Tết này, bà con Khmer ở Đầm Dơi có thêm niềm vui mới

(Dân trí) - “Các chương trình hỗ trợ của Trung ương giúp đồng bào Khmer huyện Đầm Dơi cải thiện dần cuộc sống, 95% con em dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đến trường, đời sống đồng bào ổn định”, bà Huỳnh Kiều Oanh - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Đầm Dơi (Cà Mau) khẳng định.

Con em đồng bào Khmer được hỗ trợ tiền đò đến trường

Có gần 1.800 hộ đồng bào Khmer sinh sống, Đầm Dơi là một trong 4 địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại Cà Mau. Nhờ hỗ trợ của Trung ương nên từ năm 2009 đến nay, trên 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện này được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, dụng cụ sản xuất, học nghề gắn với giải quyết việc làm; gần 1.000 lượt hộ khác ở xã Tân Duyệt và Thanh Tùng được hỗ trợ trực tiếp hàng trăm triệu đồng để mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ cho sản xuất; nhiều học sinh là con em đồng bào Khmer được hỗ trợ tiền đò đến trường cả năm học. Các lớp dạy chữ hè hàng năm còn giúp trên 370 con em đồng bào Khmer ở các xã Thanh Tùng, Ngọc Chánh và Tân Duyệt theo học, đọc - nói - viết cơ bản chữ Khmer.

Đường giao thông nông thôn sạch đẹp giúp các em học sinh 
Đường giao thông nông thôn sạch đẹp giúp các em học sinh thuận lợi đến trường.

Bà Oanh thông tin, Ðầm Dơi cũng vừa triển khai dự án 5 khu đất ở, đất sản xuất tập trung ở xã Thanh Tùng, Nguyễn Huân, Ngọc Chánh, Tân Tiến và Quách Phẩm với kinh phí trên 8 tỷ đồng. Ðây được xem là một trong những phương án giải quyết triệt để nhu cầu đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào Khmer ''an cư, lạc nghiệp''. Dự án hoàn thành, ngoài nhà ở và hỗ trợ vay vốn sản xuất, mỗi hộ đồng bào Khmer còn được hỗ trợ bình quân khoảng 3.000m2 đất để định canh, sản xuất.

Chị Lý Thị Sa Ly, hộ Khmer xã Trần Phán, mong muốn: ''Không đất canh tác, phải làm thuê kiếm sống qua ngày nên muốn thoát nghèo không phải dễ. Nếu Nhà nước hỗ trợ vốn, đất đai và chỉ dẫn mô hình sản xuất thì gia đình tôi sẽ làm theo để mau chóng hết nghèo''.

Phấn đấu cuối năm 2019 có 55% hộ đạt chuẩn văn hóa

Nơi giao lưu văn hóa của địa phương được xây dựng khang trang.
Nơi giao lưu văn hóa của địa phương được xây dựng khang trang.

Tiếp tục thực hiện công tác chăm lo cho hộ nghèo, đặc biệt ưu ái giảm nghèo bền vững hộ đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Đầm Dơi phấn đấu cuối năm 2019 toàn huyện chỉ còn 25% hộ đồng bào thiểu số nghèo (giảm khoảng 14% so với hiện tại); hộ đạt chuẩn văn hóa chiếm 55%; 500 hộ được đào tạo nghề, truyền nghề và giải quyết việc làm; 100% hộ có nhà ở ổn định và có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt; 95% con em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đều được đến trường...

Ông Võ Thanh Tòng - Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết, đến thời điểm này, huyện có 44 người dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; 49 đảng viên; 12 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. ''Thời gian tới lãnh đạo huyện sẽ phát huy tốt vai trò những cán bộ chủ chốt và số hộ có uy tín này để cùng với địa phương khơi dậy ý chí thoát nghèo của bà con dân tộc thiểu số, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà thực hiện tốt cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới'', ông Tòng nhấn mạnh.

Tuấn Thanh
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm