Tăng học phí mầm non, phổ thông công lập có tác động xã hội rất lớn
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, tăng học phí mầm non, giáo dục phổ thông công lập là vấn đề có tác động xã hội rất lớn, nên phải tính toán triển khai một cách căn cơ, bài bản.
Đánh giá kỹ tác động của học phí cấp phổ thông
Tại cuộc họp với Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành mới đây, Phó Thủ tướng cho rằng, tăng học phí mầm non, giáo dục phổ thông công lập là vấn đề có tác động xã hội rất lớn.
Vì vậy vấn đề học phí của các cấp học này phải được tính toán, triển khai một cách căn cơ, bài bản, tổng thể, trên tinh thần nhân văn, không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của những đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ GD&ĐT cần đánh giá kỹ tác động để có chính sách học phí bảo đảm phù hợp với khả năng đóng góp, chi trả của người dân; đồng thời phải có các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng khó khăn, yếu thế để bảo đảm phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mục tiêu về giáo dục của Đảng, Nhà nước.
"Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục không giảm, nhưng không cào bằng, dàn trải.
Với việc thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa ở những địa bàn thuận lợi, ngân sách nhà nước tập trung cho học sinh thuộc diện chính sách, khó khăn, yếu thế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, cần sửa đổi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để có lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp.
Song song với đó, các đơn vị cần nghiên cứu triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp (học bổng, miễn, giảm học phí, bố trí kinh phí dành cho giáo dục đại học, nghề nghiệp từ các chương trình mục tiêu quốc gia), tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho sinh viên…, để không làm giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao đối với các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế và dễ bị tổn thương.
Hàng loạt trường đại học tăng học phí
Như vậy sau 2 năm không tăng học phí do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm học 2023- 2024, nhiều trường đại học thông báo sẽ tăng học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, năm nay trường sẽ tăng học phí theo quy định của Nghị định 81.
Đặc biệt năm nay, nhà trường bắt đầu tự chủ nhóm 2 nên việc tăng học phí không tránh khỏi.
Các khối ngành Y dược của một số trường như Đại học dược Hà Nội, Đại học Phenikaa, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội…, đều thông báo tăng học phí.
Tương tự các trường thuộc nhóm ngành tài chính, kỹ thuật cũng tăng học phí như: Học viện Tài chính đưa ra mức học phí dự kiến năm học tới với chương trình chuẩn là 22-24 triệu đồng, tăng 10-20% so với hiện tại. Học phí với chương trình chất lượng cao của trường này tăng nhẹ lên 48-50 triệu đồng.
Chương trình chuẩn của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM có mức học phí 7,05 triệu đồng/học kỳ (tăng nhẹ so với mức dự kiến năm ngoái). Chương trình đại học chính quy chất lượng cao gần 18 triệu đồng/học kỳ.
Năm 2023, học phí hai khối ngành kinh tế và kỹ thuật của Trường Đại học Điện lực sẽ là gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14% so với năm trước.
Trường Đại học FPT tăng học phí chính khóa là 28,7 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm 57,4 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Công nghệ TPHCM tăng học phí bình quân dự kiến 5,3-6 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 16-18 triệu đồng/học kỳ.
Riêng ngành dược học, sinh viên phải đóng 6-6,5 triệu đồng/tháng, tương đương 18-20 triệu đồng/học kỳ.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) quyết định mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Mức này tăng 2,5 triệu đồng so với mức dự kiến năm ngoái.
Trên thực tế, có không ít thí sinh khi đỗ được vào đại học, nhưng vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn nên không thể theo học.
Do đó, học phí là một trong những yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường.
Cách tính học phí của các trường hiện nay rất khác nhau, có trường tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường tính theo tín chỉ.
Do vậy, bên cạnh việc tham khảo thông tin "3 công khai", thí sinh cần chú ý thêm cách tính học phí của các trường để hình dung rõ chi phí học tập của bản thân trong suốt quá trình học đại học.