Quảng Trị:
Tân sinh viên nhà nghèo nặng trĩu nỗi lo trước ngày nhập trường
(Dân trí) - Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hai nữ sinh quê Quảng Trị đã rất nỗ lực học tập để vượt qua kỳ thi THPT quốc gia và nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Song để đến được giảng đường đại học, theo đuổi giấc mơ vẫn là nỗi lo lắng, bởi có muôn vàn khó khăn đang chờ đợi các em.
Mồ côi cha, nữ sinh nghèo nương tựa vào bà nội
Thăm hoàn cảnh em Phạm Thị Hạnh (ở thôn Trúc Kinh, xã Cam An, huyện Cam Lộ), nghe Hạnh chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình mình, chúng tôi thấy thương cho em và cảm động trước hình ảnh người bà nội già yếu vẫn hàng ngày làm lụng, chắt bóp để nuôi đứa cháu đi học, dù khó khăn vẫn quyết tâm không để cháu thất học.
Phạm Thị Hạnh vừa trúng tuyển vào khoa Du lịch (Đại học Huế), ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, với tổng điểm 3 môn là 21,25 điểm.
Bà Hoàng Thị Thí (85 tuổi, bà nội Hạnh) cho biết: “Cháu mồ côi cha khi lên 4, lớn lên chưa hề biết mặt mẹ. Cha cháu mất do mang bệnh hiểm nghèo. Từ thuở nhỏ đến bây giờ, hai bà cháu vẫn bên nhau, rau cháo mà sống qua ngày”.
Dù tuổi cao nhưng bà Thí vẫn lao động miệt mài để nuôi cháu ăn học. Nhà có nửa sào ruộng nên đến mùa bà gieo lúa, xong thì đi nhặt củi, nhặt ve chai… để bán lấy tiền cho cháu đi học. Vì thương hoàn cảnh của hai bà cháu nên khi khó khăn, các thầy cô, giáo dạy Hạnh đều chung tay giúp em.
Bà Thí tâm sự: “Cháu Hạnh thiếu thốn tình thương của cha mẹ, ở với bà nên dù khó khăn đến mấy cũng cho cháu đi học để kiếm cái chữ. Tui dự định cho cháu học hết lớp 12 rồi khuyên cháu ở nhà, nhưng thấy nó học giỏi nên cũng thấy tội. Bây giờ cháu nói đậu đại học và phải vô thành phố học, tui cũng chưa biết phải mần răng”.
Bao nhiêu năm qua, bà Thí không quản ngại khó khăn để làm việc và nuôi cháu nên người. Thương cháu nên dù sức khỏe yếu, hay đau ốm nhưng bà vẫn cố gắng để không để cháu thất học. Tuy vậy, bà lo lắng về việc Hạnh đi học đại học sẽ rất tốn kém, bà đã cao tuổi nên không biết xoay xở đâu.
“Nếu cháu quyết tâm đi học thì tui cũng sẽ cố gắng vay mượn xung quanh, hai bà cháu chi tiêu tằn tiện, ăn muối, mắm để dành tiền đóng học và trang trải các chi phí. Số tiền trợ cấp người cao tuổi của tui sẽ cho cháu đóng học”, bà Thí nói.
Cầm trên tay giấy báo nhập học, Hạnh cũng băn khoăn suy nghĩ về hoàn cảnh của mình. Hạnh rất thương bà nội vì đã luôn quan tâm, chăm sóc cho cháu suốt 12 năm học vừa qua. Hạnh cũng khát khao và ao ước được bước chân đến giảng đường để theo đuổi ước mơ.
Hạnh nói rằng, khi vào trường em sẽ cố gắng tìm kiếm việc làm thêm để đỡ đần cho bà nội và trang trải các chi phí trong quá trình học. Tuy vậy, ước muốn trở thành sinh viên của em sẽ còn gặp rất nhiều chông gai.
Nữ sinh nghèo nuôi ước mơ trở thành luật sư
12 năm liền là học sinh giỏi, Hồ Thị Phương (SN 1999, ở phường Đông Giang, TP Đông Hà) luôn mơ ước trở thành luật sư. Đến khi cầm tấm giấy báo trúng tuyển vào trường Đại học Luật TPHCM với số điểm 25,5, em đã có thêm cơ hội để hiện thực hóa ước mơ đó, song đường đến tương lai của em có thể còn gặp nhiều trắc trở bởi kinh tế gia đình khó khăn.
Theo kế hoạch của nhà trường, vào ngày 26/8 các thí sinh phải có mặt để nhập học. Thông báo nhà trường gửi kèm theo thì học phí lúc nhập trường thí sinh phải nộp là 8 triệu đồng cho mỗi kỳ học. Cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học, khuôn mặt Phương thể hiện sự băn khoăn, chưa biết mình có nhập học được hay không.
Phương cho biết, gia đình em có 3 chị em. Để nuôi các con ăn học đến hôm nay cha mẹ em đã trải qua nhiều vất vả. Ba em là Hồ Văn Thơ (SN 1970) hàng ngày phải đi làm thuê đủ nghề như: làm thợ hồ, bốc vác… để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Mẹ em mỗi ngày bán hàng nước, rau củ, quả để phụ chồng nuôi con.
Phương kể rằng, hôm em nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, cha mẹ cũng bày tỏ sự vui mừng, động viên em cố gắng đi học, nhưng cũng lo lắng vì hoàn cảnh khó khăn, trong khi học phí lại rất cao.
“Cha mẹ em hay đau ốm nhưng không quản ngại khó khăn để nuôi 3 chị em đi học. Bây giờ nếu em vào thành phố học đại học nữa thì không biết cha mẹ có xoay sở được không”, Phương lo lắng.
Chia sẻ về dự định của mình, Phương nói rằng nếu đi học đại học thì sẽ cố gắng thu xếp thời gian để đi làm gia sư hoặc tìm kiếm việc làm gì đó phù hợp nhằm có thêm tiền trang trải các chi phí nhập học.
Đăng Đức