1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Bạn đọc viết:

Tát bầm mặt, đánh thâm mông chưa bao giờ là một phương pháp giáo dục!

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây liên tục xuất hiện tình trạng giáo viên bạo hành học sinh. Một cô giáo đánh tím mặt em học sinh lớp 1 vì lỗi viết sai chính tả. Một cô giáo khác đánh roi bầm mông 12 cháu lớp 4 vì tội không hoàn thành bài tập. Rất nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh phương pháp giáo dục bằng đòn roi của thầy cô. Và tôi xin khẳng định quan điểm của mình: Tát bầm mặt, đánh thâm mông chưa bao giờ được gọi là một phương pháp giáo dục!

Hình ảnh cái roi trong tay các cụ đồ ngày xưa liên tục nhịp nhịp vào mông các cháu thật sự là một nỗi sợ hãi của học trò. Có như thế mới kiềm chế được tính nghịch ngợm, hiếu động và đưa trẻ vào khuôn khổ. Nhưng cái roi ấy khác hoàn toàn với cái tát vào mặt, cái roi ấy khác hoàn toàn với vung tay đánh liên tục khiến mông thâm tím.

Rất nhiều người lập luận mình lớn lên nhờ roi vọt của bố mẹ, mình trưởng thành nhờ đòn roi của thầy cô. Nhưng có lẽ mọi người đã bị “ăn roi” đúng với cái tội, cái lỗi mình gây ra. Và những đòn roi ấy không để lại đau đớn nhiều về thể xác cũng như nỗi sợ hãi tột cùng về tinh thần. Chính vì vậy, mọi người dễ dàng buông câu “Thương cho roi cho vọt”.

Nhưng, hãy nhìn cô bé lớp 1 với hai hốc mắt thâm tím và khuôn mặt non nớt đầy sợ hãi! Thay vì nhận sự uốn nắn, chăm chút của cô giáo nhiều hơn để tiến bộ trong học tập thì cháu lại nhận những hành động đầy bạo lực của “người mẹ hiền thứ hai”.

Cái lỗi viết sai chính tả của cháu thật sự không đáng nhận lấy đòn roi. Thêm vào đó là đòn roi áp dụng với lứa tuổi tiểu học ấy hoàn toàn không phù hợp. Một đứa trẻ viết sai chính tả, làm sai bài toán vẫn thường xảy ra. Rất dễ dọa một đứa trẻ tiểu học. Chỉ cần một ánh mắt nghiêm nghị, một lời nói to tiếng, một cây thước nhịp bàn là các cháu đã răm rắp nghe lời và chăm chỉ viết bài, làm toán. Chứ không phải là những cái tát vào mặt và đánh thâm mông đầy bạo lực như thế.

Sau vụ việc, những giọt nước mắt của cô giáo rơi vì ân hận, day dứt không khỏi khiến chúng ta ngậm ngùi. Nhưng nhìn lại vết bầm trên mặt cô bé ấy, người làm cha làm mẹ lại thấy giận cô giáo nhiều hơn.

Chúng ta vẫn biết công việc của người giáo viên đầy áp lực, vẫn thấu hiểu những ức chế khi học sinh chậm tiến bộ, không vâng lời, vẫn thông cảm vì những hành động nóng giận không kiềm chế được của người thầy. Nhưng chúng ta không đồng tình phương pháp giáo dục bằng cách tát vào mặt, đánh thâm mông con trẻ như thế.

Một roi để trò chăm học, một roi để trò nề nếp, một roi để trò nên người, phụ huynh chúng tôi ủng hộ. Cây roi trong tay người thầy cần được dùng đúng tội, đúng lúc và đúng cách. Có thế thì nó mới phát huy tác dụng giáo dục, mới xuất phát từ cái tâm của người thầy mẫu mực.

Còn mọi sự lạm dụng roi vọt hoặc đòn roi quá tay, quá đà thì rất đáng lên án. Bởi nó đã chuyển thành bạo hành học sinh mất rồi.

Ngọc Hùng

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!