Quảng Trị:

Mẹ nhặt ve chai, cha mất sức lao động, nữ sinh nghèo khát khao vào đại học

(Dân trí) - Đạt 27 điểm khối A (chưa cộng điểm ưu tiên) và trúng tuyển vào trường Đại học Kinh tế - Luật, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông chị em, cha thường đau ốm, khiến đường đến giảng đường đại học của em Lê Huyền Trâm còn lắm chông gai.

Mẹ nhặt ve chai nuôi con tìm chữ…

Mấy ngày qua, cái tin em Lê Huyền Trâm đậu đại học lan khắp làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Địa phương này cũng là vùng đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học của huyện Gio Linh.

Chông gai đường đến giảng đường của nữ sinh nghèo Quảng Trị

Người dân trong vùng trầm trồ khen ngợi Trâm, bởi em là con nhà nghèo, cha đau ốm, mất sức lao động. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, một mình mẹ em phải đi nhặt ve chai bán lấy tiền để lo cho cuộc sống và nuôi các con đi học.


Hai cha con em Trâm đắn đo trước tấm giấy báo nhập học.

Hai cha con em Trâm đắn đo trước tấm giấy báo nhập học.

Ba của Trâm là anh Lê Văn Thọ (SN 1970) mấy năm nay do đau ốm nên không làm được công việc nặng nhọc. Mẹ em là Trương Thị Liên (46 tuổi) hàng ngày phải lên thành phố đi nhặt ve chai bán lấy tiền và nuôi con ăn học. Bao nhiêu năm qua, một mình chị Liên vất vả, chạy vạy ngược xuôi lao động để lo toan cuộc sống. Tuy nhiên, hai vợ chồng vẫn quyết tâm cho các con ăn học thành người.

Gia đình Trâm có 5 chị em gái, nhưng ai cũng chăm ngoan và đều là học sinh khá, giỏi. Mỗi khi nói đến gia đình em Trâm, ai trong xóm cũng khen ngợi về tinh thần hiếu học, ý chí vượt qua nghịch cảnh của mấy chị em.

Chị gái đầu của Trâm là Lê Ngọc Huyền, hiện đang theo học năm thứ hai tại trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị. Còn em gái là Lê Ngọc Lan, năm nay học lớp 11, hai em còn lại học lớp 8 và lớp 3.

Em gái Trâm năm nay bước vào lớp 11 cũng học rất giỏi
Em gái Trâm năm nay bước vào lớp 11 cũng học rất giỏi

Nhắc đến Trâm, mọi người sẽ càng ngạc nhiên hơn bởi ý chí nỗ lực vươn lên của em. Ba năm học phổ thông, em Trâm phải đạp xe ngày 2 vòng, hơn 20 cây số để lên TP Đông Hà theo học. Dù ngày nắng, ngày mưa, Trâm vẫn không bỏ học buổi nào. Nhờ sự cần cù, cố gắng đó mà 12 năm học vừa qua em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Trâm đã xuất sắc đạt được 27 điểm ở khối A. Trong đó, môn Toán 9,0, môn Lý 8,75 và môn Hóa được 9,25 điểm. Với số điểm này, Trâm đăng ký xét tuyển tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (TP Hồ Chí Minh), ngành Kinh tế Quốc tế (Kinh tế đối ngoại) và đã trúng tuyển trường này.

Con đậu đại học, vai cha mẹ càng nặng thêm!

Biết con trúng tuyển đại học, vợ chồng anh Thọ mừng rơi nước mắt. Vì thương con, anh chị sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiếu thốn, quyết tâm vay nợ để cho con đi học.

Tấm giấy báo trúng tuyển gọi em Trâm nhập học kèm theo thông báo về mức thu ban đầu trước khi vào trường gần 6.300.000 đồng
Tấm giấy báo trúng tuyển gọi em Trâm nhập học kèm theo thông báo về mức thu ban đầu trước khi vào trường gần 6.300.000 đồng

Lúc gặp chúng tôi, đôi mắt anh Thọ ánh lên vẻ tự hào nhưng sâu thẳm là nỗi lo lắng chưa biết lấy tiền đâu cho con nhập học. Rồi khi con vào TP Hồ Chí Minh học tập, điều kiện sống đắt đỏ làm sao có thể nuôi con đến ngày ra trường. Hàng loạt câu hỏi cứ quanh quẩn trong tâm trí của người cha.

Con đậu Đại học nhưng anh Thọ canh cánh nỗi lo chưa biết lấy gì nuôi con ăn học
Con đậu Đại học nhưng anh Thọ canh cánh nỗi lo chưa biết lấy gì nuôi con ăn học

Anh Thọ ngước mắt ra khoảng sân trước nhà rồi trầm tư: "Mặc dù gia đình khó khăn nhưng vợ chồng tui sẽ quyết tâm vay mượn để cho cháu nhập học cho kịp thời. Sau đó tìm cách vay mượn người thân, bạn bè để đóng học phí cho cháu và dành ra một khoản cho cháu vào thành phố ổn định sinh hoạt và chi tiêu. Tiếp đến là tìm các nguồn kinh phí như vay vốn ngân hàng để khi cần gửi vào cho cháu."

“Vợ tui một ngày đi thu mua ve chai được dăm bảy chục ngàn chỉ đủ trang trải cuộc sống. Nhưng vì tương lai con, vợ chồng tui chấp nhận hy sinh mọi thứ, tiết kiệm chi tiêu để nuôi con đi học”, anh Thọ cho biết.

Em Trâm vừa tranh thủ củng cố kiến thức môn Tiếng Anh...
Em Trâm vừa tranh thủ củng cố kiến thức môn Tiếng Anh...

Từ hôm nhận được giấy báo trúng tuyển, Trâm nhận được sự động viên từ cha mẹ nên em càng quyết tâm đi học đại học. Hiện em đang củng cố thêm kiến thức môn tiếng Anh để khi nhập trường sẽ trải qua đợt kiểm tra trước khóa học. Tuy vậy, khi có thời gian rảnh là em lại giúp cha, thay mẹ đảm trách công việc gia đình, lo chuyện bếp núc, nuôi lợn, nuôi gà.

...vừa thái chuối cho lợn, gà giúp cha mẹ
...vừa thái chuối cho lợn, gà giúp cha mẹ

Trâm nói rằng, em thích ngành Kinh tế đối ngoại từ lâu và luôn quyết tâm thực hiện được ước mơ đó. Đây cũng chính là lý do để em đặt ngành này vào “ưu tiên số 1” khi chọn ngành học, trường học.

“Em rất thương cha, mẹ, em hiểu sự khó khăn của gia đình em. Bản thân em cũng quyết tâm nhập trường đại học, luôn khát khao ngồi trên ghế giảng đường. Khi vào học rồi, ổn định chỗ ăn ở thì em sẽ cố gắng thu xếp việc học để đi làm thêm, làm gia sư để có thêm thu nhập trang trải việc học. Em đã tham khảo từ các anh, chị có cùng sự khó khăn như em nên em nghĩ mình sẽ làm được”, Trâm tâm sự.

Ngồi bên con, nghe con tâm sự về dự định của mình mà anh Thọ không cầm nổi lòng. “Là người chồng, người cha, trụ cột của gia đình nhưng do đau ốm nên tui không giúp được gì nhiều cho vợ và con. Con sắp vào trường nhưng đến chiếc va ly cũng phải đi mượn, không có lấy bộ quần áo mới cho con mặc cũng làm tui day dứt lắm chú à. Tui sẽ cố gắng hết sức để nuôi con theo học”, anh Thọ xúc động.

Em Trâm cho hay, theo kế hoạch thì còn 10 ngày nữa mới nhập học. Tuy nhiên, việc nhập học được hay không còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế. Với hoàn cảnh hiện tại của gia đình em thì ước mơ vào giảng đường của Trâm sẽ còn gặp không ít chông gai.

Bạn đọc có thể chia sẻ với em Trâm theo địa chỉ:

Em Lê Huyền Trâm, đội 6, thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Điện thoại: 01662 877 456

Hoặc: Anh Lê Văn Thọ (ba em Trâm): 01683 340 346

Đăng Đức