Tâm sự giáo viên: Tết này được thưởng bao nhiêu?
(Dân trí) - “Tết này được thưởng bao nhiêu?” - Chúng tôi cứ hễ gặp nhau dịp cuối năm đều tò mò hỏi nhau về khoản tiết kiệm chi mà nhà trường sau khi cân đối thu chi chia ra cho giáo viên. Rồi tất cả đều bật cười về những con số được tiết lộ.
Một người bạn của tôi hí hửng khoe mức thưởng Tết đáng mơ ước của trường bạn: 1 triệu đồng. Cả nhóm nhao nhao chúc mừng và xuýt xoa ước gì cũng được chừng ấy là đủ an ủi những ngày cuối năm nhộn nhịp mua sắm đón Tết.
Một triệu đồng, đó là khoản tiền thưởng Tết cao nhất từ trước đến nay mà một người bạn của tôi được nhận từ khi thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về tự chủ tài chính. Cuối năm, sau khi cân đối các khoản, nhà giáo được nhận thêm khoản “tiết kiệm chi tiêu”.
Chúng tôi cũng gọi đó là “lương tháng 13” như nhiều ngành nghề khác nhưng thật ra nó chỉ dừng lại ở con số vài trăm nghìn đồng, thậm chí có năm bạn tôi được chia… tám chục nghìn. Vậy nên chuyện cả nhóm xuýt xoa mơ ước con số 1 triệu đồng là chuyện thật mà như đùa.
Dõi theo thông tin thưởng Tết trên truyền thông, chúng tôi trầm trồ bàn tán xôn xao về những con số chục triệu, trăm triệu đồng ở các ngành nghề. Nhìn đồng nghiệp của mình ở tỉnh bạn cũng mon men lên đến hơn ba chục triệu đồng, chúng tôi mừng cho bạn và nhen nhóm không ít nỗi niềm ngậm ngùi, thương cảm cho chính mình.
Nhà giáo bao đời sống thanh bạch, lấy tình yêu nghề, thương trò làm lẽ sống. Nhưng nhà giáo cũng phải tất bật đón Tết, cũng lo toan xoay xở lo cái Tết chu toàn cho gia đình, con cái. Vậy nên, xin đừng trách cứ gì chuyện nhà giáo than nghèo, kể khổ, bàn chuyện “nặng mùi tiền”!
Giữa thời buổi vật giá leo thang với hàng trăm thứ hàng hóa “đội giá” như hiện nay, mấy trăm nghìn đồng sắm sao cho vuông tròn bây giờ? Bao nhiêu khoản phải chi tiêu, bớt xén khoản nào cũng không xong: Tấm áo mới cho con, mứt bánh đãi khách, mâm cúng gia tiền, quà mừng tuổi con cháu…
Bao nhiêu thứ phải lo toan dịp Tết đến, ai cũng mong chờ khoản “lương tháng 13” bù đắp vào phần còn thiếu hụt. Nhưng quả là cảnh thiếu trước hụt sau vẫn cứ thế tiếp diễn. Vợ chồng bạn tôi đều là nhà giáo đang xoay xở mượn mấy triệu chi tiêu dịp Tết rồi ra giêng trả nợ dần, nghe mà đắng lòng!
Mưu cầu một cuộc sống đủ đầy hơn là khát vọng chính đáng của con người. Ước mơ một cái Tết vuông tròn là nhu cầu tất yếu của chúng ta. Nhà giáo cũng mơ, đã ước rất nhiều và dường như giấc mơ ấm no vẫn còn xa xăm quá!
Mỗi năm dịp tôn vinh nhà giáo, người người lại thương cảm mức lương khiêm tốn của người thầy. Dịp tuyển sinh sư phạm, nhà nhà lại bàn chuyện lương nhà giáo thấp, đãi ngộ ít ỏi. Bọn trẻ bây giờ nghe nhà giáo được thưởng Tết vài trăm nghìn lại “mắt tròn mắt dẹt” ngạc nhiên, thử hỏi làm sao mà níu chân người tài vào sư phạm, thu hút người giỏi cống hiến cho giáo dục?
Dẫu đặt mình vào bối cảnh chung của giáo dục nước nhà để tự bằng lòng với mức thưởng Tết vài trăm nghìn, tự tạo động lực “có còn hơn không”, tự an ủi “có nơi 0 đồng”, tự động viên nhau “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” nhưng giá như đời sống của người thầy được chăm lo tốt hơn tí xíu để lòng người ấm áp hơn tí xíu khi đất trời vào xuân…
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!