Tiến tới ĐH Thi đua khuyến học lần II:

Tâm sự của những “lá cờ đầu” trong công tác khuyến học

(Dân trí) - Thành công của công tác khuyến học ngày nay chính là nhờ những tâm huyết, những tấm lòng hết mình vì sự nghiệp “trồng người” của những vị lãnh đạo chủ tịch Hội. Họ đã có những “kế sách” khẳng định vai trò phong trào khuyến học trong xã hội.

 
Tâm sự của những “lá cờ đầu” trong công tác khuyến học - 1
Những học sinh nghèo đều được cấp học bổng đi học
 
 Người đứng đầu Hội phải tâm huyết nhiệt tình - Nông Hồng Thái, Chủ tịch Hội KH Cao Bằng

Sau gần 40 năm công tác, khi nghỉ hưu, tôi đã tìm hiểu và cân nhắc tôi thấy Hội khuyến học là tổ chức xã hội rộng rãi bao gồm những người có tâm huyết, tự nguyện tham gia đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Khi đó tỉnh Cao Bằng chưa có tổ chức Hội, tôi thấy đây là sự thiệt thòi cho dân Cao Bằng nói chung và các cháu học sinh các dân tộc vùng sâu vùng xa, học sinh gia đình nghèo nói riêng. Tôi tự nguyện đứng ra thành lập Ban chấp hành lâm thời Hội khuyến học tỉnh Cao Bằng và đến tháng 3/2002 đại hội lần thứ nhất đã bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Cao Bằng (nhiệm kỳ 2002-2005).

Mặc dù Hội khuyến học tỉnh Cao Bằng thành lập vào loại muộn nhưng đến hết tháng 12/2004 Hội khuyến học Cao Bằng đã phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh và đã tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân, của cấp uỷ chính quyền các cấp. Vị thế vai trò và sự cần thiết của Hội khuyến học trong sư nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo và công cuộc xã hội hoá giáo dục tại  tỉnh Cao Bằng đã được khẳng định.

Với những thành tích đã đạt được trong 3 năm qua (2002-2004) Hội khuyến học Cao Bằng đã liên tục nhận được cờ thưởng đơn vị xuất sắc của Hội khuyến học Việt Nam.

Từ thực tiễn của Cao Bằng chúng tôi xin rút ra những bài học kinh nghiệm như sau: Nhất thiết phải có sự lãnh đạo của Đảng và tạo điều kiện của chính quyền các cấp đối với phong trào khuyến học - khuyến tài. Cán bộ làm công tác khuyến học, nhất là người đứng đầu các cấp Hội phải tâm huyết, nhiệt tình, chịu khó, có uy tín và kinh nghiệm vận động quần chúng, phải thực sự là công bộc và đầy tớ của dân.

 Đại hội thi đua khuyến học tiếp sức cho chúng tôi! - Trương Sĩ Tiến, Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Trị

 Đến năm 2008, khuyến học Quảng Trị đã được nhận 6 cờ Trung ương Hội, cờ đơn vị thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, bằng khen của Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước. Đây là kết quả từ những nỗ lực không ngừng của Đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân và hệ thống khuyến học.
 
Để góp tiếng nói xây dựng với Đại hội, tôi xin được báo cáo 3 vấn đề mà theo tôi đã thể hiện rõ nhất sự vượt khó đi lên của Hội khuyến học Quảng Trị: Thứ nhất,  tập trung tạo ra nhận thức đúng và thống nhất; thứ hai, huy động sức mạnh tổng hợp để phát triển quỹ khuyến học; thứ ba, nỗ lực suy nghĩ để chọn bước đi và nội dung hợp lý.

Việc khuyến học vốn rất rộng và yêu cầu khá cao. Với một tỉnh còn nhiều gian khó như Quảng Trị, nóng vội và cầu toàn rất dễ thất bại. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực suy nghĩ để chọn bước đi và nội dung hợp lý.

Về bước đi, chúng tôi không chủ trương ồ ạt, đồng loạt trước hết chọn nơi cần và có điều kiện thuận lợi làm trước là Phát triển tổ chức chọn làm thị xã Quảng trị vừa cần, vừa có điều kiện cả con người và cơ sở vật chất để làm trước, còn vùng đồng bào các dân tộc vừa xa vừa có nhiều khó khăn thì làm sau xây dựng giáo dục học tập.

Về nội dung, chúng tôi tập trung cân đối giữa khuyến học xã hội và khuyến học nhà trường theo đúng hướng xây dựng xã hội học tập. Vừa chú trọng phát triển chiều rộng của phong trào vừa tập trung đúng mức để hình thành các điển hình có sức thuyết phục cao.

Đối với các trường học, vì không đủ sức để làm cho tất cả, phương châm của chúng tôi tập trung vào giúp đỡ học sinh nghèo, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn và khen thưởng học sinh giỏi, có thành tích xuất sắc. Chính vì xác định nội dung tập trung  nên hoạt động của Hội không bị quá tải, không bị dàn trải và có điều kiện đủ mạnh để tạo ra hiệu quả rõ rệt hơn.

Trên đây là một số cố gắng vượt khó để đi lên của khuyến học Quảng Trị trong đó cá nhân tôi có góp phần nhỏ bé. Chúng tôi ý thức rằng, những gì có được và làm được là nhỏ so với yêu cầu cần có và cần làm. Đại hội này là sự tiếp sức cho chúng tôi để tiếp tục vươn lên thực hiện nhiều hơn, tốt hơn cái cần có và cần làm đó.

 “Muốn tổ chức mạnh thì phải có cán bộ chủ chốt mạnh và có cơ chế, chính sách hợp lý” - Nguyễn Đình Bưu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hoá

Năm 2000, sau khi được thông báo nghỉ hưu chưa được một tuần thì Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề nghị tôi tham gia công tác Khuyến học. Tôi đã đem hết trí tuệ và sức lực cùng với kinh nghiệm vận động và tổ chức quần chúng vào trong phong trào Khuyến học ở Thanh Hoá.

Đầu tiên, tôi tập trung soạn thảo đề án xây dựng xã hội học tập và đề án xây dựng, phát triển trung tâm học tập cộng đồng ở Thanh Hoá báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Tôi không chỉ tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền có các chủ trương dài hạn, chiến lược mà còn tiếp tục tham mưu cho tỉnh uỷ ban hành tiếp chỉ thị và các văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đến nay ở Thanh Hoá đã có tương đối đầy đủ cơ chế, chính sách cần thiết cho  các mặt hoạt động Khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập.

Từ kinh nghiệm hơn 20 năm làm công tác Đảng và chính quyền đã giúp cho tôi nhận thấy rõ muốn có một tổ chức mạnh, hoạt động có hiệu quả thì phải có hai yếu tố là cán bộ chủ chốt mạnh và có cơ chế, chính sách hợp lý.

Mỗi năm tôi đều dành thời gian đi vận động các tập thể và các cá nhân ủng hộ cho Quỹ Khuyến học của Hội. 9 năm liền tôi đã vận động được gần 18 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học của tỉnh Hội. Do đó hàng ngàn HSSV được nhận học bổng, được khen thưởng. Cả tỉnh hiện có 27 loại Quỹ Khuyến học đang hoạt động, trong đó Hội Khuyến học trực tiếp hoặc tham gia quản lý 14 loại.
 
Cho đến nay phong trào Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Thanh Hoá phát triển khá toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc cả bề rộng và chiều sâu, đã tác động mạnh mẽ đến phát triển quy mô và chất lượng giáo dục; đã đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

 P.V