Bạn đọc viết:

Tập huấn giáo viên: Cần những giờ dạy thị phạm

(Dân trí) - Bài viết “Giáo viên lại tiếp tục được cưỡi ngựa xem hoa?” của cô giáo Thanh Thanh đã phần nào tái hiện được thực trạng hình thức, qua loa của công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên hiện nay.

Cách tập huấn phân cấp nhiều tầng bậc cùng sự chú trọng lý thuyết hàn lâm đã và đang khiến giáo viên chúng tôi hết sức bối rối, loay hoay với hàng loạt cái mới về phương pháp giảng dạy.

Giống như cô giáo Thanh Thanh, tôi vừa mới tham dự chuyên đề “Phương pháp và kỹ thuật tổ chức hoạt động nhóm và hướng dẫn học sinh tự học”. Thú thật, rất khó để thẩm thấu toàn bộ lý thuyết khi nó được trình bày trong khoảng một tiếng đồng hồ. Người báo cáo là đồng nghiệp của tôi được cử đi dự tập huấn ở Sở GD-ĐT 2 ngày và đúng như chị nói, mọi thứ vẫn đang mơ hồ và chị chỉ truyền đạt lại những gì mình đã nghe, đã học.

60 phút cho một buổi tập huấn về một vấn đề quan trọng liên quan đến phương pháp giảng dạy lại hầu như chỉ đề cập đến lý thuyết. Những thuật ngữ, khái niệm và kiến thức chuyên ngành cứ đan xen, nối dài làm không ít giáo viên rối bù. Sau khi trình chiếu một loạt lý thuyết, báo cáo viên đưa ra mẫu giáo án mới cần cập nhật và thực hiện trong năm học tới.

Khá nhiều thắc mắc của giáo viên đưa ra rơi vào “khoảng không im lặng” khi báo cáo viên không thể trả lời với lý giải “tôi cũng chỉ là một người đi dự tập huấn và lắng nghe lý thuyết”. Buổi tập huấn ấy kết thúc và càng nghĩ đến cụm từ “cưỡi ngựa xem hoa” của cô giáo Thanh Thanh, tôi càng thấy thấm thía.

Giáo dục liên tục cập nhật cái mới, vận hành không ngừng nghỉ nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của thời đại là lẽ tất nhiên. Nhưng vấn đề là giáo viên tiếp cận với cái mới như thế nào và hiệu quả ra sao dường như đang bị bỏ ngỏ. Chúng tôi đã và đang tham dự nhiều chuyên đề, hội thảo, buổi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và hầu hết cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.

Đơn cử như việc tập huấn đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá học sinh với việc xây dựng ma trận đề kiểm tra. Một buổi tập trung hướng dẫn lý thuyết, sau đó là trình chiếu đề mẫu và giáo viên buộc phải tự mày mò xây dựng ma trận đề, câu hỏi và đáp án. Dẫu buổi tập huấn ấy đã trôi qua vài năm rồi nhưng tôi vẫn khẳng định là nhiều giáo viên vẫn còn mơ hồ về điều này.

Đơn cử như việc tập huấn dạy học tích hợp liên môn và nội môn. Mọi thứ chỉ dừng lại ở lý thuyết. Báo cáo viên diễn giải lý thuyết và một số đơn vị trường học tự mò mẫm biên soạn giáo án, tìm kiếm địa chỉ tích hợp. Và trong các buổi sinh hoạt chuyên môn ở huyện, thị cứ lên trình chiếu giáo án thế này, thế kia và nhận xét, góp ý. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực dạy là một khoảng cách xa vời. Vấn đề không phải là tìm ra địa chỉ tích hợp mà quan trọng là tích hợp như thế nào trong bài giảng, trên lớp học để tạo ra sự nhuần nhuyễn, tránh gượng ép, cứng nhắc lại chưa được chú trọng.

Hay như câu chuyện về tập huấn đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng năng lực người học. Chúng tôi được học lý thuyết về mục tiêu, tầm quan trọng của việc phát triển năng lực, học các năng lực chung và chuyên biệt của bộ môn và sau đó được yêu cầu biên soạn giáo án, đưa vào bài dạy. Không hề có một tiết dạy mẫu của những giáo viên cốt cán, những chuyên gia đầu ngành về dạy học phát triển năng lực. Chính điều đó khiến không ít giáo viên thực hiện chủ trương này một cách đối phó, qua loa.

Ba câu chuyện trên không thể khái quát toàn cảnh bức tranh tập huấn giáo viên phổ thông hiện nay nhưng phần nào cho thấy thực tế công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên đã và đang tồn tại khá nhiều bất cập. Giáo viên chúng tôi rất khao khát được tham gia các chuyên đề, hội thảo chất lượng, ý nghĩa. Nhất là khi công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục đang đặt ra nhiều thách thức buộc giáo viên phải đổi mới thực chất năng lực, phương pháp sư phạm.

Lý thuyết cần phải gắn với thực tiễn, học phải đi đôi với hành. Để công cuộc tập huấn giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới sắp tới thành công như mong đợi, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, thiết kế những tiết dạy thị phạm chất lượng và hiệu quả.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm