“Thả nổi” bậc học mầm non
(Dân trí) - Mầm non là bậc học có tỷ lệ học sinh ngoài công lập lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, khi được xã hội hoá nhiều nhất thì đây cũng là bậc học ngày càng lộ rõ sự nhộn nhạo và nhiều bất cập nhất.
Bậc học thiệt thòi
Hiện nay, ngân sách dành cho bậc học mầm non chiếm khoảng 4,5% ngân sách giáo dục (bằng 1/6 chi cho tiểu học), riêng với hệ ngoài công lập hầu như không được hưởng gì từ ngân sách này.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, mặc dù ngân sách đã ít như vậy nhưng về đến địa phương, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục mầm non ở nhiều địa phương còn thấp hơn nhiều do lãnh đạo các cấp và phụ huynh không nhận thấy vai trò quan trọng của bậc học này.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ, yếu kém trong giáo dục mầm non, đặc biệt là ở vùng kinh tế chậm phát triển, ở những địa phương có thu nhập thấp.
Cùng đó, chính sách giáo dục mầm non thiếu ổn định và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, không có ngân sách để thực hiện xây dựng mạng lưới cho vùng khó khăn. Đối với bậc học này, chưa có dự án, chương trình quốc gia nào kể cả đối với nhóm trẻ thiệt thòi...
Đối với việc không thể phổ cập tất cả bậc mầm non lứa tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi mà chỉ có thể phổ cập mầm non đối với trẻ lên 5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Mặc dù về lý thuyết, về tình cảm chúng ta muốn phổ cập tất cả các bậc học nhưng thực tế chỉ làm được từng bậc học theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng kinh tế của đất nước”.
Cũng theo ông Nhân, từ trước đến nay, Nhà nước chi cho giáo dục mầm non từ 1 tuổi đến 5 tuổi, mỗi lứa tuổi chi một ít nhưng không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, ngành giáo dục xác định, trong tình cảnh thiếu kinh phí cho giáo dục mầm non như vậy, lứa tuổi 5 tuổi là quan trọng nhất để chuẩn bị cho các em đi học lớp 1, nhất là đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số nên đã đề nghị chuyển trọng tâm đầu tư, thay vì dùng tiền nhà nước rải đều từ 1-5 tuổi thì tập trung cho trẻ 5 tuổi, đảm bảo tất cả trẻ 5 tuổi được đi học, có đóng học phí nhưng vùng nào quá khó khăn thì không phải đóng.
“Tất nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế; sau này, khi kinh tế đất nước phát triển hơn, sẽ phổ cập tiếp trẻ 4 tuổi, 3 tuổi…” - ông Nhân khẳng định.
Đang đánh mất ý nghĩa của việc xã hội hoá?
Vì chỉ được rất ít kinh phí của Nhà nước nên đối với giáo dục mầm non, sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực này là rất nổi bật. Mầm non là bậc học duy nhất hiện nay mà tỷ lệ học sinh ngoài công lập gần đạt chỉ tiêu định hướng đến năm 2010 là 80%. Tuy nhiên, khi được xã hội hoá nhiều nhất thì đây cũng là bậc học càng ngày càng lộ rõ sự nhộn nhạo và nhiều bất cập nhất.
Đối với các loại hình mầm non tư thục, Nhà nước đã cho phép đơn vị/cá nhân mở trường được quyền hoàn toàn chủ động về việc thu phí. Song, dịch vụ giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non không phải là loại dịch vụ hàng hóa bình thường.
Do đó, Bộ GD-ĐT phải thay mặt người dân thiết lập hệ thống đánh giá chất lượng của dịch vụ đó, và công bố chất lượng các dịch vụ để người dân lựa chọn. Dịch vụ nào không đảm bảo đủ các tiêu chuẩn phải đóng cửa. Nhưng, hiện nay Bộ GD-ĐT lại chưa có cách nào để thực hiện rốt ráo và bài bản cho những yêu cầu này.
“Xã hội hóa giáo dục mà không có đánh giá chất lượng coi như không có quản lý Nhà nước. Chúng ta phải thừa nhận đây là sự yếu kém của những người mới làm kinh tế thị trường” - ông Nhân đã thành thật bày tỏ.
Rõ ràng, nếu không có cơ chế mạnh từ phía Bộ GD-ĐT và cả từ Chính phủ thì việc xã hội hoá giáo dục nói chung và bậc mầm non nói riêng sẽ bị đánh dần mất ý nghĩa khi các hoạt động của nó đang bị sự chi phối quá nặng của mục tiêu lợi nhuận.
Mai Minh