trường THPT trong huyện nên buộc phải bố trí công tác ra ngoài huyện.
Tâm lý chung của nhiều GV ở các trường thuộc diện giải thể rất lo lắng. Hiện nay, các nhà trường cũng đã gửi danh sách xét GV đến đơn vị mới công tác về Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, do chưa có quyết định giải thể trường nên GV cũng chưa nhận được quyết định về trường mới.
“Khi biết trường thuộc diện giải thể, chúng tôi rất buồn và lo lắng. Được sự động viên của nhà trường, cấp trên, đặc biệt là có văn bản nêu rõ việc thời gian điều động đến công tác ở đơn vị ngoài huyện, sau 24 tháng sẽ được bố trí trở về các trường THPT trên địa bàn huyện cũ, chúng tôi cũng yên tâm hơn. Nếu phải chuyển công tác đến một trường khác xa nhà, tôi phải đưa cả 2 con nhỏ đi theo. Sắp đến ngày tựu trường, tôi vẫn chưa nhận được quyết định chuyển về trường nào, vì vậy cũng chưa biết nộp hồ sơ xin học cho con ở đâu”, một GV chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Sau khi bố trí, sắp xếp GV tại 5 trường giải thể, còn 21 GV phải bố trí công tác ở các trường THPT ngoài huyện. Sau khi có Quyết định giải thể trường của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT sẽ có quyết định cho các cán bộ, GV thuộc 5 trường giải thể chuyển đến nhận công tác ở đơn vị mới.
Duy Tuyên